Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ngày mai Mai cưới' - bản acoustic nhẹ nhàng về gia đình và tình bạn

“Ngày mai Mai cưới” khắc họa cuộc sống, suy nghĩ của một nhóm bạn trẻ ở vùng biển nghèo, nhưng đó là mẫu số chung mà rất nhiều người từng trải qua trong đời.

Đã lâu rồi, phim Việt mới lại có một câu chuyện đậm chất miền Tây bình dị như thế.

Những nốt thăng và trầm

Vẫn là khung cảnh miền Tây đầy chân chất, nhưng Ngày mai Mai cưới lại hướng đến những suy nghĩ, trăn trở mà chính người xem đôi lần vấp phải. Ở đó, nhân vật Mai (Diệu Nhi), Mành, Gừng, Bền (FAPtv) cùng sinh ra và lớn lên ở vùng biển quanh năm nắng gió. Họ có tính cách khác nhau nhưng chung chí hướng thoát khỏi gia đình, theo đuổi ước mơ của mình.

Là cô nàng nam tính, Mai nuôi mộng làm cảnh sát giao thông. Gừng muốn trở thành nhà thám hiểm đại dương, nhưng vì gia cảnh nên phải đi giao nước đá thuê. Bền muốn làm ca sĩ nhưng ước mơ chỉ là ước mơ khi cậu phải phụ gia đình nuôi nghêu. Mành bị mù màu đỏ, ôm mộng trở thành tỷ phú nhưng tréo ngoe là gia đình muốn anh đi tu. 4 mảnh ghép đại diện cho những hình ảnh của người trẻ trên con đường xây dựng hoài bão của mình.

Ngay mai Mai cuoi anh 1
Bộ tứ siêu quậy và hoàng tử điển trai trong “Ngày mai Mai cưới”.

Không thể không nhắc đến nhân vật Phong (Minh Beta). Vốn là thiếu gia trong một gia đình đầy đủ nhưng anh luôn cảm thấy thiếu điều gì đó trong cuộc sống tưởng như luôn màu hồng của mình. Phong là hình mẫu mà bao người muốn hướng đến, nhưng đâu phải ai cũng hiểu rõ “thiếu thốn” trong tâm hồn anh. Phong có nhiều thứ, chỉ duy tình yêu vẫn lỗi hẹn với anh.

Nếu như các nhân vật trên là những nốt thăng tươi vui thì hai nhân vật vợ chồng Tư Cào (Trung Dân - Cát Phượng) lại là nốt trầm. Họ đại diện cho thế hệ trước với những nỗi lo không tên, những mong muốn chưa thành. Xuất phát từ tình yêu thương, họ gửi gắm tất cả vào thế hệ sau nhưng lại vô tình đẩy con vào tình huống khó xử.

Ngay mai Mai cuoi anh 2
Vợ chồng Tư Cào khiến con gái nhiều lần lân vào tình huống khó xử.

Đó là khi trăn trở về cô con gái vẫn lông bông, vợ chồng Tư Cào tìm đường “giải ế” cho con. Đó là khi một loạt chàng trai “tiềm năng” được tuyển chọn và ép Mai xem mắt từng người. Đại diện cho thế hệ đi trước trong Ngày mai Mai cưới còn có cha mẹ của Mành, Bền, Gừng và Phong. Mỗi gia đình là mỗi câu chuyện, những nỗi lo khác nhau.

Bản nhạc của cảm xúc

Đạo diễn Nguyễn Tấn Phước đặt ra nhiều tình huống đầu phim và trả lời tất cả một cách nhẹ nhàng, khá hợp lý ở cuối phim. Dù rằng, đôi lúc phim còn dài dòng nhưng nhìn chung vẫn phù hợp cho mọi đối tượng khán giả.

Người trẻ thấy mình qua các nhân vật Mai và những người bạn. Người trung niên tấm tắc vì các nhân vật ba mẹ trong phim sao giống mình quá. Đan xen vào những trăn trở ấy còn là câu chuyện tình yêu đúng kiểu “hoàng tử và Lọ Lem”. Yếu tố này không mới mẻ nhưng đạo diễn vẫn quyết định lồng ghép vào phim một cách đời thường và hợp lý nhất có thể.

Ngay mai Mai cuoi anh 3
Mô-típ hoàng tử và Lọ Lem không nhàm nhờ được làm mới trong phim.

Cách các nhân vật xử lý tình huống không quá đà. Đặc biệt là tuyến nhân vật của FAPtv thể hiện, dù đôi lúc còn gượng nhưng vẫn tạo cảm giác thoải mái. Khán giả sẽ cười ngất khi thấy bộ ba này giúp Mai “xử lý” bản danh sách chồng tương lai; hay cách các anh chàng “ngại ngùng” khi bị ép cưới Mai.

Tuyến nhân vật giữa Mai và 3 người bạn dễ khiến chúng ta đồng cảm nhất. Họ là những người bạn cùng lớn lên, cùng quậy phá, nghịch ngợm. Rồi bỗng dưng, một ngày con bạn thân lâu năm ế chỏng chơ khoác lên mình chiếc áo cưới. Cái khoảnh khắc Mai bước ra với chiếc váy cưới trắng tinh khôi, khiến cho Mành, Bền, Gừng ngỡ ngàng và tiếc nuối vì trước đó không nhận ra nét nữ tính tiềm ẩn của cô bạn thân.

Ngay mai Mai cuoi anh 4
Diệu Nhi trong Ngày mai Mai cưới vẫn hài hước nhưng tiết chế và có chiều sâu hơn.

Nhân vật Mai có chuyển biến tâm lý phù hợp với từng giai đoạn trong phim. Cô nàng phải lựa chọn giữa chữ hiếu, tình bạn lâu năm và hạnh phúc cả đời người. Lâu rồi, khán giả không thấy Diệu Nhi đằm thắm lại sau các vai diễn trên sân khấu kịch. Diệu Nhi trong Ngày mai Mai cưới vẫn hài hước nhưng tiết chế và có chiều sâu hơn.

Có thể nhân vật Mai đã xuất hiện đâu đó trong các phim Việt trước đây, nhưng Diệu Nhi đã để nhân vật dẫn dắt cảm xúc rất tốt. Cảnh tươi vui, quậy tưng bừng bên những người bạn với các trò chơi kinh điển như tạt lon, đá gà, đánh nhau tả tơi; cảnh Mai đối đáp với cha mẹ để quyết định con đường của mình rất chân thật…, tất cả đều được Diệu Nhi xoay chuyển tâm lý rất tốt.

Ngay mai Mai cuoi anh 5
Tuyến nhân vật do FAPtv thể hiện mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả.

Lời thoại trong phim không sáo rỗng. Đôi chỗ, nhân vật còn thể hiện đúng tinh thần người dân miền Tây chất phác, sang sảng, nhiệt thành. Trung Dân và Cát Phượng đã làm tròn vai khi vừa góp tiếng cười cho phim, vừa mang đến nhiều phân đoạn khiến khán giả ngậm ngùi. Đó là lúc bà Thơm chuẩn bị từng chút một cho con gái về nhà chồng, xúc động chải tóc và căn dặn con lẽ phải. Đó là khoảnh khắc mà chính Cát Phượng cũng nhận xét là phân đoạn yêu thích nhất của cô.

Có thể nói, Ngày mai Mai cưới là một bản nhạc nhẹ nhàng, ấm áp mở màn cho mùa phim Việt sôi động cuối năm, cũng là một điểm cộng cho một năm phim Việt ngày càng khởi sắc.

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm