Mất việc. Bắt buộc nghỉ không lương. Công việc kinh doanh phải tạm dừng. Trường học đóng cửa.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tất cả. Thế nhưng, người lao động, nghèo khó dễ bị tổn thương nhất.
Những ngày qua, báo chí, mạng xã hội liên tục lan truyền hình ảnh những dãy bàn được kê tạm trên vỉa hè với thực phẩm thiết yếu như mì tôm, bánh mì, gạo, nước tương, trứng đóng thành từng gói nhỏ. Kèm theo đó là tấm biển ghi dòng chữ: “Nếu khó khăn, xin cứ lấy 1 phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”.
Từ Hà Nội, TP.HCM đến nhiều tỉnh thành trên cả nước, cảnh tượng này khiến nhiều người bỗng thấy ấm lòng, vui lạ giữa mùa dịch. Đường phố có thể vắng vẻ hơn trong những ngày này, nhưng không thiếu đi sự tử tế, tốt bụng.
Những tấm biển mang dòng chữ “Ai cần cứ đến lấy” giữa mùa dịch khiến nhiều người ấm lòng. Ảnh: Duy Hiệu - Việt Linh. |
Của cho không bằng cách cho
Hưởng ứng lời kêu gọi “sống khác” của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, người dân thành phố đang thực hành tiết kiệm, ít đi lại hơn nhưng cố gắng san sẻ nhiều hơn để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Trên từng con phố, ngõ hẻm tại TP.HCM những ngày qua, các tấm biển phát thực phẩm miễn phí xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi gói đồ ăn đơn giản như mì tôm, bánh mì, bánh tét, nước tương, trứng vịt được trao tận tay người già, vô gia cư, bán vé số.
Dù giá trị mỗi phần không lớn, cả người trao đi và được nhận đều nở nụ cười hạnh phúc.
Các quán cháo, quán cơm với tấm biển miễn phí cho người khó khăn mùa dịch cũng ngày một phổ biến. Hiện hoạt động này đã lan tỏa tới quận 1, quận 10, quận 11, Bình Thạnh, Thủ Đức và nhiều địa điểm trong thành phố.
Hai hôm nay, ngày càng nhiều người biết tới và tìm đến điểm phát gạo miễn phí ở quận Tân Phú của anh Hoàng Tuấn Anh - giám đốc một công ty về khóa điện tử ở TP.HCM. Theo chủ nhân chiếc máy phát gạo tự động này, từ dự định cung cấp 500 kg gạo mỗi ngày cho người nghèo, số lượng trao đi thực tế trong ngày đầu tiên lên tới 1 tấn.
Không chen lấn, xô đẩy, mất trật tự, mỗi người đứng vào cách ô vạch sẵn chờ tới lượt lấy gạo để duy trì khoảng cách an toàn như chính phủ khuyến cáo.
TP.HCM mùa Covid-19 không thiếu các hình ảnh đẹp, lá lành đùm lá rách của người dân. Ảnh: Jang Kều, FB. |
Theo ghi nhận của phóng viên Zing tại Hà Nội hôm 6/4, các điểm phát tặng đồ kèm lời nhắn: “Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày” xuất hiện trên phố Yết Kiêu, 54 Lê Văn Lương, 420 Lạc Long Quân và KTX Mễ Trì.
Từ nay cho đến khi hết thời gian cách ly toàn xã hội (15/4) hoặc lâu hơn nữa, các điểm tặng thực phẩm hàng ngày cho người có nhu cầu vẫn sẽ được duy trì.
Anh Nguyễn Phan Huy Khôi (chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội) chia sẻ với Zing dù công ty bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch Covid-19, khi nghĩ đến những người lao động nghèo ở thành phố còn khó khăn hơn mình rất nhiều, anh cùng vài người bạn đã khởi xướng chương trình: “Ai cần cứ đến lấy” để tặng thực phẩm cho mọi người.
Mỗi suất thực phẩm rất đơn giản có mì tôm, trứng gà... giá trị khoảng 20.000 đồng nhưng đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống của một người/ngày. Mọi người cũng có thể chọn 1 kg gạo, 1 túi muối hoặc 2 gói mì tôm, trứng và xúc xích tuỳ điều kiện.
Có câu nói: “Của cho không bằng cách cho” nên những phần thức ăn, đồ dùng không lớn về mặt vật chất nhưng nhờ những lời nhắn, động viên ấm áp mà trở nên tốt đẹp và đầy ý nghĩa trong thời gian khó khăn.
Hình ảnh người dân thu gom, vận chuyển gạo, mì tôm, rau củ quả tới ủng hộ khu cách ly khiến nhiều người ấm lòng. Ảnh: Phạm Trường, FB. |
Không chỉ tại TP.HCM, Hà Nội, những hình ảnh đẹp về sự san sẻ giữa mùa dịch còn được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An
Đó là đội ngũ Giảng viên ĐH Hà Tĩnh (ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng sinh viên về từng thôn, xã kêu gọi người dân ủng hộ nhu yếu phẩm, rau củ quả để tiếp tế cho gần 1.000 người trong khu cách ly.
Có người cho chuối, bí, rau, có người cho gạo, trứng gà... Cứ thế, cứ mỗi 2-3 ngày, các giảng viên, sinh viên gom góp từ người dân khoảng 3 tạ thực phẩm, rau củ, hơn 70 kg gạo gửi tặng người cách ly, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ để cải thiện bữa ăn.
Đó là những cụ ông, cụ bà ở Hà Tĩnh “tay xách nách mang” từng kg gạo, mớ rau nhà trồng, thậm chí là vài chục nghìn đồng tiền lẻ đến ủng hộ các khu cách ly trên địa bàn.
Đó là các cô giáo tại trường mầm non Vành Khuyên (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã chở khoảng 500 kg rau, bí đao, mít, bắp “cây nhà lá vườn” đến tặng cho các chiến sĩ và người dân tại khu cách ly thuộc trụ sở Bộ chỉ huy quân sự.
Người góp tiền, người góp công, người mang “của nhà trồng được, nuôi được” đến ủng hộ. Tất cả đều đáng trân trọng và góp phần lan tỏa, nhân rộng câu chuyện tử tế giữa mùa dịch khắp cả nước.
Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí
Không chỉ quyên góp, ủng hộ tiền bạc, vật chất, người dân tại nhiều địa phương còn tham gia đội tình nguyện, trực tiếp hỗ trợ công tác hậu cần tại các khu cách ly phòng dịch.
Hơn 10 ngày cách ly tập trung ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tương Dương (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), 242 lao động từ Lào về qua cửa khẩu Nậm Cắn nhận được sự tiếp đãi, chăm sóc tận tình của các chiến sĩ, bộ đội, nhân viên y tế.
Để đáp lại tình cảm này, những người cách kêu gọi nhau dọn dẹp vườn rau, khuôn viên sạch sẽ mỗi ngày.
Bên cạnh đó, những ngày trước khi kết thúc đợt cách ly, họ còn quyên góp số tiền gần 17 triệu đồng trao tặng Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương với nguyện vọng đơn vị sẽ mua 9 chiếc ghế đá tặng học sinh ở nơi họ đã sống những ngày cách ly.
“Dù không phải là họ hàng thân thích nhưng những ngày qua ai cũng sống bằng sự đoàn kết, sẻ chia lo lắng vượt qua dịch bệnh”, anh Đỗ Đình Tuân (ở huyện Vụ Bản, Nam Định) nói với Zing.
Các lao động từ Lào về qua cửa khẩu ở Nghệ An đã dọn dẹp khuôn viên nơi cách ly và quyên góp gần 17 triệu đồng ủng hộ các chiến sĩ và cán bộ y tế. Ảnh: Đ.T. |
Dù không thuộc diện đi cách ly tập trung, Anh Nguyễn (sinh năm 1995, TP.HCM) vẫn biết ơn và thấu hiểu nỗi vất vả của các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm căng mình chống dịch. 9X chủ động tìm kiếm thông tin để xin tình nguyện tham gia công tác chống dịch ở quận 2, TP.HCM.
Hàng ngày, Anh Nguyễn hỗ trợ phiên dịch cho cán bộ của UBND Thảo Điền và cơ quan y tế quận 2 trong quá trình điều tra dịch tễ ở các chung cư đang bị cách ly. Cô cũng vận động người tiếp xúc gần với các ca dương tính (F1) đi cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Chia sẻ với Zing, Anh Nguyễn cho biết để đảm bảo an toàn cho gia đình, thời gian này cô chấp nhận thuê phòng trọ ở riêng, xa nhà 1 thời gian. “Đó là những kỷ niệm có lẽ mình sẽ không bao giờ quên”, 9X nói.
Những nhân vật được đề cập tới ở trên đến từ những nơi khác nhau trên dải đất hình chữ S, nhưng họ gặp nhau ở tình thương, nhân cách cao đẹp. Giữa mùa dịch, những người này có quyền sợ hãi, chỉ nghĩ cho bản thân, nhưng họ đã chọn hành động tử tế.
Họ không xem việc mình làm là phi thường hay to tát, cũng chẳng mảy may đến lợi ích của bạn thân. Đổi lại, một nụ cười, một ánh mắt biết ơn từ người nhận được sự giúp đỡ đã truyền cho họ niềm hạnh phúc.
Người ta thường ca ngợi những người sống tử tế là cổ tích giữa đời thường, nhưng không phải ai cũng để ý rằng phép màu được tạo nên từ những việc làm nhỏ, những con người rất đỗi bình thường.
Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không có nghĩa là ngừng yêu thương. Khi dịch qua đi, lòng tốt và sự tử tế là điều đọng lại. Và sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí. Bởi biết đâu người nhận được sự giúp đỡ hôm nay, với trái tim mang đầy sự biết ơn, sẽ đưa đôi tay ra cho những người khác nữa khi gặp khó khăn.
Lòng tốt không có chỗ cho sợ hãi, hoài nghi, chắc chắn sẽ mang đến điều tốt đẹp. Bởi gieo đi một hạt tử tế, nhận lại cả rừng cây hạnh phúc.