Sáng 26/10, Công chúa Mako, cháu nội của cựu Nhật hoàng Akihito, chia tay gia đình, cúi đầu chào công chúng, sau đó một mình lên xe đến văn phòng đăng ký kết hôn ở Tokyo.
Một cuộc họp báo diễn ra chiều cùng ngày sẽ thay thế cho toàn bộ nghi thức cưới xin truyền thống đã được lược bỏ, theo New York Times.
Để tránh những câu hỏi gây khó chịu, Công chúa Mako và chồng mới cưới, Kei Komuro, chỉ trả lời bằng văn bản cho 5 câu hỏi đã gửi trước từ các phóng viên. Để tránh bị cáo buộc lãng phí tiền thuế của dân, cặp đôi đã tự trả tiền thuê phòng họp báo.
Ngay cả khi không có đám cưới trên truyền hình hay nụ hôn trước sự chứng kiến của hàng nghìn người, cả hai vẫn có cách khẳng định tình cảm riêng.
"Tôi yêu Mako. Tôi muốn dành trọn cuộc đời cho người mình yêu", chú rể Komuro đã nhìn thẳng vào máy quay và tuyên bố trong buổi họp báo chính thức.
Ngày cưới của công chúa Nhật bản rất khác so với bối cảnh cổ tích của những hôn lễ hoàng gia từng thu hút sự chú ý của công chúng trước đây.
Công chúa Mako và Kei Komuro tại cuộc họp báo chiều 26/10. Ảnh: Nicolas Datiche. |
Cảnh trái ngược
Tại cuộc họp báo, được tổ chức ở một khách sạn cách hoàng cung chưa đầy 1,6 km, vợ chồng Công chúa Mako ngồi cạnh nhau và đối mặt với rất nhiều phóng viên cùng một dàn máy ảnh.
Cô dâu mặc chiếc váy liền thân màu xanh nhạt và áo khoác có đính ngọc trai, trong khi chú rể Komuro mặc bộ vest sọc tối màu.
Không chỉ đặc biệt về trang phục, tuyên bố trong ngày cưới của Công chúa Mako cũng khác xa so với kịch bản hôn lễ hoàng gia.
Công chúa Mako xin lỗi vì bất kỳ rắc rối nào do cuộc hôn nhân của cô gây ra. "Tôi cũng biết ơn những người đã tiếp tục ủng hộ tôi. Đối với tôi, Kei là người không thể thay thế", công chúa nói ở buổi họp báo.
Công chúa Mako vẫy tay chào cha mẹ và em gái. Ảnh: Kyodo. |
Còn Komuro cho biết: "Tôi cảm thấy rất buồn khi Mako đã ở trong tình trạng tồi tệ, cả về tinh thần lẫn thể chất, bởi những cáo buộc sai trái".
Trước đám cưới của Công chúa Mako, công chúng vốn đã quen thuộc với sự xa hoa của hôn lễ hoàng gia ở Nhật Bản nói riêng và châu Á, thế giới nói chung.
Theo SCMP, năm 2005, hàng nghìn người đã xếp hàng trước cung điện khi Công chúa Sayako, con gái duy nhất của cựu Nhật hoàng Akihito, lên xe đến nơi tổ chức hôn lễ và tiệc chiêu đãi là một trong những khách sạn hàng đầu Tokyo.
Ngoài Nhật Bản, Đông và Đông Nam Á còn có 5 quốc gia khác gồm Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Brunei và Bhutan vẫn do các quốc vương trị vì với tư cách là nguyên thủ quốc gia có quyền hành hạn chế hoặc tối cao.
Ảnh hưởng và sức mạnh của các hoàng gia châu Á khiến thành viên hoàng tộc luôn thu hút sự chú ý của công chúng. Đám cưới của họ cũng không ngoại lệ.
Tháng 5/2019, Quốc vương Vajiralongkorn của Thái Lan thông báo kết hôn với phó cảnh vệ riêng chỉ vài ngày trước khi đăng cơ.
Hình ảnh trong lễ sắc phong sau đó được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Các kênh truyền hình Thái Lan đã phát sóng trực tiếp buổi lễ này.
Công chúa Tunku Tun Aminah Maimunah Iskandariah, con gái duy nhất của quốc vương Johor (Malaysia), và cầu thủ người Hà Lan Dennis Muhammad Abdullah đã tổ chức đám cưới xa hoa vào năm 2017.
Để mừng ngày trọng đại, nhiều đường phố ở Malaysia được trang hoàng lại. Lễ cưới tại cung điện hoàng gia, Istana Besar, đã được phát trực tiếp trên màn hình lớn dựng ở quảng trường thành phố Johor Bahru.
Một năm sau đó, người dân Malaysia lại tiếp tục chứng kiến đám cưới hoàng gia đắt đỏ của Cựu vương Sultan Muhammad V và Nữ hoàng sắc đẹp Nga Oksana Voevodina.
Hôn lễ của Majeedah Nuurul Bulqiah, con gái quốc vương Brunei, cũng xa hóa không kém. Sự kiện được ăn mừng bằng màn bắn đại bác. Trong lễ rước dâu bằng chiếc Rolls Royce màu vàng, hàng nghìn người dân đứng đợi hai bên đường để được nhìn thoáng qua công chúa.
Đám cưới của Cựu vương Sultan Muhammad V và Nữ hoàng sắc đẹp Nga Oksana Voevodina. Ảnh: Instagram. |
Sức hút của hoàng gia
Giáo sư Dennis Altman, Phó hiệu trưởng tại Đại học La Trobe (Australia), cho biết mặc dù nhiều quốc gia đã bãi bỏ chế độ quân chủ, khoảng 40 nước trên thế giới vẫn có vua hoặc nữ hoàng là người trị vì.
Và dường như sức mạnh mê hoặc của những người cai trị trong quá khứ không bao giờ biến mất.
"Những câu chuyện về hoàng gia vẫn phổ biến ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ điều này là do sự pha trộn giữa hoài niệm, chủ nghĩa dân tộc và sự tôn thờ danh nhân. Cuộc sống và bi kịch của các gia đình hoàng gia luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta và nhiều người đồng cảm với họ", Altman, tác giả cuốn sách God Save the Queen: the strange persistence of monarchies, nói.
Altman nói rằng có nhiều mô hình quyền lực khác nhau ở châu Á. Các quốc vương ở những nước như Brunei và Thái Lan vẫn sở hữu quyền lực chính trị đáng kể.
Công chúa Brunei Majeedah Nuurul Bulqiah (giữa) trong lễ cưới của cô với Pengiran Khairul Khalil vào ngày 1/6/2007. Ảnh: AFP. |
Còn hầu hết chế độ quân chủ tại các quốc giá khác đều tồn tại theo hệ thống hiến pháp, với quốc vương có quyền lực hạn chế và thực quyền tập trung vào cơ quan dân cử.
Saad Salman, nhà quan sát điều hành trang web Royal Watcher, cho biết chế độ quân chủ đại diện cho một liên kết thần bí với văn hóa và lịch sử. Trong thế giới mà trẻ em lớn lên với truyện cổ tích, các gia đình hoàng gia đương đại là hiện thân cho trí tưởng tượng của nhiều người.
Salman cho biết mặc dù nhiều quốc vương hiện đại không có nhiều quyền hành thực tế, những người này đóng vai trò quan trọng trong kiểm tra và cân đối quyền lực.
"Vai trò phi chính trị của các hoàng gia thậm chí mang đến cho họ sự ngưỡng mộ lớn hơn tính quyết định của chính quyền bầu cử", Salman nói.