Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngành giáo dục cắt họp, giảm đi nước ngoài

Đây là những thông điệp nêu ra tại hội nghị Kế hoạch ngân sách năm 2014 các trường, đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT, tổ chức ở Hà Nội sáng 27/12.

Dự toán chi tiêu 2014 sẽ giảm 10% so với 2013, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cắt giảm các kỳ họp không cần thiết, hạn chế tối đa hoặc cắt hoàn toàn những chuyến công tác nước ngoài và kiên quyết không được chậm lương cho giảng viên.

Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết năm qua các trường đã chú trọng đến việc hạn chế tăng quy mô để nâng cao chất lượng đào tạo.

Do đó, năm 2013 là năm đầu tiên tất cả các chỉ tiêu đào tạo các hệ đều giảm, trừ chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng 9,3%. Việc tăng chỉ tiêu này theo ông Vũ là “phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường ĐH-CĐ”.

Chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ năm 2013 là 22.900, giảm 7% so với năm 2012. Chỉ tiêu đào tạo ĐH giảm 5,1%, chỉ tiêu CĐ là 16.300, giảm 6,3%. Hệ đào tạo liên thông và văn bằng hai với Thông tư 55/2012 đã giảm 11% ở trình ĐH còn 28.200; ở trình độ CĐ giảm mạnh xuống còn 11.300, giảm 63%. Hệ TCCN năm 2013 là 5.950 chỉ tiêu, giảm 40% so với năm 2012.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao đổi bên lề với các đại biểu sáng 27/12.

Theo ông Vũ: “Đây là năm đầu tiên chỉ tiêu đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy của các trường trực thuộc Bộ giảm. Việc này là phù hợp với định hướng ổn định quy mô nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với thực tế đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất của các trường.

Để đảm bảo cân đối cung cầu nhân lực sư phạm chính quy, Bộ đã yêu cầu các cơ sở đào tạo có đào tạo nhóm sư phạm tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng giảm dần để phù hợp với nhu cầu sử dụng”.

Dự kiến trong năm 2014 quy mô đào tạo ĐH-CĐ chính quy sẽ ổn định so với 2013 để tập trung nâng chất lượng. Riêng chỉ tiêu tuyển mới sau đại học hệ đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 7% và chỉ tiêu thạc sĩ tăng khoảng 5% so với năm 2013.

Bộ sẽ cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chi tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật. Đối với chỉ tiêu liên thông ĐH-CĐ chính quy tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH-CĐ chính quy tương ứng.

Do tình trạng thừa giáo viên hiện nay nên chỉ tiêu sư phạm sẽ điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu.

Ngân sách giảm, các trường kêu

Dự toán chỉ tiêu chi ngân sách nhà nước của Bộ GD-ĐT trong năm 2014 sẽ giảm 10% so với năm 2013 từ 6.576.700 triệu đồng xuống còn 5.905.310 triệu đồng. Trong đó, việc chi cho chương trình mục tiêu quốc gia sẽ giảm mạnh nhất (44%) so với 2013, chi thường xuyên sự nghiệp giảm 7%, chi đầu tư phát triển giảm 10%, các nhiệm vụ chi được Bộ Tài chính ấn định giảm 12%.

Các đại biểu tại hội nghị ngân sách của Bộ GD-ĐT sáng 27/12.

Tổng kết năm 2013, ông Trần Duy Tạo - Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Thiết bị trường học&Đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) cho biết năm qua có nhiều đơn vị để xảy ra các sai phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Một số đơn vị thuê tư vấn quản lý dự án không hiệu quả. Số kinh phí chi cho quản lý dự án rất lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước,….

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mong bộ lưu ý phát triển đào tạo giáo viên ngành kỹ thuật.

Lãnh đạo trường ĐH Nha Trang cho biết những ngành đào tạo cho rừng và biển đều khó khăn khi nhu cầu lớn nhưng thu hút người vào ngành học không dễ dàng nên Bộ cần phải lưu ý vấn đề này.

Ông Dũng cũng bức xúc trước việc “nhiều nơi sử dụng kinh phí không hiệu quả các dự án. Trường tôi còn bị ép nhận thiết bị của dự án mà hầu như không sử dụng được. Vấn đề này tôi sẽ gặp riêng Bộ trưởng để trao đổi”.

Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị lãnh đạo nhiều trường như trường trung học vùng cao Việt Bắc, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Nha Trang, trường ĐH Vinh vẫn mong Bộ GD-ĐT cấp kinh phí để sữa chữa, hoàn thiện hay xây mới kí túc xá cho sinh viên.

Đáp lời các ý kiến, Cục trưởng Tạo cho biết: “Trong năm 2014, Bộ ưu tiên cho một số trường ĐH sư phạm theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy phục vụ triển khai đề án đổi mới căn bản, toàn diện, không đầu tư dàn trải, làm dứt điểm, có trọng tâm”.

Riêng với dự án làng sinh viên 190ha của ĐH Đà Nẵng có từ năm 1990 nhưng giờ vẫn đang “quy hoạch treo” khiến dân Quảng Nam và Đà Nẵng bức xúc, ông Tạo nêu hướng giải quyết: “Nếu đủ ngân sách đầu tư ta tiếp tục xin phép giảng phóng mặt bằng. Nếu không đủ phải trả đất cho dân. Không thể để dự án qua 4 đời giám đốc vẫn nằm nguyên tại chỗ”.

Thông điệp tiết kiệm

Tổng kết hội nghị, thông điệp tiết kiệm chi tiêu được lãnh đạo Bộ GD-ĐT phát đi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga mong các trường, cơ sở giáo dục thuộc bộ cùng chia sẻ khó khăn và “cắt hết các hội thảo, hội nghị không cần thiết, hạn chế tối đa hoặc cắt hoàn toàn việc đi công tác nước ngoài”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị sáng 27/12.

Thứ trưởng Ga cũng nhấn mạnh: “Dù khó khăn nhưng dứt khoát lương cho cán bộ, giáo viên không được thiếu. Trường nào khó khăn phải báo cáo ngay để tìm hướng xử lý, khắc phục”.

Trước đề nghị được tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ lên gấp đôi so với con số 7% và 5% như dự kiến của Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Ga khẳng định: “Bộ không cấp chỉ tiêu. Các trường phải dựa vào Thông tư 57 để xác định, sai Bộ sẽ xử lý. Nhưng quan điểm của Bộ là giảm, không tăng”.

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm