Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngành du lịch thắng về doanh thu

Kỷ nghỉ lễ kéo dài 6 ngày là cơ hội lớn cho ngành du lịch năm nay.

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay gần với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên hầu hết người dân được nghỉ tới 6 ngày. Đây là cơ hội vàng cho ngành du lịch. Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia, các công ty lữ hành thì ngành du lịch đã nắm bắt tốt cơ hội trên để tăng doanh thu, nhưng đây đó vẫn còn những "con sâu làm rầu nồi canh".

Du khách tham quan Vịnh Hạ Long
Du khách tham quan vịnh Hạ Long

Rộn ràng đón khách

Theo nhận định của các công ty lữ hành lớn, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách đi theo tour tăng khoảng 30% so với năm trước. Các tour nước ngoài thu hút nhiều du khách là tour Hàn Quốc, tour Nhật Bản. Tour trong nước cũng nhộn nhịp không kém với những hành trình khám phá vẻ đẹp ba miền đất nước, như dòng tour ngắm pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, ngắm hoa cà phê Buôn Mê Thuột, trải nghiệm vẻ đẹp của đỗ quyên rừng và chiêm ngưỡng ruộng bậc thang trong mùa nước đổ trên miền rẻo cao Tây Bắc…

Theo thống kê nhanh của huyện Sa Pa, kỳ nghỉ này, lượng khách du lịch đến Sa Pa khoảng 50.000 lượt, tăng hơn 40% so với năm trước, và khách đặt tour, phòng nghỉ nhiều nhất từ ngày 29/4 đến 3/5.

Tại Thừa Thiên - Huế, thông tin từ Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH-TT&DL tỉnh cũng cho biết, từ ngày 28/4 đến 3/5, có khoảng 81.000 lượt du khách đến Huế, trong đó khách nội địa chiếm 66%. Cao điểm nhất là trong các ngày 29, 30/4 và 1/5, công suất phòng các khách sạn lớn đều đạt 100%. Năm nay, ngoài tham quan các tour truyền thống là du lịch di sản văn hóa, tâm linh, các chương trình lễ hội trong Festival Nghề truyền thống Huế kết hợp với tour tham quan các làng nghề như đúc đồng, làm nón, mộc, mỹ nghệ… cũng rất thu hút khách. Theo ước tính, lượng khách du lịch đến Huế trong dịp này tăng 20% so với năm ngoái.

Tại Hà Nội, những ngày nghỉ nắng nóng nhưng không quá gay gắt, nên lượng khách đến các công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Nghĩa Đô… khá đông. Sau sự cố ở công viên nước diễn ra ngày 19/4, bà Trần Bạch Yến, đại diện công viên nước cho biết, công viên đã hoạt động trở lại và đón khoảng 4.000 khách/ngày. Các rạp chiếu phim cũng thu được lượng khách đáng kể.

Xử phạt nhiều cơ sở "chặt chém"

Tại Nha Trang, hầu hết khách sạn đã kín chỗ từ ngày 28/4 đến 1/5, một số khách sạn còn phòng nhưng giá đội lên gấp 4 lần, từ 400.000 đồng/ngày lên tới 1,6 triệu đồng. Trên một số trang mạng du lịch, có rất nhiều thông tin cho thuê phòng ở Nha Trang nhưng giá gấp 3-6 lần ngày thường. Lý giải tình trạng này, nhân viên lễ tân một khách sạn cho biết, đó là do "cò" đã mua phòng từ trước, ém sẵn đợi đến ngày lễ bán lại cho du khách để kiếm lời. "Cò" có thể là cá nhân nhưng cũng có thể là một công ty du lịch.

Nhìn chung, dịp nghỉ lễ này, nhóm khách sạn 3-5 sao ở đây tăng giá phòng ít, nhóm 2 sao tăng gấp đôi, nhóm nhà nghỉ, khách sạn 1 sao nâng giá cao nhất, lên tới 4 đến 5 lần.

Tại Sa Pa, sau khi báo chí phản ánh về việc báo giá phòng cao "như trên trời" của một số khách sạn trên các trang web Agoda.com, booking.com, trong đó có 3 khách sạn 3 sao báo giá phòng thấp nhất là 17 triệu đồng/đêm, cao nhất lên tới 46 triệu đồng/đêm, các khách sạn 2 sao cũng báo giá phổ biến từ 4 đến 9 triệu đồng/phòng/đêm.

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã xác định hành vi vi phạm quy định về giá của 8 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú khi niêm yết giá tại các trang web trên. Theo thông tin mới nhất, các khách sạn trên đã bị phạt từ 12,5 triệu đồng đến 25 triệu đồng mỗi cơ sở.

Tuy nhiên, một tín hiệu mừng là ở nhiều nơi, tình trạng chặt chém đã "hết đất sống", điển hình là Sầm Sơn. Sau nhiều năm bị gắn mác "9 tháng mài dao...", từ năm 2013, Sầm Sơn bắt đầu thực hiện chính sách niêm yết bảng giá tất cả loại hình dịch vụ từ phòng nghỉ, ăn uống, thuê phao tắm, gửi xe, bán đồ lưu niệm; xử phạt nghiêm các cơ sở, cá nhân chèo kéo khách, bán hàng không đúng giá niêm yết… Nhờ đó, mùa du lịch năm 2014, thị xã đón được 3,15 triệu lượt khách, tăng 26,8% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt gần 1,8 nghìn tỷ đồng.

Phát huy kết quả năm trước, năm nay thị xã tiếp tục đưa giải pháp quản lý du lịch bằng "chín có", gồm: Có hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện và trung thực; có bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; có môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; có trang phục lịch sự, đúng quy định; có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Bên cạnh đó còn có "chín không", gồm: Không bán hàng rong, tẩm quất dạo, ăn mày, ăn xin; không chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách; không mồi chài, ép buộc khách sử dụng hàng hóa, dịch vụ; không to tiếng, nặng lời với khách…

Thị xã cũng đã thành lập 8 đường dây nóng gồm các số máy của Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Công an thị xã, Đội trưởng Đội quản lý thị trường… để du khách phản ánh những vấn đề bức xúc trong thời gian nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn. Tin đáng mừng là đến chiều 29, các khách sạn tại đây hầu hết đã kín phòng, nhưng đường dây nóng vẫn chưa nhận được bất cứ phàn nàn nào của du khách.

Hà Nội rực sắc đỏ mừng ngày 30/4 lịch sử

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, Thủ đô Hà Nội được trang hoàng rực rỡ bởi cờ, hoa.

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/753450/nganh-du-lich-thang-ve-doanh-thu

Theo Lâm Vũ / Báo Hà Nội Mới

Bạn có thể quan tâm