Đây là tấm hình được bà Priscilla Janssens, tổng điều phối viên FIFA đưa lên mạng xã hội Twitter sau trận đấu. Trong hình, phòng thay đồ của đội tuyển Nhật Bản ở sân Rostov Arena không một mẩu rác, không một vết bẩn, kèm theo tấm biển có ghi bằng tiếng Nga hàng chữ “cảm ơn”.
Phòng thay đồ được đội tuyển Nhật Bản giữ gìn sạch sẽ như chưa từng sử dụng. |
“Đúng là tấm gương cho mọi đội bóng! Rất hân hạnh được làm việc chung!”, bà Janssens viết như vậy, và hàng tweet này sau 12 giờ đồng hồ đã có gần 80.000 lượt chia sẻ. Nhiều người bày tỏ sự khâm phục với đội bóng này.
Trên các khán đài, chúng ta đã quen với hình ảnh các cổ động viên Nhật Bản, dù đội nhà thắng hay thua, đều nán lại dọn sạch rác khu vực họ ngồi sau mỗi trận đấu. Và đội tuyển của họ cũng có thói quen như vậy.
“Thật ra sau trận đấu nào, chúng tôi cũng quét dọn sạch phòng thay đồ trước khi ra về”, thủ quân Makoto Hasebe sau đó cho biết.
Trước khi quét dọn phòng thay đồ ở sân Rostov Arena, các cầu thủ Nhật Bản rất thất vọng với thất bại. “Họ đứng bất động, không nói gì trong phòng thay đồ trong một khoảng thời gian khá dài, tôi phải giục họ đi tắm”, HLV Akira Nishino kể lại.
Nhật Bản thua Bỉ bởi bàn thắng ở pha lên bóng cuối cùng của Bỉ, khi những phút bù giờ cuối trận chỉ còn tính bằng giây. “Keisuke Honda nhẽ ra phải giữ bóng chờ tiếng còi chứ, sao cứ cầm bóng lao lên thế, nếu tôi là HLV của cậu ta, tôi đã thộp cổ cậu ta kéo lại”, HLV Fabio Capello bình luận trên kênh Mediaset.
Đó là bản năng tấn công của Honda và bản năng cố gắng đến những phút giây cuối cùng của đội tuyển Nhật Bản. Vì nếu họ chơi toan tính, họ đã chơi thật chậm sau khi dẫn Bỉ 2-0. Ở tỷ số đó, họ vẫn lao lên chơi cống hiến, để rồi trở thành đội thứ hai bị loại ở vòng knock-out World Cup sau khi dẫn trước 2 bàn. Lần trước là vào năm 1970, Đức hạ Anh 3-2 tại vòng tứ kết.
Khoan đã, thế còn 10 phút cuối ở trận thua Ba Lan 0-1, tuyển Nhật Bản chơi chậm, chỉ ban bóng cho nhau trên phần sân nhà nhằm tránh thua thêm và tránh thẻ phạt, qua đó vừa đủ loại Senegal để lấy tấm vé vượt qua vòng bảng thì sao?
“Thật đáng tiếc, khi tôi đưa Hasebe vào sân thay người phút 82, tôi nói với cậu ta bảo với cả đội đừng mạo hiểm dâng cao, đừng nhận thẻ vàng nào nữa, ở lại phòng thủ chắc, đó là tất cả những gì có trong đầu của tôi lúc đó, không hiểu sao tôi đã mạo hiểm để đội bóng của mình phụ thuộc vào kết quả của trận đấu cùng giờ”, HLV Nishino giải thích.
Ông Nishino trong buổi tập sau trận đấu đó đã xin lỗi các cầu thủ của mình, nói rằng ông đã để các cầu thủ chơi ngược với tính cách của họ, để họ phải chịu những tiếng la ó phản đối trên khán đài, và ông hứa sẽ để cầu thủ Nhật Bản chơi đúng bản năng của họ ở trận gặp Bỉ, thậm chí họ còn không tập sút 11m nữa. Những gì các cầu thủ Nhật Bản thể hiện ở trận gặp Bỉ sau đó, chúng ta đều thấy.
Các cầu thủ Nhật Bản khiến cả thế giới ngả mũ bởi sự tận hiến. |
Sự biến trên nói nên điều gì? Thứ nhất, người Nhật thể hiện sự tôn trọng và phục tùng cấp trên rất cao, đó là thứ kỷ luật giúp họ vượt qua nhiều biến cố trong lịch sử để trở thành siêu cường.
Thủ quân Hasebe là một hình mẫu như vậy. Tiền vệ khoác áo CLB Eintracht Frankfurt ở giải Bundesliga còn là tác giả cuốn sách bán chạy ở quê nhà. Cuốn sách của anh có tựa đề “Phẩm cấp của tâm hồn: 56 thói quen để vươn tới vinh quang”.
Đại diện nhà xuất bản cuốn sách của Hasebe nói: “Trước đó, chưa từng có cầu thủ nào viết cuốn sách hấp dẫn như vậy, nó giải thích triết lý và thái độ của anh ấy. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là anh ấy có thể giữ vững kỷ luật của mình trong sinh hoạt đến mức không ngoại cảnh nào có thể tác động khiến anh ấy thay đổi. Anh ấy là một hình mẫu hoàn hảo, một lãnh đạo bẩm sinh”.
Thứ hai, đó là uy tín của người Nhật. Nếu đội bóng khác để xảy ra điều trên, họ sẽ bị nhiếc móc rất nhiều trên truyền thông sau đó. Nhưng lối ứng xử của người Nhật từ trước đến nay quá tốt để người ta không quy kết đó là bản chất của họ, nhẹ tay hơn trong phán xử họ. Thực tế, ngoài 10 phút thi đấu nói trên, các cầu thủ Nhật Bản đã thể hiện sự tận hiến trong suốt những phút còn lại trên sân cỏ nước Nga.
Thứ ba, bóng đá tấn công là phong cách chơi của người Nhật. Trước khi World Cup 2018 diễn ra 2 tháng, HLV Vahid Halilhodzic đã bị sa thải vì lối chơi phòng thủ, gò bó, cứng nhắc mà ông này áp dụng cho đội tuyển.
HLV Nishino là người yêu bóng đá đẹp và luôn tạo ra không gian cho các cầu thủ sáng tạo. Ông đã dẫn dắt đội U23 Nhật Bản (không có cầu thủ nào trên 23 tuổi) tạo ra “Điều kỳ diệu ở Miami”, đánh bại đội Brazil 1-0 khi đó có Ronaldo, Dida, Roberto Carlos và các cầu thủ trên 23 tuổi được bổ sung như Rivaldo, Bebeto, Aldair tại Olympic Atlanta 1996.
Cách đây 8 năm, World Cup 2010, Nhật Bản thua Paraguay trên chấm 11m sau 120 phút thi đấu. Nhưng trận đấu đó không thể hay bằng trận thua 2-3 năm nay trước Bỉ mà có thể vẫn có người đóng cho nó con dấu “bi kịch”. “Lúc đó, chúng tôi chỉ có 4 cầu thủ thi đấu ở châu Âu, chúng tôi không thể giữ bóng, toàn đá bóng dài, không tạo ra các cơ hội, nên không thể so đội hình đó với đội hình bây giờ”, Honda nhận xét.
Đội tuyển Nhật Bản hiện tại có 14 cầu thủ chơi ở các giải hàng đầu châu Âu, Honda đang thi đấu ở Mexico, chỉ có 8 cầu thủ thi đấu trong nước. Và thế hệ kế tiếp có nhiều cầu thủ sang châu Âu thi đấu khi còn rất trẻ, chứ không phải thành danh ở Nhật Bản mới được mời sang châu Âu. Với tinh thần không ngại thách thức, vượt qua mọi giới hạn, đội tuyển Nhật Bản cho thấy tương lai của nền bóng đá xứ sở mặt trời mọc rất sáng. Và đội bóng này sẽ còn hay hơn nếu được đặt vào tay một HLV yêu thích tấn công như Jurgen Klinsmann.
Tinh thần dám đương đầu và vượt qua mọi giới hạn, thách thức đã được Clear Men lan tỏa trong suốt mùa World Cup 2018. Không thể biết khó khăn nào đang chờ mình phía trước, nhưng đàn ông có thể chọn cách đương đầu và vượt qua mọi giới hạn, thách thức. Chỉ cần đủ dũng khí, khát vọng, bạn sẽ chạm đến đỉnh cao và trở thành người chiến thắng. Clear Men – Tóc sạch gàu, tinh thần sảng khoái cho ngày dài phong độ, đánh thức nhà vô địch trong bạn. |