Thảm họa hàng không mới nhất xảy ra trong bối cảnh Chính phủ Ai Cập đang nỗ lực thúc đẩy khôi phục "ngành công nghiệp không khói" vốn đã sa sút kể từ cuộc chính biến mùa Xuân 2011, đặc biệt sau vụ máy bay chở khách của Nga bị tấn công khủng bố ở Bán đảo Sinai (Ai Cập) cuối tháng 10/2015, khiến toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Tượng Nhân sư bên cạnh kim tự tháp Menkaure (phải) và Khafre (trái) tại Giza, ngoại ô thủ đô Cairo ngày 9/11. |
MS804 của hãng hàng không EgyptAir trên Địa Trung Hải sáng 19/5 (theo giờ địa phương) là cú "đòn hiểm" nữa giáng vào ngành du lịch Ai Cập.
Tới thời điểm này, một số thi thể hành khách và các mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số đã được tìm thấy trên Địa Trung Hải, cách thành phố cảng Alexandria của Ai Cập gần 300 km về phía Bắc.
Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ đến từ Anh, Pháp, Cyprus, Hy Lạp và Italy, giới chức Ai Cập đang tiếp tục khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân cũng như hộp đen của máy bay.
Mặc dù nguyên nhân của thảm họa vẫn đang trong quá trình điều tra, Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail cũng như các quan chức Bộ Hàng không Dân dụng và hãng hàng không EgyptAir đều cho rằng khả năng máy bay bị tấn công khủng bố cao hơn là do lỗi kỹ thuật.
Đây là sự cố hàng không thứ ba của Ai Cập chỉ trong vòng sáu tháng qua, giữa lúc doanh thu du lịch của đất nước Kim tự tháp liên tiếp giảm mạnh kể từ cuộc chính biến mùa Xuân năm 2011.
Trước đó, ngày 31/10/2015, chiếc máy bay Airbus A321 mang số hiệu 7K9268 của hãng hàng không giá rẻ Metrojet (Nga) rơi tại Bán đảo Sinai của Ai Cập khi đang trên hành trình từ thành phố Sharm el-Sheikh (Ai Cập) đến St. Petersburg (Nga). Toàn bộ 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Nguyên nhân của thảm họa hàng không này sau đó được chính Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi thừa nhận là do bị tấn công khủng bố. Sau vụ rơi máy bay ở Sinai, Nga và một số quốc gia châu Âu đã dừng tất cả các chuyến bay tới Sharm el-Sheikh.
Tới nay, Nga và một số nước châu Âu, trong đó có Anh, vẫn chưa nối lại các chuyến bay tới thành phố bên bờ Biển Đỏ của Ai Cập. Du khách Nga và Anh chiếm 2/3 lượng khách du lịch quốc tế đến Sharm el-Sheikh, trong khi các khách Nga chiếm một nửa số khách du lịch tới thăm Hurghada, khu nghỉ mát chính khác nằm trên bờ Biển Đỏ của Ai Cập. Hậu quả là ngành du Ai Cập thiệt hại khoảng 2,2 tỷ bảng Ai Cập (tương đương 280 triệu USD) mỗi tháng.
Để vực dậy ngành du lịch, Chính phủ Ai Cập đã triển khai các kế hoạch nhằm quảng bá du lịch, tăng cường công tác an ninh tại các sân bay..., với kinh phí nhiều triệu USD thời gian qua. Song, những nỗ lực này vẫn chưa thể mang lại kết quả khi mà thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh, Hurghada và nhiều điểm du lịch khác đều vắng khách.
Sự cố thứ hai là vụ bắt cóc chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng EgyptAir hôm 29/3 khi đang trên hành trình từ thành phố Alexandria tới thủ đô Cairo. Kẻ bắt cóc đã đe dọa và buộc máy bay phải chuyển hướng bay tới Cyprus. Vụ việc sau đó được giải quyết, với toàn bộ 55 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đều bình an trở về, và kẻ bắt cóc được xác định là "có vấn đề về thần kinh." Tuy nhiên, vụ bắt cóc cũng đã làm nản lòng nhiều du khách quốc tế do tình trạng an ninh lỏng lẻo tại các sân bay của Ai Cập.
Trong khi Đức có kế hoạch nối lại các chuyến bay trực tiếp tới Sharm el-Sheikh vào cuối tháng này, Nga và Anh cùng một số quốc gia châu Âu cũng có ý định tương tự, sau các nỗ lực đàm phán và thuyết phục từ phía Ai Cập.
Tuy nhiên, vụ rơi máy bay trên Địa Trung Hải ngày 19/5 đã làm sụp đổ gần như hoàn toàn các nỗ lực phục hồi ngành du lịch của Ai Cập. Kế hoạch thu hút 12 triệu lượt khách nước ngoài, nhất là châu Âu, vào cuối năm 2017 của đất nước Kim tự tháp giờ đây trở nên hết sức mong manh.
Du lịch là một trong những trụ cột của nền kinh tế Ai Cập khi đóng góp tới 11% GDP và chiếm gần 12% tổng số việc làm của Ai Cập. Song, kể từ sau Mùa Xuân Arab năm 2011, ngành du lịch đã lâm vào cảnh khó khăn khi doanh thu liên tiếp đi xuống.
Theo thống kê chính thức, doanh thu du lịch của Ai Cập năm 2015 giảm xuống còn 6,1 tỷ USD, so với 12,7 tỷ USD năm 2010. Lĩnh vực này tiếp tục đà đi xuống sau vụ máy bay Nga bị tấn công khủng bố ở Sinai, khi doanh thu quý I/2016 chỉ đạt 500 triệu USD, so với 1,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015.
Lượng khách quốc tế tới Ai Cập quý I/2016 chỉ đạt 1,2 triệu lượt khách, so với 2,2 triệu lượt của cùng kỳ năm ngoái. Năm 2015, Ai Cập đón tiếp 9,3 triệu khách quốc tế, giảm 6% so với năm 2014 và giảm mạnh so với con số 14,7 triệu lượt du khách năm 2010 và 9,8 triệu lượt người năm 2011.
Do ngành chế tạo còn manh mún và sức cạnh tranh của hầu hết các doanh nghiệp trong nước rất yếu kém, kinh tế Ai Cập chỉ dựa vào một số trụ cột như du lịch, kênh đào Suez và dầu khí. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, doanh thu từ kênh đào Suez đã giảm từ 5,46 tỷ USD năm 2014 xuống 5,17 tỷ USD năm 2015 và giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 3/2016 khi chỉ đạt 396,4 triệu USD, mặc dù Chính phủ Ai Cập đã hoàn thành dự án mở rộng kênh đào này với tổng kinh lên tới 8 tỷ USD vào tháng 8/2015 với mục tiêu đem lại khoản doanh thu hơn 13 tỷ USD vào năm 2023.
Vài tuần trước khi xảy ra vụ rơi máy bay của hãng EgyptAir, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Ai Cập chỉ đạt 3,3% năm 2016, so với mức tăng 4,2% được ghi nhận trong năm 2015.