Khi đại dịch hoành hành khắp đường phố New York (Mỹ) vào năm 2020, một số người tuyên bố thành phố này đã chết. Nhưng sau một năm khủng khiếp và đau thương, “Big Apple” giờ đây đang lấy lại tinh thần, theo Bloomberg.
Hơn một nửa người trưởng thành ở New York đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Số ca mắc Covid-19 và nhập viện đang giảm mạnh.
Bảo tàng mở cửa trở lại với 50% công suất, rạp chiếu phim ở mức 33%. Cuối cùng, mọi người có thể ngồi ở quán bar để thưởng thức đồ uống yêu thích. Tàu điện ngầm sẽ hoạt động 24/7 từ ngày 17/5, Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo cho biết.
Công viên và các khu vực ngoài trời trở nên đông đúc. Mọi người bắt đầu cởi bỏ khẩu trang ở nơi công cộng theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Giá thuê nhà dường như đang bình ổn trở lại. Ngày càng nhiều khách du lịch đặt chuyến đi chơi. Thị trưởng Bill de Blasio dự kiến có 80.000 người lao động trở lại văn phòng hôm 4/5 và đặt mục tiêu thành phố sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn vào ngày 1/7.
“Chúng tôi thấy sự trở lại đầy hứa hẹn. Cảm giác thật tuyệt vời”, ông nói.
Người dân tận hưởng thời tiết ấm áp tại Công viên Trung tâm ở New York. Ảnh: Ed Jones/AP. |
Lạc quan về tương lai
Trong khi hàng nghìn người dân New York đang phải chịu ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe lẫn kinh tế, cũng như việc hầu hết văn phòng vẫn trống rỗng vì dịch, mọi thứ đang trở lại bình thường.
Điều này khiến mọi người lạc quan về tương lai của thành phố - nơi hứng chịu cuộc chiến với Covid-19 khó khăn nhất và sớm nhất ở Mỹ.
Sau vài tháng khan hiếm và khó đặt lịch hẹn tiêm chủng vaccine, giờ đây mọi người có thể dễ dàng làm điều này.
Đến nay, đó là những điều thú vị quay trở lại nhanh và mạnh mẽ nhất.
Trong vài tháng gần đây, Christina Hansen (40 tuổi), người lái xe ngựa ở thành phố New York 9 năm qua, đón du khách từ California, Texas, Florida và Bắc Carolina.
“Vẫn còn ít việc so với trước đây, nhưng chúng tôi ổn. New York chưa chết và sẽ không bao giờ chết”, Hansen nói.
Phố MacDougal, với nhiều nhà hàng và quán bar ở New York, một lần nữa tấp nập người qua lại. Christina Hansen (phải) vui mừng khi đón khách trở lại. Ảnh: Paul Frangipane/Bloomberg. |
Vé vào tham quan Hội chợ nghệ thuật Frieze New York vào tuần tới, nơi sẽ quy tụ các nhà sưu tập từ khắp nơi trên nước Mỹ, gần như đã được bán hết.
Tại quán bar và nhà hàng Reservoir ở Greenwich Village, dân địa phương phải đợi khoảng 30 phút để có bàn. Nơi này mở cửa trở lại vào tháng 2, sau khi đóng cửa gần một năm.
Một yếu tố quan trọng khác đối với sự trở lại của New York là du lịch. Thành phố kỳ vọng du lịch trong nước sẽ phục hồi vào năm 2023. Tổng lượng du khách sẽ vượt qua mức trước đại dịch là 66,6 triệu/năm vào năm 2024.
Devin Cooper (25 tuổi, sống ở Los Angeles) lập tức đặt chuyến bay đến New York khi biết công ty anh cho phép nhân viên đi du lịch mà không bị cách ly. Anh dự định đến đây vào giữa tháng 5, khi việc tiêm phòng đầy đủ hơn.
Mặc dù có thể không được trải nghiệm một số hoạt động nổi tiếng ở thành phố, Cooper nói vẫn còn rất nhiều điều để chiêm ngưỡng và thử.
“New York dường như không hề chết đi. Lần này, tôi không thể xem biểu diễn Broadway và dùng bữa bên ngoài các nhà hàng, nhưng đó là cái giá nhỏ cho sự an toàn trong đại dịch”, anh nói.
Dần phục hồi
Ngay cả khi hầu hết hoạt động nghệ thuật, ăn uống và cuộc sống giải trí đặc trưng ở New York mở cửa trở lại, tương lai của văn hóa làm việc, cũng như số phận hàng triệu m2 diện tích văn phòng vẫn chưa chắc chắn.
Các tàu điện ngầm còn lâu mới chật chứng, dù sẽ hoạt động trở lại 24/7 giờ từ ngày 17/5, NBC New York đưa tin.
Thị trưởng Bill de Blasio nói rằng nhân viên văn phòng sẽ là “chỉ số quan trọng” đối với sự trở lại lâu dài của thành phố New York. Một số đang dần trở lại nơi làm việc. New York sẽ cho phép các văn phòng tăng công suất hoạt động từ 50% lên 75% từ ngày 15/5.
Mohammad Naveed (47 tuổi) điều hành xe đẩy cà phê gần Phố Wall. Đây từng là vị trí đắc địa giúp anh bán được khoảng 500 ly cà phê/ngày. Bây giờ, anh chỉ bán được khoảng 30 ly.
“Nơi này vắng hoe, không có người nào cả”, Naveed lý giải.
Trong thời kỳ đại dịch, hết cửa hàng này tới nhà hàng khác dường như trống rỗng. Lĩnh vực này đang phục hồi nhanh nhưng vẫn kém xa so với trước đây.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2020 đến 2/2021, 67% công việc bán lẻ, bao gồm các nhà hàng, đã quay trở lại bang New York, theo văn phòng điều hành bang New York.
Các xe đẩy cà phê gần Phố Wall gặp khó khăn khi các văn phòng phải đóng cửa. Ảnh: Paul Frangipane/Bloomberg. |
Trong lĩnh vực bất động sản, thị trường cho thuê nhà ở khu vực Manhattan cho thấy giai đoạn đầu của sự phục hồi. Theo hãng dữ liệu bất động sản UrbanDigs, số lượng danh sách đăng ký hoạt động mới đã giảm, hợp đồng thuê ký hàng tháng đang tăng lên và giá dường như đã chạm đáy.
Số lượng căn hộ cho thuê ở thành phố New York cao gấp đôi so với trước đại dịch, trong khi duy trì giá thấp, dữ liệu từ công ty bất động sản StreetEasy cho thấy.
Nhà kinh tế học Nancy Wu của StreetEasy cho biết: “Việc gia tăng công việc từ xa đã làm thay đổi quan điểm của rất nhiều người thuê nhà. Thay vì nghiêm túc tìm kiếm căn hộ ở Manhattan với quãng đường ngắn đến văn phòng, họ có thể đủ khả năng khám phá hàng loạt khu dân cư khác trong các quận mà có thể chưa từng cân nhắc trước đây”.
Donovan Davis (24 tuổi, sống ở quận Staten Island) xếp hàng chờ phía trước cửa hàng Supreme trên đường Bowery khoảng 15 phút để xem bộ sưu tập mùa xuân mới và mua chiếc ba lô.
Davis mới được tiêm phòng. Bị chôn chân ở nhà trong năm qua, anh không thực sự muốn mua sắm cho đến bây giờ. “Thời tiết đang ấm lên. Cuối cùng thì tôi cũng bắt đầu ra ngoài và mua sắm”.
Donovan Davis bên ngoài cửa hàng Supreme ở New York ngày 30/4. Anh chỉ đi ra ngoài mua sắm khi đã được tiêm phòng. Ảnh: Misyrlena Egkolfopoulou/Bloomberg. |
Người dân New York từng không trân trọng sự đông đúc của thành phố. Tàu điện ngầm không còn nhộn nhịp như trước nữa. Nhưng David cảm thấy thành phố vẫn đang sống và dần bình thường trở lại.
“Mỗi khi đi ra ngoài, thật vui khi thấy vẫn có nhiều người ở đó”, anh nói.