Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nếu không mang thai, hãy cẩn thận với hiện tượng 'đèn đỏ' đến muộn

Chị em phụ nữ thường chủ quan khi thấy kinh nguyệt tới trễ mà không biết rằng hiện tượng này có thể gây ra bởi những căn bệnh nguy hiểm.

Nếu không phải do mang thai, bạn nên chú ý dù chỉ 1-2 chu kỳ kinh nguyệt tới chậm vì đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như hội chứng buồng trứng đa nang hoặc suy buồng trứng sớm, tuyến giáp hoạt động bất thường…

Giảm cân hoặc luyện tập thể lực quá mức

Việc luyện tập thể lực quá mức, thay đổi trọng lượng cơ thể đột ngột hoặc thiếu cân đều làm ảnh hưởng tới nồng độ hormone trong cơ thể. Hormone leptin được sản xuất trong các mô mỡ. Do đó, việc tập luyện quá mức hoặc thay đổi cân nặng đột ngột có thể làm giảm lượng mỡ trong cơ thể, khiến nồng độ leptin và một số hormone khác như estrogen giảm, gây ra tình trạng bất thường ở chu kỳ kinh nguyệt. Việc luyện tập quá độ còn có thể dẫn tới tình trạng căng thẳng về thể chất, gây mất cân bằng hormone.

kinh nguyet anh 1
Rất nhiều nguyên nhân khiến kinh nguyệt tới trễ. Ảnh: Getty.

Stress

Những trường hợp căng thẳng lo âu dạng nặng hoặc những người mới trải qua những biến cố lớn như ly hôn hoặc người thân qua đời cũng có thể gây mất cân bằng hormone, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị chậm trễ hoặc kéo dài quá mức bình thường. Nguyên nhân là vùng dưới đồi ở não - bộ phận điều khiển rất nhiều hormone liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt, bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi tình trạng stress.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang gây ra bởi sự mất cân bằng hormone và gây ảnh hưởng lên từ 5-10% phụ nữ. Trong quá trình rụng trứng, một số trứng phát triển trong các nang nhưng không rụng đi mà hình thành và phát triển to lên trong tử cung, tạo thành đa nang buồng trứng. Một số dấu hiệu của hội chứng này là chu kỳ kinh nguyệt không đều, lông phát triển mạnh ở cả mặt, ngực bụng, tay chân, khó thụ thai. Khi siêu âm thấy xuất hiện nhiều nang trong buồng trứng. Hội chứng buồng trứng đa nang khiến các hormone như estrogen và testosterone bị mất cân bằng. Khi mắc hội chứng này, kinh nguyệt có thể xảy ra cứ mỗi 2 tuần, thậm chí từ 3-6 tháng hoặc chỉ xuất hiện 1 lần trong năm.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc 

Một trong các tác dụng phụ của thuốc tránh thai làm giảm nồng độ estrogen là khiến kinh nguyệt bị chậm hoặc không xuất hiện. Sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai, cơ thể có thể cần từ 1-3 tháng để chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường. Bạn cũng nên chú ý khi kinh nguyệt xuất hiện trở lại để phát hiện những vấn đề với hormone thường khó xác định đúng khi sử dụng thuốc tránh thai. Ngoài ra, một số loại thuốc kháng sinh như thuốc nội tiết tố, thuốc chống đông máu, thuốc giảm cân, thuốc an thần, thuốc chống rối loạn đông máu, aspirin đều có thể gây trễ kinh nguyệt.

Tuyến giáp bất thường

Tuyến giáp đóng vai trò điều khiển quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng như phối hợp với rất nhiều bộ phận khác nhằm giúp cho cơ thể phát triển bình thường và khỏe mạnh. Những trường hợp bất thường ở tuyến giáp (nhược giáp hoặc cường giáp) đều có thể gây ảnh hưởng lên chu kỳ kinh nguyệt.

Kinh nguyệt không đều do tuổi tác

Khi mới bước vào giai đoạn dậy thì, kinh nguyệt có thể không đều. Sau một thời gian, kinh nguyệt sẽ trở nên ổn định hơn. Ở những phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh (ngoài 45 tuổi), việc trễ kinh cũng có thể xảy ra.

Hội chứng suy buồng trứng sớm

Đây là tình trạng buồng trứng mất đi chức năng bình thường ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Buồng trứng bị suy yếu không sản xuất đủ hormone estrogen hoặc không rụng trứng thường xuyên, dẫn tới rối loạn kinh nguyệt, thậm chí vô sinh. Hội chứng này còn có các biểu hiện khác như cảm giác nóng bừng cơ thể, đổ mồ hôi về đêm, khô âm đạo.

Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể dẫn tới chu kỳ kinh nguyệt bất thường như tiểu đường, tăng sản thượng thận bẩm sinh khiến quá trình sản xuất hormone ở tuyến thượng thận bị ảnh hưởng, suy tuyến thượng thận thứ phát…

Hoàng Minh

Bạn có thể quan tâm