Không thể cấm dạy thêm, học thêm, nhất là khi đây là hoạt động tự nguyện từ phía phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, câu chuyện tự nguyện học thêm đang gây bức xúc khi hàng trăm học sinh một trường THPT ký đơn xin không phải học thêm.
Việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra khá phổ biến tại hầu hết các trường THCS và THPT cả nước. Theo quy định của Bộ GD&ĐT về dạy thêm học thêm, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Nhà trường, giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Tuy nhiên, quy định có tính quan trọng nhằm bảo đảm quyền lợi của người học thêm này lại không dễ được chấp hành nghiêm túc trên thực tế và cũng không dễ xác minh việc chấp hành khi thanh tra, kiểm tra bởi nhà trường, giáo viên dạy thêm đều có thể hợp thức hóa bằng những tờ đơn in sẵn có chữ ký của cha mẹ học sinh khẳng định tự nguyện tham gia học thêm.
Dù bị cấm vẫn diễn ra... lặng lẽ
Tinh thần “tự nguyện” này chỉ được hiểu đúng bản chất khi mới đây hàng trăm học sinh lớp 12 trường THPT Lê Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã cùng ký vào đơn kiến nghị với hiệu trưởng xin được không học thêm. Đơn kiến nghị nêu rõ học sinh không có nhu cầu học thêm nhưng nhà trường vẫn bắt buộc các em phải đăng ký và đi học 2 buổi/ngày.
Như vậy là nhà trường thiếu tôn trọng, không quan tâm nhu cầu của học sinh. Hơn nữa, nhà trường tăng số lượng tiết học gây áp lực nhưng chất lượng lại không đảm bảo, việc dạy thêm cũng không được phân loại đối tượng học sinh dẫn đến quá sức với một số em hoặc không cần thiết với một số em khác…
Theo các học sinh này, bạn nào có nhu cầu học thêm thì hoàn toàn có thể tìm thầy, tìm lớp học thêm theo nhu cầu cá nhân, có lựa chọn từng môn học chứ không theo học đồng loạt ở trường.
Tranh minh họa: Tuổi Trẻ. |
Thực tế này cũng không khác với nhiều lớp học thêm hiện nay khi nhiều phụ huynh cho biết, thầy cô luôn gợi ý về việc học thêm vì quyền lợi của con nhưng khi đi học, có nhiều thầy cô chỉ cho con làm phiếu bài tập được in sẵn, cô chỉ kiểm tra, nhắc nhở vài chỗ nhưng thu tới 100.000 đồng/buổi học.
Nếu một lớp học có 50 học sinh mà đi học thêm đầy đủ thì mỗi buổi cô giáo có thể thu về 4-5 triệu đồng một cách đơn giản. Đặc biệt, đối với bậc tiểu học, việc dạy thêm dù bị cấm nhưng vẫn diễn ra lặng lẽ bởi đây là nguồn thu lớn đối với giáo viên.
Hà Nội yêu cầu rà soát dạy thêm, học thêm, lạm thu
Ông Nguyễn Văn An, nguyên hiệu trưởng một trường THCS ở quận Long Biên, Hà Nội, cho biết việc dạy thêm, học thêm có mặt tích cực khi bản thân giáo viên phải là người có tâm, mong muốn truyền đạt, củng cố kiến thức cho những học sinh bị hổng kiến thức hoặc nâng cao, bồi dưỡng tinh thần ham học cho những học sinh có năng khiếu về bộ môn nào đó.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An, hiện nay, đa số học sinh khi tham gia học thêm đều cảm thấy áp lực, cố làm cho xong bài tập thầy cô giao, buổi học khô khan, mất hết niềm hứng khởi cũng như tính sáng tạo. Giáo viên dạy thêm không có đam mê, không lấy học sinh làm trung tâm, chỉ cốt là để thu tiền nên dạy thêm, học thêm bị gọi là tệ nạn của ngành giáo dục.
Về phía các cấp quản lý, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận hoạt động dạy thêm, học thêm đã được quy định cụ thể trong các văn bản của Bộ GD&ĐT, UBND TP, Sở GD&ĐT Hà Nội, tuy nhiên, nếu không nhắc nhở, kiểm tra thì sẽ lại phát sinh dạy thêm, học thêm trái quy định, trong đó có hiện tượng ép học sinh học thêm.
Được biết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4900/UBND-KGVX yêu cầu sở, ngành liên quan làm rõ việc thu, chi, tổ chức dạy thêm, học thêm sai quy định.
UBND thành phố giao sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan kiểm tra việc xử lý theo thẩm quyền những nội dung Thanh tra Bộ GD&ĐT và các báo phản ánh về hiện tượng lạm thu đầu năm học trên địa bàn thành phố; tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Đồng thời, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm quy định về thu, chi, tổ chức dạy thêm, học thêm.
Việc dạy thêm, học thêm có mặt tích cực khi bản thân giáo viên phải là người có tâm, mong muốn truyền đạt, củng cố kiến thức cho những học sinh bị hổng kiến thức hoặc nâng cao, bồi dưỡng tinh thần ham học cho những học sinh có năng khiếu về bộ môn nào đó.