Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngành sư phạm: Nhu cầu thực tế với quy mô đào tạo vênh nhau

Sự kết nối giữa các trường sư phạm chưa tạo thành chuỗi cung ứng nguồn nhân lực nên tạo ra sự vênh nhau giữa nhu cầu thực tế với quy mô đào tạo.

Năng lực đào tạo ngành sư phạm của các trường đại học, cao đẳng sư phạm đang lớn hơn quá nhiều so với nhu cầu về số lượng giáo viên cần đào tạo, nhưng lại chưa đáp ứng được về chất lượng của đội ngũ giáo viên các bậc học.

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ DG&ĐT) về thực trạng đào tạo ngành sư phạm ở nước ta hiện nay.

Nganh su pham anh 1
Hội thi nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

 

Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 14 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Hệ thống cơ sở đào tạo ngành sư phạm phân bố tương đối đều trong cả nước. Các tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (trừ tỉnh Đắk Nông).

Một số địa phương tập trung nhiều cơ sở đào tạo giáo viên như: Hà Nội có 8 cơ sở, thành phố Hồ Chí Minh 6 cơ sở. Phần lớn các trường đại học sư phạm tham gia đào tạo giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.

Quy mô đào tạo ngành sư phạm (gồm cả hệ chính quy và đào tạo từ xa) của các cơ sở này gần 50.000 sinh viên một năm. Chỉ tiêu đào tạo hàng năm lớn, nhưng cơ cấu đào tạo ngành ngành nghề chưa hợp lý dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không tìm được việc làm ngày càng tăng, nhiều địa phương cũng đang dôi dư giáo viên bậc phổ thông.

Bà Nguyễn Thúy Hồng - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) nêu thực tế: Sự kết nối giữa các trường sư phạm với nhau, các trường sư phạm trong hệ thống với các cơ quan quản lý chưa tạo thành chuỗi cung ứng nguồn nhân lực nên tạo ra một sự vênh giữa nhu cầu thực tế với quy mô đào tạo.

"Hiện tại có 2 vấn đề, một là số sinh viên sư phạm chưa có việc làm. Thứ hai, bây giờ ở các địa phương, giáo viên thừa rất nhiều ở bậc trung học cơ sở, còn khối mầm non rất thiếu. Sinh viên sư phạm đào tạo ra, phần lớn giám đốc sở đều nói rằng chưa dùng được ngay, mà phải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng rất nhiều”, bà Hồng cho biết.

Bộ GD&ĐT đang thực hiện chương trình phát triển các trường sư phạm, trong đó sẽ thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp các cơ sở đào tạo giáo viên thành một hệ thống hợp lý, nhằm đảm bảo đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng hỗ trợ các cơ sở đào tạo ngành sư phạm xây dựng chương trình, giáo trình mới, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên phù hợp yêu cầu đào tạo giáo viên phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Du học sinh Việt tại Nhật đón Tết giữa mùa thi căng thẳng

Dù bận rộn với việc học hành, thi cử, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, vẫn dành thời gian chuẩn bị những món ăn truyền thống và cùng nhau đón Tết cổ truyền.


http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nganh-su-pham-venh-giua-nhu-cau-thuc-te-voi-quy-mo-dao-tao-589898.vov

Theo Minh Hường / VOV

Bạn có thể quan tâm