Kylie Jenner vừa khiến dư luận bức xúc khi dùng máy bay tư nhân cho chuyến bay kéo dài 12 phút đối với một quãng đường chỉ dài hơn 40 km.
Nữ tỷ phú trẻ đã đi máy bay từ thành phố Van Nuys, quận Los Angeles đến thành phố Camarillo, quận Ventura trong cùng bang California. Nếu di chuyển bằng ôtô, Kylie chỉ mất 39 phút nếu không xảy ra tắc đường.
Chuyến bay nói trên thải ra 1 tấn khí CO2, bằng một phần tư tổng lượng khí thải CO2 hàng năm của một người bình thường trên toàn cầu. Sự kiện này khiến Kylie bị gọi là “tội phạm khí hậu giả tạo” vì từng đăng nhiều bài viết kêu gọi bảo vệ môi trường.
Kylie Jenner bị phát hiện bay các chuyến có độ dài chưa đến 30 phút trong thời gian ngắn. Ảnh: People. |
Theo Vice, nhiều người dùng mạng lên tiếng chỉ trích, đòi cấm các chuyến bay bằng máy tư nhân. Mong muốn này cũng từng được Mario Huber, một nhân viên chính phủ Thụy Sĩ, ủng hộ.
Năm 2019, Huber đọc được bài báo có tựa đề "Cấm máy bay tư nhân". Ông nhận thấy nhiều quốc gia trên thế giới vẫn xem nhẹ ảnh hưởng của việc lạm dụng máy bay tư nhân. Họ nâng mức thuế đối với máy bay dân sự vì cho rằng khí CO2 thải từ các chuyến bay này là nguyên nhân chính gây hại cho môi trường.
Điều này khiến Huber bức xúc. Vì vậy, ông lập ra một trang web nhằm chống lại hoạt động gây hại cho môi trường này.
“Máy bay tư nhân là dịch vụ hợp pháp nhưng gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề. Những người giàu nên từ bỏ đặc quyền xa xỉ này. Sẽ thật bất công nếu họ chỉ biết tận hưởng tiện nghi thay vì quan tâm đến môi trường chung”, Huber nói.
Mario Leandros Huber làm việc cho chính phủ Thụy Sĩ và một số NGO. Ảnh: SWI. |
Theo chủ trang web, loại máy bay tư nhân cơ bản đốt cháy khoảng 1.000 lít nhiên liệu trong mỗi giờ bay. Lượng khí thải từ phương tiện này nhiều gấp 10 lần máy bay dân sự và gấp 150 lần tàu điện.
Bên cạnh đó, khí thải từ máy bay độc hại hơn mọi phương tiện di chuyển khác. Vì vậy, những chuyến bay như của Kylie Jenner hoặc một số chính trị gia nổi tiếng thế giới là “sự phí phạm đáng trách”.
Huber bắt đầu đấu tranh bằng cách tham gia họp với các chính trị gia tại thành phố Bern (Thụy Sĩ). Tuy nhiên, phản ứng của họ không như ông kỳ vọng. Một số từ chối ủng hộ, cho rằng lượng khí thải từ chuyên cơ riêng không đáng kể. Nhóm còn lại tán thành ý kiến của Huber, nhưng không muốn phí thời gian cho vấn đề “có phần nhỏ nhặt”.
“Khá dễ hiểu khi nhiều nước không chống đối việc sở hữu chuyên cơ riêng. Nó liên quan trực tiếp đến đặc quyền của nhiều nhân vật quyền lực trên thế giới. Chẳng ai muốn bị thiệt thòi, nhất là nhóm người giàu”, Huber bày tỏ.
Dù vậy, ông cũng cho rằng việc ngăn chặn máy bay riêng có biến chuyển tích cực. Ngoài Kylie Jenner, nhiều người nổi tiếng khác cũng bắt đầu nhận nhiều chỉ trích khi di chuyển bằng máy bay riêng.
John Kerry, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khí hậu, bị một số trang tin lên án khi chuyên cơ của ông đã thải ra 300 tấn CO2 tính từ đầu năm 2021. Tỷ phú Bill Gates và Nancy Pelosi, phát ngôn viên của Nhà Trắng, cũng bị chú ý khi thường xuyên sử dụng máy bay tư nhân.
“Những người nổi tiếng này thật giả tạo. Họ nên dừng giả vờ quan tâm đến biến đổi khí hậu. Chính họ là đối tượng gây tác động trực tiếp đến môi trường. Đã tới lúc lên tiếng để thay đổi”, Mario Huber nói thêm.