"Tôi muốn chân thành cảm ơn những nhân viên tận tâm, nhà cung cấp, khách hàng, cộng đồng địa phương và chính phủ, những người hỗ trợ Toyota phát triển sản xuất tại Australia", Akio Toyoda - Giám đốc điều hành Toyota Motor Corporation - phát biểu trong chuyến thăm bí mật tới nhà máy Altona hồi tháng 8, lần cuối trước khi đóng cửa vào 3/10.
Đây không phải lần đầu Akio Toyoda đến nhà máy Altona. Cách đây hơn 3 năm, ông đã đến đây thông báo về ngày Toyota đặt dấu chấm hết hoạt động sản xuất.
Toyota tạm biệt ngành công nghiệp ôtô Australia sau hơn nửa thế kỷ gắn bó. Ảnh: Motor1. |
Tony Cramb - Giám đốc Toyota Australia kể lại: "Tôi cảm nhận được nỗi buồn trên gương mặt ông ấy. Toyoda đứng trước hàng nghìn nhân viên, bày tỏ lời xin lỗi và sẵn sàng nhận mọi trách nhiệm. Tiếng vỗ tay xuất hiện ngay sau đó từ phía những người sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, nhưng họ vẫn tỏ lòng kính trọng với thông điệp của Akio Toyoda".
"Một trong những ngày buồn nhất lịch sử của Toyota", Max Yasuda - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Toyota Australia - chia sẻ. "Bởi trong văn hóa Nhật Bản, chưa cần suy xét nguyên nhân, việc đóng cửa nhà máy mặc định là do thất bại trong quản lý, còn các sếp cấp cao coi đó là sự tàn phá nặng nề nhất tới sự nghiệp của người đó".
Chiếc xe cuối cùng
Tháng trước, chiếc Camry cuối cùng đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất của Toyota Australia. Chiếc xe được nhân viên gắn với cái tên đặc biệt - "chiếc xe tốt nhất chúng tôi từng sản xuất" - có lớp sơn bên ngoài hình lá cờ Australia, hình ảnh trên cao của nhà máy và cảnh quan thành phố Altona, một vùng ngoại ô của Melbourne. Một chiếc xe đặc biệt để nhớ lại chặng đường đã qua.
Chiếc Toyota Camry cuối cùng xuất xưởng tại nhà máy Altona, ngoại ô Melbourne. Ảnh: Toyota.
|
Toyota gắn bó với ngành công nghiệp ôtô Australia từ 1963, tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Sản lượng hàng năm của nhà máy đạt khoảng 149.000 chiếc vào năm cao điểm 2007, nhưng dần dần trượt dốc, chỉ còn khoảng 90.000 chiếc trong những năm gần đây.
Kết thúc sản xuất đồng nghĩa với khoảng 2.500 người mất mất việc, tương ứng 2/3 trong tổng số nhân viên. Toyota Australia sẽ tái cơ cấu để hoạt động giống như một công ty bán hàng.
Ford là nhà sản xuất ôtô đầu tiên tại Australia, bắt đầu hoạt động từ 1925. Cùng với Nissan và Mitsubishi, Australia có đến 5 nhà sản xuất ôtô vào đầu thập niên 90.
Nhưng tất cả đã chọn cách rút khỏi Australia. Hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết bởi chính phủ khiến ngành công nghiệp sản xuất ôtô không còn lý do để tồn tại. Ngay cả Holden, vốn được coi như báu vật quốc gia, cũng đành chấp nhận dừng bước.
Nạn nhân của thương mại tự do
Australia bắt đầu theo đuổi các Hiệp định thương mại tự do từ những năm 1980. Để tiếp cận thị trường nước ngoài, chính sách bảo hộ ngành ôtô bị thay đổi.
Thuế nhập khẩu đối với ôtô giảm từ 57,5% xuống còn 45% năm 1988, sau đó tụt xuống 37,5% năm 1991. Tình hình càng xấu đi khi Australia cắt giảm thuế nhập khẩu về 15% vào năm 2000, khiến Nissan quyết định đóng cửa nhà máy, dù mới chân ướt chân ráo bước vào năm 1992. Cho đến hiện tại, thuế nhập khẩu chỉ vọn vẹn 5%.
Ngành công nghiệp ôtô càng bế tắc hơn khi chính phủ đẩy mạnh đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương. Từ 1997 đến nay, Australia đã ký kết với tổng cộng 10 nền kinh tế khác nhau.
Holden là niềm tự hào của người Australia. |
Có hiệu lực từ 2005, Hiệp định thương mại tự do với Thái Lan tàn phá nặng nề nhất tới ngành công nghiệp ôtô Australia, bởi Thái Lan là trung tâm sản xuất chính cho nhiều hãng xe Nhật Bản và Mỹ.
Nhập khẩu từ Thái Lan vì thế tăng mạnh, chạm mốc gần 2 triệu chiếc, bao gồm cả những thương hiệu đang sản xuất trong nước là Ford, Holden và Toyota. Trái lại, Australia chỉ xuất khẩu đúng 100 chiếc tới thị trường Thái Lan. Lý do rất đơn giản, Thái Lan duy trì các hàng rào thuế ẩn, còn Australia chọn cách mở cửa hoàn toàn.
"Australia thuộc nhóm 13 quốc gia trên thế giới có ngành công nghiệp ôtô hoàn thiện, từ khâu thiết kế tới sản xuất. Nhưng việc mở cửa khiến xe nội địa mất lợi thế trước xe nhập khẩu", tờ Quartz viết. "Australia là quốc gia duy nhất trên thế giới sản xuất ôtô nhưng không có bảo hộ".
Chi phí sản xuất gấp 4 lần châu Á
"Chi phí sản xuất ở Australia gấp đôi châu Âu, và gấp 4 lần so với châu Á", Ford cho biết vào tháng 5/2013, thời điểm công bố quyết định ngừng sản xuất ôtô tại Australia. Để so sánh, nhân viên lắp ráp ôtô ở Thái Lan được trả công khoảng 6 USD/giờ, tương ứng 12.500 USD/năm. Trong khi đó, mức lương trung bình của nhân viên ngành ôtô Australia là 69.000 USD/năm.
Năm ngoái, thị trường ôtô Australia đứng thứ 16 trên thế giới, đạt doanh số 1,18 triệu chiếc, trong đó có đến 90% số xe nhập khẩu từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và các nước đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. Cái chết của ngành sản xuất ôtô không hề ảnh hưởng tới người tiêu dùng, thậm chí là có lợi. Bởi các Hiệp định thương mại đưa Australia vào danh sách những nơi có giá xe rẻ nhất trên thế giới.
Ford rút khỏi ngành công nghiệp ôtô Australia vào năm 2016. |
Nhiều người bày tỏ mối quan tâm về những diễn biến xấu ở thị trường lao động, về những người mất việc khi các nhà sản xuất ôtô ra đi. Theo ước tính của chính phủ, có khoảng 40.000 lao động làm việc trong ngành ôtô và các ngành liên quan đối diện với nguy cơ không có việc làm.
Tuy nhiên, tâm lý chung vẫn bình tĩnh, bởi tỷ lệ thất nghiệp của Australia luôn ở mức thấp, khoảng 5,6%.
John Spoehr, Giám đốc của Học viện chuyển đổi công nghiệp Australia tại Đại học Flinders, nhận định: "Dù ngành công nghiệp ôtô sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng giảm nhờ ngành năng lượng và một số lĩnh vực khác đang đi lên".
Do đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, 26 năm qua Australia không có bất cứ sụt giảm kinh tế nào trong 2 quý liên tiếp. Chính vì sự bùng nổ của ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên mà sàn lương bị đẩy lên cao khiến các ngành sản xuất không theo kịp.
Bùng nổ ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên dấy lên một lo ngại về tính cạnh tranh của ngành sản xuất của Australia. Số lượng công nhân trong ngành chế tạo đã giảm từ năm 2008.
"Với sự ra đi của ngành công nghiệp ôtô, thứ mà người Australia đánh mất không đơn thuần là việc làm, mà là tất cả thành tựu và kinh nghiệm trong ngành ôtô", Dave Smith của Hiệp hội công nhân sản xuất Australia, chia sẻ.