Chất lượng giáo dục không được đo lường chính xác và đây là nguyên nhân mấu chốt làm cho nền giáo dục phải triền miên thi cử.
"Ở Hà Nội kiếm một suất vào lớp 10 công lập còn khốc liệt gấp mấy lần thi đại học" - một phụ huynh vừa than thở như thế trên báo. Những ngày này, tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác nữa, phụ huynh cũng có lo lắng tương tự.
Được biết, chỉ tiêu vào lớp 10 của phần lớn địa phương năm nay chỉ đáp ứng được 70%-80% yêu cầu. Có nghĩa là với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, số học sinh không được vào lớp 10 công lập có thể lên con số chục nghìn.
Đó là chưa kể TP Hà Nội vừa thông báo từ năm học 2019-2020 sẽ áp dụng thi lớp 10 với ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và môn tự chọn từ một trong hai bài thi tổ hợp (Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục Công dân hoặc Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học).
Như vậy, sắp tới, học sinh phải thi tới sáu môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Thật là một áp lực lớn đối với học sinh! Để tìm kiếm một chỗ ngồi lớp 10 trong trường công lập, nhiều phụ huynh phải cho con em mình tham gia các lớp luyện thi ngay từ đầu năm lớp 9, thậm chí cả những năm trước đó nữa!
Câu hỏi đặt ra là liệu có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi lớp 10 căng thẳng như vậy?
Ảnh minh họa: Người Lao Động. |
Từ năm 2006, Quốc hội quyết định bỏ kỳ thi THCS vì thấy không còn cần thiết (năm nào học sinh cũng thi đậu xấp xỉ 100%; cả nước đã phổ cập giáo dục THCS) mà chỉ gây căng thẳng và tốn kém cho xã hội.
Quốc hội yêu cầu sau khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, ngành giáo dục cả nước phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá học sinh của từng năm học một cách chặt chẽ để làm cơ sở xét công nhận tốt nghiệp, cũng như tuyển chọn vào lớp 10 công lập.
Về phương thức tuyển sinh vào lớp 10, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương có thể chọn một trong ba cách: Xét tuyển, thi tuyển, kết hợp xét và thi tuyển.
Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh kỳ thi lớp 10 chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn, không phải đánh giá năng lực toàn diện như kỳ thi THCS. Vì vậy, việc thi tuyển nếu có phải tổ chức nhẹ nhàng, không căng thẳng, tốn kém.
Như vậy, nếu nhà trường làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá học sinh hàng năm thông qua bài kiểm tra trên lớp, thi học kỳ, cuối năm lớp 9 có thể dựa vào kết quả này mà xét tuyển vào lớp 10. Không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi quy mô, căng thẳng, tốn kém với nhiều môn thi và trượt khỏi mục đích của kỳ thi.
Hầu hết nền giáo dục trên thế giới đều chọn cách làm này và trên thực tế kỳ thi lớp 10 đã bị xóa sổ hơn nửa thế kỷ trước. Trước năm 1975, nền giáo dục chế độ cũ cũng đã bãi bỏ kỳ thi này.
Nhưng đến nay ở nước ta, kỳ thi lớp 10 vẫn được tổ chức ở nhiều địa phương và đang ngày trở nên căng thẳng. Xã hội tất nhiên không đồng tình. Ngành giáo dục các địa phương giải thích "nếu không tổ chức thi, các em không chịu học, kết quả ngày càng sa sút. Bởi vậy, kỳ thi này cần phải được duy trì".
Chúng ta tin rằng lời giải thích này là thành thật chứ không phải vì "lợi ích nhóm" như một số thông tin trên mạng xã hội phê phán. Như thế, kết quả của việc dạy học trong nhà trường có tốt lên là nhờ vào kỳ thi. Hay nói dễ hiểu, có thi thì mới có học!
Mặt khác, ngành giáo dục các địa phương mặc nhiên thừa nhận việc đánh giá học sinh qua mỗi năm học là không còn chính xác, hiệu quả (bệnh thành tích là nguyên nhân chính).
Với kết quả cuối mỗi năm học có lớp đạt gần 100% học sinh giỏi, đúng là việc xếp loại cuối năm không còn đáng tin cậy để làm cơ sở xét tuyển lớp 10.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ quản lý, ngành giáo dục các địa phương đã tự nguyện từ bỏ một công cụ quan trọng của việc dạy học là đánh giá học sinh. Chất lượng giáo dục không còn được đo lường chính xác. Đây chính là nguyên nhân mấu chốt làm cho nền giáo dục nước ta phải triền miên thi cử.
Không ít nhà trường đã từ bỏ nhiệm vụ chính của mình là đào tạo con người toàn diện như Luật Giáo dục quy định, chỉ tập trung luyện thi. Học để thi, thi để học. Thật là luẩn quẩn! Trong cái vỏng luẩn quẩn ấy, con em của chúng ta sẽ tiếp tục bị khổ sở mà thôi.