Kết quả khảo sát trên 300 giáo viên ở các trường mầm non tư thục của anh Nguyễn Xuân Thời, chủ đầu tư trường mầm non quốc tế Thế giới trẻ thơ (Worldkids, TP HCM) mới đây cho thấy: có đến 80% người được hỏi mong muốn có một công việc khác hơn so với công việc hiện tại. Tuy nhiên, đó không chỉ là câu trả lời của riêng những giáo viên mầm non trường tư thục.
Mỗi giáo viên phải quản lý hơn 40 em học sinh - Ảnh: Thuận Thắng. |
Áp lực công việc quá lớn
Cô Trương Thị Thoa - Phó hiệu trưởng trường mầm non thị trấn Giồng Trôm (Bến Tre) chia sẻ: “Việc giáo viên mầm non có ý định chuyển công tác, lí do đầu tiên có thể là vì áp lực công việc”.
Theo cô Thoa, thời gian làm việc của giáo viên mầm non ở trường thường từ sáu đến tám giờ mỗi ngày, chưa kể những lúc hội họp vào thứ bảy, chủ nhật. Thời gian còn lại, các giáo viên phải soạn bài giảng và làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các em.
Đặc thù của giáo viên mầm non là phải biết đủ mọi lĩnh vực: từ hát, múa, vẽ tranh, đọc truyện đến nấu ăn. Mỗi ngày, các hoạt động này luôn thay đổi, đòi hỏi giáo viên phải dành ra toàn bộ thời gian của mình cho việc chuẩn bị và giảng dạy, không còn thời gian cho gia đình, con cái.
Là giáo viên của một trường mầm non tư thục ở quận Bình Tân, TP HCM, cô N.H bộc bạch: “Áp lực từ nhiều phía như phụ huynh, ban giám hiệu và từ trẻ em. Phụ huynh luôn muốn là con họ được chăm sóc tốt nhất nhưng họ không biết rằng việc giáo dục, quản lý các em gặp rất nhiều khó khăn. Ban giám hiệu thì mỗi lần có đoàn kiểm tra về lại yêu cầu chúng tôi xem lại hồ sơ sổ sách. Cả ngày lo cho các em không ngưng tay nên chúng tôi chỉ còn lựa chọn là làm đêm, có hôm hơn 10 giờ đêm mới về tới nhà”.Thạc sĩ Võ Trường Linh - Trưởng bộ môn đặc thù (khoa giáo dục mầm non, ĐH Sư phạm TP HCM) cho biết: “Ở cấp THCS, giáo viên dạy môn nào là chuyên môn đó. Cấp tiểu học và mầm non thì nặng hơn vì phải bao quát hơn. Với mầm non, tất cả các tiết học đều được thổi vào tinh thần vừa học vừa chơi nên giáo viên phải đầu tư, chuẩn bị rất nhiều để biến môn học khô cứng thành trò chơi".
Về kết quả kháo sát có 80% giáo viên mầm non “nhảy việc” ở các trường tư thục, ông Linh giải thích: “Nhiều trường tư thục muốn đầu tư lâu dài nên cho giáo viên học nâng cao trình độ. Tuy nhiên, khuynh hướng của đại bộ phận giáo viên này là khi trình độ thấp thì xin vào làm trường tư thục, đến khi đã nâng trình độ thì lại chuyển sang trường công vì nghĩ sẽ ổn định hơn. Trường tư phải tự bươn chải, tự lấy học phí ra chi cho các hoạt động và cho lương giáo viên nên gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trường công có nhiều sự hỗ trợ hơn”.
Xã hội vẫn còn cái nhìn nghiêm khắc
Cô N.H cho rằng cách nhìn của mọi người về nghề giáo viên mầm non vẫn rất khắt khe.
Giáo viên mầm non phải biết vẽ, hát, múa, đọc truyện, ngâm thơ. (Ảnh minh họa). |
"Nhiều lúc thấy rất buồn và nản. Chuyên môn thì ngày càng nặng. Phụ huynh vào rước con, nhiều khi chẳng thèm nhìn mặt cô giáo là ai. Họ nghĩ chúng tôi đã lén lút đánh đập, hành hạ gì con họ như những trường hợp bảo mẫu mà báo đài đã đưa”, cô N.H nói
Những dịp lễ 20/11, một số phụ huynh còn tự cho con mình nghỉ học rồi mang phong bì dúi vào túi áo cô H.
“Lúc ấy tôi rất tủi thân. Có tặng quà hay không thì tôi vẫn chăm các con. Ngay cả sau này, khi may đồng phục trường, tôi nói với chị thợ may là đừng gắn túi. Chị ấy liền ghẹo tôi chuyện phong bì. Tôi cảm thấy rất buồn” - cô H. tâm sự
Cô H. cho biết, hiện tại đã hoàn thành xong chương trình đại học. Sắp tới cô sẽ chuyển công tác sang một trường tiểu học.
Cô Trương Thị Thoa thì bức xúc khi chia sẻ về chuyện ngày nay nhiều bậc phụ huynh quá cưng chiều con em mình khiến việc giáo dục, răng dạy các em của cô giáo mầm non trở nên khó khăn. Công việc đã áp lực nay càng thêm áp lực.
Cô Thoa nói: “Có lần một bé vô tình đùa trúng bạn ngồi sau. Phụ huynh thấy được, liền đi thẳng vô trong lớp đánh bé kia. Tôi kịp thời chạy vào ngăn lại nhưng phụ huynh kia tỏ ra rất giận dữ”.
“Hiện nay, tiền lương giáo viên mầm non cũng nhưng bất kì các khối học nào khác vẫn rất thấp. Người giáo viên mầm non ở suốt ngày trong trường lớp nên cơ hội giao tiếp bên ngoài không có, không thể có những hoạt động để tăng thêm thu nhập cho bản thân” - ThS. Võ Trường Linh cho biết.
Ngày xưa, người ta vẫn gọi là cô nuôi dạy trẻ, nghề sư phạm mầm non không được xếp vào hệ thống giáo dục. Ngày nay, dù đã được xếp vào ngành giáo dục nhưng thu nhập của giáo viên mầm non nhìn chung vẫn rất hạn chế.
Chịu áp lực vì yêu trẻ
Bạn Đặng Thị Anh Kim (sinh viên khoa Giáo dục tiểu học - mầm non, ĐH Đồng Tháp) băn khoăn: “Ngành mầm non vất vả mà tiền lương không được nhiều như các ngành kia. Trong khi đó, thời gian sinh hoạt rất là ít vì phải chú tâm làm trò chơi cho cho các em. Không biết sau này ra trường, cuộc sống của mình sẽ như thế nào. Nếu xin vào các trường tư thì khó ổn định, trường công thì khó nâng cao chuyên môn”.
Có nhiều khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống nhưng nhiều giáo viên mầm non quyết theo nghề vì yêu trẻ.
Cô Trương Thị Thoa chia sẻ: “Mong ước của tôi, cũng như mong ước của đa số giáo viên mầm non khác là nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp có thẩm quyền, có chế độ ưu đãi, chế độ chính sách dành riêng cho giáo viên mầm non vì mỗi một ngày có một hoạt động khác nhau, chúng tôi đều phải thay đổi, làm mới đồ dùng dạy học. Giáo viên phải tự bỏ tiền để hoàn thành chúng. Đồng thời, chúng tôi mong là nhận được sự quan tâm chia sẻ của phục huynh để cùng thực hiện tốt công tác nuôi dạy trẻ”.
Anh Lưu Nghiệp Huy (Q.6, TP HCM) đồng cảm với những khó khăn của các cô giáo mầm non: “Trung bình một lớp có 30-40 trẻ, giữ trẻ không phải chuyện dễ, đằng này họ còn phải chăm lo ăn uống này nọ. Bộ giáo dục nên có chính sách thích hợp, nâng mức lương lên, tạo môi trường công tác tốt hơn cho giáo viên mầm non”.