V
ới Nguyễn Hạnh Trang (23 tuổi), đây là năm cô có nhiều thay đổi nhất: Bắt đầu sống xa gia đình, có nơi ở của riêng mình, có công việc chính thức đầu tiên, một mối quan hệ tình cảm nghiêm túc và lần đầu "góp Tết" với bố mẹ.
Năm nay, Trang không còn là cô bé con giơ tay nhận lì xì của chú bác, không còn bị ông anh xoa đầu gọi nhóc, cũng chẳng còn được bố mẹ dắt đi chúc Tết họ hàng và trìu mến nói "Nó còn bé lắm" nữa.
Cô gái 23 tuổi tự biết mình đã lớn. Tết năm nay, cô sẽ dùng số tiền được thưởng cuối năm mua cho bố đôi giày mới, tặng mẹ bộ áo dài thật đẹp và chiêu đãi cả nhà bữa tất niên thật ngon.
Giữa tiết se lạnh chỉ đủ ấp ủ những nụ hoa giữa sương đêm lóng lánh, ngồi giữa căn phòng xinh xắn do chính mình trang trí, sắp xếp lại những công việc cuối năm cần làm, Trang duỗi tay chân ra tứ phía để cảm nhận sự tĩnh lặng trưởng thành thuộc về riêng mình.
S
inh ra và lớn lên ở làng hoa Nghi Tàm, nơi mà "Ngày rằm phiên chợ Yên Quang/ Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua", từ bé Trần Minh Thảo (22 tuổi) đã được bà và mẹ dạy những bài học dành riêng cho con gái ở đất Tràng An.
Ngày đó, tuổi thơ của cô bé lớn lên tại “Đồng Hoa” là khu vườn xanh mướt cây cối, nơi luôn luôn tràn ngập các loài hoa như ngọc trâm, bạch trà, cẩm cù, thu hải đường, lan Ý, thủy tiên, hồng bạch, huệ nhung... Vườn nhà mùa xuân luôn ngập những sắc hoa nhẹ nhàng, mùi hương ý nhị, đậm chất Hà Nội của những ngày nắng đầu năm trong veo.
Năm nào cũng thế, cứ khoảng 23 Tết, cô lại được mẹ hướng dẫn cắt lấy những cành đẹp nhất của dải ngọc trâm trắng muốt đang đơm nụ nõn nà, đặt trong bát thủy tinh Tiệp Khắc rồi bày lên bàn uống nước.
Nhiều năm sau, khi đã lớn, dù có đi đâu, chỉ cần nhìn thấy dáng hoa Ngọc Trâm quấn quýt đẹp thanh khiết và an tĩnh, Thảo lại nhớ mẹ, bà, và ngôi nhà nhỏ ven Hồ Tây tha thiết.
Nếu những ngày Tết anh trai phải phụ mẹ quét dọn vườn tược, thì cô bé Minh Thảo lại được theo cha tung tăng đi mua cành đào.
Người Hà Nội không bao giờ chọn những cây đào hoành tráng, mà chỉ mua những cành thật nhiều nụ, lá non để có thể chơi thật lâu trong những ngày xuân.
Cũng đừng quên tìm mua cho được vài củ thủy tiên đẹp như ý để bày bàn thờ gia tiên. Dù lặng lẽ, bé nhỏ, nhưng không có gì có thể gìn giữ được vẹn nguyên nét văn hóa thanh tao của người Tràng An hơn loại hoa trắng muốt, tinh khôi này.
Con gái Hà Nội luôn được dạy dỗ những nết nữ công gia chánh cẩn thận tới từng chi tiết. Ví như mùa cam canh đầu năm, sau khi ăn hết những trái cam tròn dẹt nhỏ xíu sẽ giữ lại vỏ, mang hong nắng xuân cho khô cong, đun nươc sôi già, thả vào ngâm liu riu, rồi ra được thứ nước đậm mùi tinh dầu cam dùng lau bàn thờ tổ cho sạch thơm.
Trước ngày ông Táo chầu trời, mẹ sẽ hướng dẫn cách ngâm những quả bồ hòn khô, rồi nhẹ nhàng dùng tay bóp cho ra hết thịt, sau đó lọc vài lần qua vải xô để lấy một chậu nước cất, vắt thêm vào đó mấy quả chanh, dấm táo hoặc đập dập vài cây sả.
Thứ nước này dùng để giặt rèm cửa, chăn màn, ga gối; còn thừa thì pha loãng lau cửa nẻo, sân nhà, vừa thơm mát lại tinh khiết, đẩy sạch đi những mùi ẩm mốc dễ nồm của tiết trời mùa xuân.
Chớ quên con gái Hà Nội còn phải biết học cách làm từng món ăn trên mâm cơm cúng Tết. Bữa ăn đầu xuân thường có 4 bát, 6 đĩa với đủ các món giò, nem, ninh, mọc.
Mẹ và bà thay nhau hướng dẫn cô gái nhỏ cách nấu bát canh bóng truyền thống, mà ở đó su hào, cà rốt phải được tỉa hình các loại hoa để khi ăn được thưởng thức từ màu sắc, hình ảnh đến hương vị. Miếng bóng khi thưởng thức không được nát, ngấm mùi tôm he ngay từ đầu lưỡi.
Đừng quên món măng nấu móng giò, với miếng móng giò không được nát, có độ mềm vừa phải, miếng măng phải quyện được vị béo của móng giò và vị đặc trưng riêng của măng khô: hăng nồng nhưng ngon ngọt.
Món nem truyền thống cũng phải chọn loại bánh đa mỏng được gói trong lá su hào mềm dai. Nguyên liệu là những miếng hành tây thái nhỏ, su hào, cà rốt, mộc nhĩ thái chỉ, thịt xay nhuyễn. Những chiếc nem cuốn đều tay, tròn đều, rán lửa liu riu để nhân bên trong chín kỹ nhưng vỏ ngoài lại giòn rụm.
Cứ thế, tuổi thơ của các cô gái vào đầu xuân gắn liền với những lời dặn dò, hướng dẫn của bà, của mẹ. Thật diễm phước nếu mỗi cô bé đều được ở trong một ngôi nhà có đủ 3 thế hệ phụ nữ.
Và hạnh phúc biết bao nếu được chỉ dạy những bài học về nết ăn - nết ở từ những người yêu thương trong suốt quãng đời con trẻ. Sợi dây gia đình bà - mẹ - con gái hóa ra là sợi dây vô hình nối liền những tình thương mãi mãi không bao giờ lìa xa.
19 tuổi, Quỳnh Vy tạm biệt cha mẹ lên đường du học. Cái lạnh khắc nghiệt giữa trời Bắc Âu trong những ngày đầu năm khiến cô biết mình đã thật sự rời xa vòng tay của người thân. Cảm giác nao lòng nhớ những khoảnh khắc sum họp gia đình, thèm cái Tết đoàn viên khiến cô gái nhỏ phải chấp nhận rằng mình đã lớn.
Mùa xuân ở Phần Lan vẫn là tuyết trắng miên man phủ lấp mọi con đường. Cái lạnh mà cô bé ngày nào từng háo hức muốn được trải nghiệm bỗng như cắt da cắt thịt, cứa từng vết rất sâu vào ký ức về một cái Tết ấm áp tình thân ở quê nhà.
Thật ra năm mới ở nơi xứ người không quá thiếu thốn. Cũng có những chiếc bánh chưng mua ở chợ Việt, con phố người Hoa trang hoàng ngày xuân, mâm cơm cúng đầy đủ xôi, gà,... nhưng lại thiếu cái ôm ấm áp của mẹ, nụ cười hiền hậu của cha, và cảm giác là cô gái nhỏ trong vòng tay gia đình.
Giữa khung cảnh ngày đông tuyết trắng xóa ngoài kia, dưới bầu trời cách xa Việt Nam cả nghìn cây số, mà không khí xuân dường như cũng đang len lỏi vào từng giác quan, vào từng tế bào.
Có nhắm mắt thôi cũng thấy được khung cảnh nhộn nhịp của dòng người trên phố đi sắm Tết; những bông hải đường còn đang chúm chím e thẹn theo chân các cô, các mẹ về nhà; những cây quất với lộc non đầy ăm ắp trên cành, xen lẫn các chùm quả vàng ươm chín mọng.
Mạng xã hội cũng thấy tràn ngập không khí Tết, các bữa tiệc tổng kết, người người tất niên, nhà nhà gói bánh chưng, phố phường được trang hoàng lộng lẫy.
Vy biết, sống tự lập nghĩa là mỗi buổi sáng thức dậy, cảm giác đầu tiên sẽ là sự cô đơn, rồi tự hỏi mình đang ở đâu và sắp làm gì. Nhìn ra cửa sổ thấy sương lạnh buốt và biết mình có một ngày dài để chiến đấu.
Mùa xuân của cô gái sống xa nhà là lần đầu tiên tự nấu lấy bát miến dong giống mẹ dạy ở nhà, cũng tự đi chợ mua bánh đa về cuốn những chiếc nem để dành ăn mấy ngày Tết, tụ tập mấy đứa bạn mua lá dong, đỗ xanh về tập tành gói bánh chưng. Ấy vậy mà mùi vị không sao giống được mâm cơm với gia đình thuở bé.
Lớn lên nghĩa là biết cơm trắng ngon hơn pizza; mì Ý không bằng đĩa cá kho; KFC, McDonald không sánh được với con gà luộc đơn thuần. Lớn lên là đi nhà hàng nhìn menu dài dằng dặc chỉ thấy thèm mâm cơm đơn giản mẹ nấu.
Du học là làm gì cũng lủi thủi một mình nhìn gia đình sum họp, vui vầy lễ tết, còn mình lo "cày bừa", làm thêm, đi học.
Trưởng thành là nhìn theo cái vẫy tay của bố mẹ qua màn hình chat, là nụ cười và lời chúc trên mạng xã hội, là nước mắt sau lớp chăn bông, là tự hứa sống thật tốt để trở về, là thời gian rất dài, là một cô gái nhỏ biết mình đã thật sự bước vào đời.
L
àm người lớn dường như chưa từng là hành trình vui vẻ. Đó là chặng đường mà mỗi cô gái phải quen với những vất vả, áp lực, cô đơn, đôi khi là sự trầm buồn của mùa xuân.
Rời ghế nhà trường, bắt đầu sự nghiệp tại Sài Gòn, đối với An Nguyên (26 tuổi) thì những ngày xuân đầu năm lại là thời điểm quay cuồng với công việc, deadline, những cuộc hẹn gặp gỡ đối tác, khách hàng.
Tiết xuân lất phất mưa phùn, đâu đó không khí mua sắm nhộn nhịp, mùi vị của thức quà Tết thân quen bắt đầu chạm ngõ mùi nhà, An Nguyên vẫn đang cố gắng hoàn thành từng mục tiêu để có thể tự hào khoe cha mẹ, gia đình về thành tựu đạt được sau một năm hăng say làm việc.
Ngẩn ngơ cô chợt phát hiện ra, vài năm lại đây hình như mình không còn thích mùa xuân nữa.
Vị năm mới của sự trưởng thành sao cứ làm người ta thấy cô đơn, lạc lõng đến nao lòng. Chẳng còn cái háo hức chờ nghỉ Tết của thời đi học, cũng chẳng còn cái hớn hở mua sắm, chờ lì xì... Tết của những năm tháng trưởng thành có lẽ gắn với nhiều trách nhiệm, mối lo, tính toán thiệt hơn trong cuộc sống.
Năm nay, An Nguyên sẽ lần đầu mừng tuổi ông bà bằng tiền mình kiếm được. Cô dành ra một khoản, dù không lớn, gửi bố mẹ sắm Tết. Cô sẽ phải đối mặt với những câu hỏi quen thuộc từ họ hàng: "Bao giờ lấy chồng?". Cô sẽ thấy những đứa bạn thân thiết xưa kia ôm con đi nhà ngoại - nhà nội.
Nếu mùa xuân của tuổi nhỏ là niềm vui trong sáng khi được nuông chiều và ủ ấm trong tình thân, thì mùa xuân của tuổi trưởng thành là khi đã vững chãi lớn lên, trở thành chỗ dựa cho gia đình, là bao bọc cha mẹ lại bằng sự cố gắng của mình.
Mùa xuân này của cô gái 26 tuổi chẳng còn mang màu sắc mộng mơ con trẻ, nó mang màu sắc của cuộc đời: thực dụng và vất vả.
Và Nguyên bỗng hiểu, để đánh đổi được nụ cười vô tư của cô ngày bé, bố mẹ đã trải qua thật nhiều cố gắng. Và cô cũng đang tự tay viết tiếp những chương hạnh phúc của riêng mình bằng cách hết lòng dựng xây một cuộc sống khác.
30 Tết, bỏ lại những bộn bề công việc, cô trở về Hà Nội. Bởi vì mùa xuân sinh ra dành cho những nụ cười sum họp, của những buổi tất niên, nơi người thương tìm về bên nhau, ôn lại kỷ niệm, nhắc lại niềm vui và sẻ chia nỗi buồn.
Bởi vì năm mới có nghĩa là được trở về, nấu với mẹ mâm cơm, tưới giùm bố luống hoa, cùng em gái đi phiên chợ Tết. Chẳng có gì hạnh phúc bằng một cái Tết đoàn viên, chẳng có gì an nhiên bằng mùa sum họp. Và vị xuân dù vơi đầy hay nồng nhạt thì ý nghĩa ấm êm của năm mới sẽ chẳng bao giờ thay đổi.
Xin cảm ơn gia đình về một tuổi thơ ngây thơ và đủ tin yêu. Xin cảm ơn những năm tháng xa nhà để biết rằng dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng con gái vẫn luôn có một nơi để quay về. Xin cảm ơn bạn hữu vì một tuổi trẻ đủ tin yêu để dù có chuyện gì cũng có thể bắt đầu lại từ đầu. Con gái cũng xin cảm ơn chính mình vì đã đủ dũng cảm, thành thật, tử tế trong quá trình lớn lên và trưởng thành.
Và mùa xuân, cảm ơn vì luôn là mùa của vạn vật khởi đầu, của sắc thắm hoa thơm, là thời điểm mà sau những tháng ngày vội vã chạy theo bận rộn của cuộc sống, con gái được bước chậm lại, để thêm yêu thương chính mình và chuẩn bị cho một hành trình mới phía trước, với rất nhiều những bài học và sự háo hức đầy thú vị.
Dù ở đâu trên mọi miền đất nước, Tết với con gái cũng vô cùng đặc biệt. Đặc biệt vì kéo theo bao công việc không tên, bao nghĩa vụ cao cả và nhiều lắm nỗi niềm: háo hức, bồi hồi, hạnh phúc, có đôi lúc xen cả những lắng lo rất mực đời thường. Cũng bởi thế, Tết không chỉ chở theo kỷ niệm mà còn là “người bạn đồng hành” dõi theo sự trưởng thành của con gái.
Ngay từ bây giờ, bạn có thể kể câu chuyện cùng Tết lớn lên của chính mình qua “Tết với con gái” – cuộc thi do báo điện tử Zing.vn tổ chức và nhãn hàng Diana tài trợ. Cuộc thi bắt đầu từ 29/1 đến 1/3 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trên Zing.vn vào ngày 8/3. Độc giả truy cập tại đây và làm theo hướng dẫn để gửi bài dự thi.