Trong khi đó, mẹ và vợ của Phan Quốc Việt cùng kháng cáo đề nghị hủy bỏ kê biên phong tỏa 54 sổ tiết kiệm, tổng cộng 432 tỷ đồng đứng tên họ.
Mẹ và vợ Phan Quốc Việt xin hủy kê biên 54 sổ tiết kiệm
Ngày 15/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 12 bị cáo trong “đại án” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Ông Long và ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) đều là cựu Ủy viên Trung ương Đảng, bị cơ quan tố tụng quy kết nhận hàng chục tỷ đồng từ nhóm lãnh đạo Công ty Việt Á. Tuy nhiên, ông Ngọc Anh, ông Thăng không kháng cáo.
Trước đó, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, phạt ông Long 18 năm tù tội “Nhận hối lộ”; Phan Quốc Việt 29 năm tù 2 tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Nguyễn Thanh Long. |
Các bị cáo: Nguyễn Huỳnh (cựu Phó trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) lĩnh 9 năm tù; Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) 8 năm tù; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) 7 năm tù; Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương 13 năm tù.
Hơn 20 người còn lại bị tuyên mức án từ 22 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 7 năm tù giam.
Sau phiên sơ thẩm, ông Nguyễn Thanh Long, Phan Quốc Việt, Nguyễn Nam Liên, Phạm Duy Tuyến… kháng cáo xin giảm nhẹ án phạt; 3 người kháng cáo xin hưởng án treo là Ngụy Thị Hậu (cựu phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang); Trần Thị Hồng (nhân viên Việt Á); Lê Hồng Xuyên (cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương).
Riêng cựu Phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp kháng cáo xin đánh giá lại tội danh.
Ngoài ra, Công ty Việt Á kháng cáo đề nghị không tịch thu sung công quỹ số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán kit xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không liên quan vụ án; doanh nghiệp này cũng yêu cầu các tổ chức mua kit xét nghiệm mà không qua thủ tục đấu thầu phải thanh toán tiền cho doanh nghiệp theo như hợp đồng đã ký kết; đề nghị hủy bỏ các biện pháp phong tỏa và hạn chế giao dịch với các tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp này và các công ty trong hệ thống của Việt Á không liên quan đến vụ án...
Trong khi đó, mẹ và vợ của Phan Quốc Việt cùng kháng cáo đề nghị hủy bỏ kê biên phong tỏa 54 sổ tiết kiệm, tổng cộng 432 tỷ đồng đứng tên họ. Các sổ tiết kiệm này bị cấp sơ thẩm đánh giá "đều là tài sản có được từ việc bán kit test xét nghiệm của Việt Á", tuyên tiếp tục kê biên đảm bảo thi hành án.
Sai phạm của bị cáo gây mất niềm tin trong dân, thiệt hại ngân sách
Bản án sơ thẩm xác định đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình trên, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó, trong đó có giao cho Bộ KH-\&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã đặt vấn đề, thống nhất với Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) về việc giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu với mục đích sử dụng kết quả Đề tài để sản xuất, bán thương mại kit xét nghiệm.
Ông Nguyễn Thanh Long cùng đồng phạm tại phiên sơ thẩm. |
Theo cơ quan tố tụng, trong năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước hơn 8,3 triệu kit. Doanh nghiệp này được thanh toán hơn 4,5 triệu kit xét nghiệm với tổng số tiền 2.250 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, cộng với các loại chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, giá thành sản xuất 1 kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng. Tuy nhiên Công ty Việt Á đã nâng giá khống lên gấp nhiều lần và được phía Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit xét nghiệm.
Cơ quan truy tố kết luận Công ty Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng.
Để được cấp phép sản xuất thương mại, Phan Quốc Việt cùng đồng phạm đã đưa hối lộ các cựu quan chức số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Số này có việc đưa hối lộ cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; Chu Ngọc Anh được biếu 200.000 USD; Phạm Xuân Thăng được biếu 100.000 USD...
HĐXX sơ thẩm cho rằng một phần nguyên nhân gây ra sai phạm của các bị cáo do trong khi cả hệ thống phải chống dịch bằng mọi cách thì sinh phẩm, vật tư y tế lại không có nên lâm vào thế "vỡ trận". Thời điểm này, dịch bệnh bùng phát cực kỳ nguy hiểm ở Việt Nam và trên thế giới khiến người dân hoang mang lo sợ.
Tuy nhiên, sai phạm của các bị cáo đã xâm phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.
“Hành vi của một số bị cáo là suy thoái tư tưởng, băng hoại đạo đức”, HĐXX đánh giá và cho hay, đã cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ và có chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị cáo phạm tội khi tham gia chống dịch nhưng không hưởng lợi hoặc hưởng lợi ít.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc những cuốn sách về Luật hình sự, Luật cư trú, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự tại Tủ sách pháp luật.