Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngắm cây thị nghìn tuổi

Chùa Đống Phúc (Xã Quảng Yên, Quảng Ninh) nằm yên ả, thanh bình, lưng tựa núi non, trong chùa có cây thị hàng nghìn tuổi tỏa bóng mát và hương thơm ngào ngạt.

Chùa Đống Phúc nằm sát bến Rừng, bên ngã ba tả ngạn sông Bạch Đằng, thuộc làng An Hưng cổ, nay thuộc phường Yên Giang, TX Quảng Yên (Quảng Ninh). Theo bia đá ghi lại trong chùa, ngôi chùa có từ thời nhà Lý - gắn liền với trận chiến lừng lẫy của Trần Hưng Đạo trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Tương truyền, nơi đây đã được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các bộ tướng đến lễ Phật cầu quốc thái dân an trước trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288 và cũng là nơi lập đàn cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong sau đó. Vì vậy, chùa mặc nhiên trở thành nơi ghi dấu thiêng và tưởng niệm đại thắng này.

Cây thị nghìn tuổi che bóng mát cho ngôi chùa cổ
Cây thị nghìn tuổi che bóng mát cho ngôi chùa cổ

Theo lời kể của các bô lão trong làng, ngôi chùa cũng gắn với câu chuyện về thuở thiếu thời lưu lạc nhân gian của Vua Lê Thánh Tông. Theo đó, để tránh sự truy sát của Chính phi Nguyễn Thị Anh và các lộng thần, vua đã phải lánh nạn ở chùa, trong đó có chùa Đống Phúc. Do thấm nhuần giáo lý từ bi, nhân bản của Phật giáo và sống gần gũi trong nhân dân, sau này ông đã trở thành một vị vua minh triết, đức độ khoan hoà nổi tiếng trong lịch sử. Và trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, chùa đã trở thành điểm bí mật trong đường dây hoạt động của các chiến sĩ cách mạng...

Ngôi chùa mới được xây dựng uy nghi, trang trọng bằng nỗ lực rất lớn từ Đại đức Thích Thanh Lịch  và những nhà hảo tâm.
Ngôi chùa mới được xây dựng uy nghi, trang trọng bằng nỗ lực rất lớn từ Đại đức Thích Thanh Lịch và những nhà hảo tâm.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa hầu như không còn nguyên vẹn. Chứng tích còn lại chỉ là chiếc lư hương cho người dân đến thành tâm thắp hương nơi cửa Phật và cây thị nghìn tuổi sừng sững thách thức thời gian.

Một thời gian khá dài sau đó, chùa không có trụ trì. Năm 1997, Đại đức Thích Thanh Lịch về chùa làm trụ trì. Ngày Đại đức về, ngôi chùa còn rất hoang sơ, tất cả hầu như không còn gì ngoài một khuôn viên khoảng 2000m2, cây cỏ hoang dại mọc um tùm, mọi thứ dường như quá khó khăn đối với một vị tu sĩ còn khá trẻ tuổi - lúc đó Đại đức Thích Thanh Lịch mới ngoài 20 tuổi. Nhưng nhìn quang cảnh ngôi chùa Thầy thấy nơi đây địa thế đẹp, lại là nơi ghi dấu thiêng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nên đã quyết tâm tôn tạo và bảo tồn di tích này.

Với trăm thứ ngổn ngang nhưng bằng sự nhiệt tâm của đạo pháp, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật, ngay từ những ngày đầu về trụ trì Đại đức Thích Thanh Lịch đã bắt tay vào làm các công tác từ thiện, giúp đỡ người dân trên địa bàn. Đại đức đã được người dân tin yêu, và các công tác từ thiện của Đại Đức đã đem đến cho những mảnh đời bất hạnh, những người thực sự khó khăn tìm thấy niềm vui và họ biết vươn lên trong cuộc sống.

Không những thế, đã 3 năm nay Đại đức Thích Thanh Lịch đã mở lớp dạy võ cho con em trong xã. Ban đầu, Đại đức trực tiếp thu xếp thời gian để dạy nhưng do công việc truyền đạo bận rộn, Đại đức đã thuê thầy về dạy cho các cháu nhỏ.

Lớp dạy võ cho các con em trong xã được duy trì đã 3 năm nay.
Lớp dạy võ cho các con em trong xã được duy trì đã 3 năm nay.

Được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Đại đức đã từng bước quy hoạch khuôn viên thờ tự, đầu tiên là xây dựng tổ đường khá quy mô với 7 gian vào năm 2008, tôn thờ Trúc Lâm Tam Tổ và Lịch đại tổ sư. Đến ngày 10/1 tới đây, công trình chùa chính sẽ chính thức khánh thành bằng nguồn vốn xã hội hoá. Ngôi chùa uy nghi, trang trọng được đánh giá là một trong những ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất trên địa bàn tỉnh.

Những công trình tôn giáo vĩ đại nhất thế giới

Cùng 163 Travel thăm thú 5 công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo và vĩ đại nhất thế giới...

http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/215679/ngam-cay-thi-nghin-tuoi.html

Theo Lan Ngọc/Việt Nam Net

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm