Chia sẻ của nhà sư Thích Tâm Nguyên trong clip 13 phút về Facebook đã làm nhiều bạn trẻ cười ồ thích thú, nhưng không khỏi suy nghĩ.
Nơi “trường học” ấy nhiều người biến mình thành “mỏ than”, thành “cú đêm” trùm chăn ôm Facebook, thành nơi trút mọi vui, buồn, giận dữ, kể cả những nỗi đau, thành nơi định hình giá trị qua những lượt like, bình luận và tự biến mình thành thùng rác giữa ngã tư đường… nhà sư dí dỏm ví von.
Và ông truyền thông điệp: nhiều khi cánh cửa mạng xã hội mở toang thì cánh cửa lòng lại đóng chặt.
Như thế nào là “học sinh xuất sắc”?
Trong đoạn video chia sẻ về mạng xã hội Facebook, sư thầy nói thêm rằng: "Ước gì chuyện đó xảy ra, không cần đi học, suốt ngày đăng tải (hình ảnh, trạng thái) lên Facebook là thành học sinh xuất sắc".
Câu nói này có lẽ sẽ làm nhiều người giật mình: phải chăng mình cũng là một “học sinh xuất sắc” kiểu như vậy?
Chia sẻ về điều này, Diễm Hạnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng một “học sinh xuất sắc” trên Facebook là gửi thật nhiều lời mời kết bạn, chỉnh sửa công phu các dòng trạng thái để có nhiều lượt like hay chia sẻ.
“Theo họ càng nhiều like sẽ càng được “cao điểm”, nhiều bạn còn bỏ ăn bỏ uống để đầu tư cho việc này”, Diễm Hạnh hóm hỉnh nói.
Lan Anh (18 tuổi, quận 7, TP HCM) nhìn nhận nếu Facebook là trường học thì học sinh xuất sắc đúng nghĩa phải là những người không khoe khoang hay làm trò lố.
Trong khi đó, theo bạn Cúc Hân (sinh viên ĐH Sài Gòn), có ba tiêu chí để xác định một người có là học trò giỏi của Facebook hay không. Đó là lượt tương tác, sự đa dạng về đề tài trong những bài đăng và cuối cùng là truyền được cảm hứng cho những người khác.
Cúc Hân không đồng tình với việc lên mạng “khoe thân” và “cái gì cũng đăng trên Facebook” của nhiều bạn trẻ vì điều này sẽ chia cắt những mối quan hệ bên ngoài của các bạn, như đi chơi mà ai cũng dán mắt vào điện thoại chứ chẳng hỏi han nhau.
"Lên Face mới biết Face bao não phiền"
Nhiều người đã dính bẫy lừa đảo tặng quà từ nước ngoài của những người bạn trên Facebook . |
Câu nói này của nhà sư tiếp tục khiến bạn trẻ cưới. Nhưng đằng sau tiếng cười, nhà sư khẳng định rằng Facebook là một công cụ tuyệt vời, không ai có thể phủ nhận giá trị mà nó mang lại cho cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên, sư thầy cũng nhắn nhủ rằng “như thế không có nghĩa là chúng ta quên đi những mặt trái của nó”.
Sư thầy đưa ra những dẫn chứng cụ thể như: Facebook là nơi người ta thử nghiệm bom miễn phí (khoe khoang), là nơi tìm kiếm vật liệu xây dựng (ném đá), là trường đào tạo thám tử (theo dõi, tò mò đời tư của người khác)…
Sư thầy đưa ra một ví dụ cụ thể về vấn đề sẻ chia trên mạng xã hội. Có nhiều người sau khi đăng tải (trạng thái) trên Facebook, bị người khác công kích và cảm thấy đau khổ. Có người còn tự tử… Vô tình, chúng ta biến mình thành thùng rác giữa ngã tư đường, chúng ta chấp nhận chất chứa những thứ rác mà người khác quăng vào mình.
"Khi các bạn đau lòng, người khác “like”, các bạn có hết đau không?”, sư thầy đặt câu hỏi.
Một vị phụ huynh cho biết, chị theo dõi Facebook của nhiều bạn trẻ và “thấy lạ lắm”. Lạ vì thỉnh thoảng lại thấy đăng những dòng trạng thái như “mọi người quên tôi rồi phải không?” hay “kết bạn làm gì rồi bỏ bê nhau”, kèm theo đó là một bức ảnh khá gợi cảm, khiêu khích.
“Giống như các bạn đang định giá trị của nhau bằng số lượng thích, số bình luận trên Facebook. Ai có càng nhiều người theo dõi, bình luận và thích ảnh thì càng có “giá” hơn”, phụ huynh này chia sẻ.
Đừng xem Facebook như phương tiện để xa rời thực tại.
Anh Lê Trần Long (An Giang) cho rằng giới hạn giữa việc sẻ chia và những hành vi quá lố trên mạng xã hội thật ra rất mong manh. |
“Trước khi đăng tải gì cũng phải nghĩ kỹ nó có gây hại, gây phiền toái cho mình hay ai khác không. Nếu chuyện nhỏ - chuyện lớn, chuyện riêng - chuyện chung gì cũng chia sẻ trên Facebook thì chẳng khác nào mình “vạch hết áo cho người xem lưng”. Đừng bán thông tin của mình với giá bằng 0 như vậy”, anh Long nói.
Có thể nói rất nhiều chuyện với nhau trên mạng nhưng khi gặp ngoài đường lại ngượng nghịu chào nhau bằng câu “trông quen quen nhưng chưa bao giờ gặp nhau thì phải”. Đó là ví dụ sư thầy đưa ra để minh họa cho vấn đề quen nhau nhưng không có sự giao kết thật sự trong xã hội ngày nay.
Nghe những chia sẻ của sư thầy, bạn Thecan cảm thấy rất ấn tượng vì nó “cảnh tỉnh nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ xem Facebook như một phương tiện để xa rời cuộc sống thực tại”.
“Việc sử dụng Facebook quá nhiều sẽ làm các bạn tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, họ chỉ còn biết bấm điện thoại mà thôi”, bạn Diễm Hạnh nhận xét.
Từ quan sát thực tế của mình, chuyên gia kỹ năng sống Đào Lê Hòa An nhận định khi đắm chìm vào thế giới mạng xã hội, sự tương tác với môi trường thực xung quanh sẽ bị bào mòn. Dẫn đến việc dù rất hoạt ngôn trên mạng nhưng khi ra đời thực lại không biết giao tiếp, ứng xử ra sao.
“Kỹ năng giao tiếp giữa người với người sẽ bị thụt lùi, trong khi kỹ năng tương tác với các công cụ mạng xã hội lại tăng lên”, ThS Đào Lê Hòa An nói.
Theo ThS Hòa An, sự khập khiễng giữa những gì bạn thể hiện trên Facebook và bạn ngoài đời thực sẽ là một trở ngại không nhỏ trong việc giao tiếp cũng như trong sự đánh giá của người xung quanh.
Nghiện mạng xã hội có thể rối loạn tâm thần
Nếu vì một hình ảnh hay một dòng trạng thái có ít người thích, ít người bình luận mà trở nên buồn bã, thất vọng thì đó là biểu hiện của sự lệ thuộc vào mạng xã hội và đó cũng là một hình thức nghiện, Bác sĩ (BS) Trịnh Thị Bích Huyền, chuyên khoa Tâm thần (Hà Nội) nhận định.
Dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo sẽ làm người nghiện xa rời cuộc sống thực tế, có thể dẫn đến việc ngại tiếp xúc, ngại giao tiếp trong đời thực. Nặng hơn là bị rối loạn về mặt tâm thần như trầm cảm, lo âu, mất ngủ.
BS Bích Huyền cho biết chị đã từng gặp những bệnh nhân đến điều trị vì những rối loạn do lạm dụng Facebook gây ra.
“Có người bị lừa tiền, lừa tình, có người bị lạm dụng về thể xác vì quá cả tin khi sử dụng mạng xã hội. Sự cố làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thực và làm chính họ hoảng loạn”, BS Bích Huyền chia sẻ.