Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nếu tham nhũng, lãnh đạo bị xử nặng hơn nhân viên

Đây là điểm mới trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, vừa được Chính phủ hoàn thiện chuyển sang Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm định.

Theo đó, trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải bị tăng nặng trách nhiệm kỷ luật.

Quy định này là một bước luật hóa quan điểm của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, với tinh thần xử lý tiêu cực tham nhũng phải “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau”, nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Ngoài ra, dự luật rút kinh nghiệm từ hơn 10 năm thi hành Luật 2005 là thiếu khả thi, chưa khuyến khích đầu thú, khai báo để được giảm trách nhiệm. Do vậy, trong lần sửa đổi này bổ sung nguyên tắc: Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, để nhấn mạnh nguyên tắc tham nhũng phải bị xử lý nghiêm, không loại trừ ai, dự luật bổ sung điều khoản: Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

Du thao Luat phong chong tham nhung anh 1
Dự thảo cũng nhấn mạnh tới việc xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng.

Phòng chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh là một chương mới được đề xuất đưa vào trong lần sửa đổi toàn diện Luật PCTN. Đây là cách tiếp cận rất mới so với trước đây, khi chỉ tập trung phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong khu vực công.

Theo dự thảo, ưu tiên đầu tiên là phải xây dựng cho được văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Các doanh nghiệp, pháp nhân kinh tế phải có trách nhiệm ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử liêm chính. Trong từng điều lệ, quy chế hoạt động của pháp nhân kinh tế phải có quy định cơ chế kiểm soát nội bộ, phòng ngừa xung đột lợi ích; ngăn chặn, xử lý hành vi tham ô, hối lộ, lạm dụng chức quyền và các hành vi tham nhũng khác.

Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng không chỉ là trách nhiệm của từng doanh nghiệp, mà của cả các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành nghề, trong đó Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt, định hướng.

Dự luật có những quy định cụ thể cho các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư. Theo đó, để bảo vệ lợi ích của cổ đông nhỏ, người gửi tiền, ngoài trách nhiệm chung của doanh nghiệp nêu trên, các chủ thể kinh tế lớn này còn phải minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập với chủ tịch và các thành viên HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra ngoài khu vực nhà nước như vậy được lý giải là phù hợp với vận động, phát triển của hệ thống pháp luật, nhất là khi Bộ luật Hình sự 2015 vừa rồi đã mở rộng chủ thể tội phạm tham nhũng sang pháp nhân kinh tế, thay vì chỉ là thể nhân - cá nhân con người.

Có cán bộ cao cấp kê khai tài sản thiếu trung thực

Theo Thanh tra Chính phủ, trong tổng số 1,1 triệu người kê khai tài sản, chỉ có 3 trường hợp thiếu trung thực.


http://plo.vn/thoi-su/neu-tham-nhung-lanh-dao-bi-xu-nang-hon-nhan-vien-725443.html

Theo Nghĩa Nhân/Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm