Phát biểu tại tọa đàm "Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp" do Bộ GD&ĐT và ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng 14/12, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao ĐH Sư phạm Hà Nội không chỉ bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, mà còn quan tâm nghiên cứu các vấn đề liên quan thầy, cô giáo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay ngành giáo dục có nhiều việc phải làm và đã có kết quả. Một số vấn đề yếu kém cần nhìn nhận, xây dựng để giải quyết.
“Ai cũng biết giáo dục cần ổn định nhưng phải trong sự thay đổi theo Nghị quyết 29. Thay đổi thế nào để không sốc và tạo động lực cho giáo viên? Khi thực sự xem đổi mới là nhiệm vụ của mình, giáo viên sẽ tìm thấy cơ hội và thành công”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định trách nhiệm của ngành giáo dục là không để giáo viên cảm thấy cô đơn trước áp lực của nghề nghiệp. Ảnh: Quyên Quyên. |
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, gần đây, dư luận bàn nhiều về áp lực của giáo viên và ông cũng rất trăn trở về việc này. Phần lớn thầy cô đều tâm huyết, yêu nghề nhưng trước tiên họ phải có công việc, thu nhập ổn định. Đó là nhu cầu lớn.
Bộ trưởng đánh giá vị thế của thầy cô trong nghề rất cao quý nhưng cũng vì thế mà đôi khi tạo ra áp lực, cần sự chủ động trong cách tìm ra nguyên nhân, giải pháp.
Theo đó, áp lực của giáo viên rất rộng, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp, đến môi trường xã hội, gia đình và học sinh. Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh hiện nay có 1-2 con, rất đầu tư, chăm sóc, thậm chí có người chiều con quá.
“Giáo viên chịu áp lực nhưng không phải vì thế mà vin vào để đi ngược chuẩn đạo đức. Cũng không phải vì trường hợp cá biệt mà khái quát lên khiến thầy cô lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho thầy cô yên tâm, còn làm sai ở đâu sẽ sửa. Nếu không sửa, giáo viên sẽ được đưa ra khỏi ngành. Thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ”, ông Nhạ phát biểu.
Tư lệnh ngành giáo dục khẳng định sắp tới, trường sư phạm phải đào tạo giáo sinh phù hợp, có tri thức, kiên nhẫn, yêu nghề. Phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng dạy người, rèn luyện giáo sinh phải được chú trọng, phát huy phẩm chất nhà giáo. Khi ra trường, họ sẽ trở thành giáo viên ứng xử được với các vấn đề, chủ động giảm áp lực cho chính mình.
Sắp tới, ngành giáo dục triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thực hiện theo chuẩn, dân chủ trong nhà trường, cắt bỏ quy định không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên. Trong đó, thi giáo viên giỏi cũng phải thay đổi cho thực chất, giảm bớt đánh giá.
Qua tiếp thu ý kiến của nhiều giáo viên, lãnh đạo các cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận diện 6 nhóm tác động giáo viên từ bên ngoài, gồm: Phụ huynh, hiệu trưởng, học sinh, các trường sư phạm, cơ chế và chính sách từ các cấp quản lý và truyền thông. Từ những nhóm này, ngành giáo dục sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách sao cho phù hợp.
Trước ý kiến của giáo viên, phụ huynh cho rằng thầy cô hiện tại rất cô đơn trước áp lực nghề nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận đây là trách nhiệm của ngành. Mục tiêu là thầy cô hạnh phúc, từ đó học sinh, gia đình, xã hội mới hạnh phúc.
Bộ trưởng cho hay cần đặc biệt quan tâm vấn đề bồi dưỡng hiệu trưởng, cán bộ quản lý cấp phòng GĐ&ĐT, sở GD&ĐT, tránh những trường hợp gây mất lòng tin cho phụ huynh, xã hội.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần được tư vấn bằng sổ tay hướng dẫn cùng các phương tiện, đặc biệt ở những lớp có học sinh cá biệt. Thầy cô cũng cần được tư vấn về kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông. Điều này tránh những vấn đề nhỏ bị thổi bùng lên thành chuyện lớn vì thiếu thông tin.
Bộ trưởng chỉ đạo giảm áp lực hành chính, tăng cường công nghệ thông tin, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cần đi vào bản chất, cắt giảm nhiều cuộc thi không cần thiết, dẫn đến học thêm.