11h05. Chuyến xe chở cháu Thạch dừng trước ngôi nhà nhỏ tại thôn Trang, xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Xe chưa dừng hẳn, người dân trong xóm đã từng tốp kéo đến rất đông. Họ đều là người thân, hàng xóm của Thạch, ngóng chờ cháu về từ rất lâu.
Bà Bùi Thị Dưỡng, bác dâu của Thạch, là một trong những người tới sớm nhất. Bám vào thành xe, bà Dưỡng rưng rưng thủ thỉ: “Con ơi, con được xuất viện về nhà rồi. Không sao rồi”.
“Cháu không chào được nhưng cũng nhận ra tôi. Khi nãy nó vừa cười đấy”, bà Dưỡng không giấu nổi niềm hạnh phúc, vội khoe với những người bên cạnh.
Người dân trong xóm từng tốp kéo đến rất đông khi nghe tin Thạch được xuất viện. Ảnh: Nguyễn Liên/VietNamNet. |
Sau 2 năm kể từ khi mắc viêm não Nhật Bản và rơi vào trạng thái sống thực vật, đến tháng 10/2019, cháu Bùi Ngọc Thạch (sinh năm 2004) bất ngờ có những phản xạ cho thấy hệ thần kinh trung ương dần hồi phục.
Từ bất động hoàn toàn, mắt mở vô hồn, phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, Thạch bắt đầu cử động được mắt, miệng, ngón chân, có thể nhận ra người quen và đáp ứng rất tốt các câu hỏi của bác sĩ. Thậm chí, cháu cười rất tươi khi được bác sĩ yêu cầu.
Đến cuối tháng 11/2019, bệnh nhân đã cai được máy thở nhưng vẫn cần ống thở kết nối oxy để hỗ trợ. Trung tuần tháng 12, bệnh nhân tiếp tục cai được oxy hoàn toàn. Hiện cháu Thạch có thể tự hô hấp qua đường ống thở ở cổ. Ống này giúp tách biệt đường thở với đường ăn uống, tránh tình trạng bệnh nhân bị sặc.
Bên cạnh đó, Thạch cũng có thể cử động chân tương đối tốt, biết co duỗi linh hoạt khi được vệ sinh cá nhân. Tay cháu bé cũng bắt đầu có cử động. Hiện, Thạch ăn uống được, tuy không nhiều, phản xạ nuốt rất tốt.
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người đồng hành cùng Thạch gần 2 năm nay, gọi những chuyển biến của cháu là “sự hồi phục ngoài sức tưởng tượng”.
Bác sĩ Hoàng Công TÌnh tư vấn cho người nhà bệnh nhân cách chăm sóc cháu bé. Ảnh: Nguyễn Liên/VietNamNet. |
“Di chứng của viêm não Nhật Bản rất nặng nề. Đa số trường hợp như cháu Thạch có rất ít hy vọng sống. Việc cháu tỉnh lại đã là một sự thần kỳ, cai được máy thở, oxy và dần phục hồi như ngày hôm nay lại là một điều ngoài sức tưởng tượng nữa”, bác sĩ Tình chia sẻ.
Với những chuyển biến tích cực, Thạch được các bác sĩ cho xuất viện để về quê ăn Tết với gia đình.
Người ngóng chờ nhiều nhất những ngày này khi nghe tin Thạch được xuất viện có lẽ là bà Bùi Thị Hòa (SN 1964), mẹ của cháu. Mắc bệnh cao huyết áp, lại thêm việc phải lo kinh tế và chăm đứa con út còn nhỏ, bà Hòa ít khi được ở lại viện với Thạch.
“Ngày nào tôi cũng phải gọi cho bố nó mấy cuộc để hỏi tình hình con. Nhiều lúc ra ngoài ngõ, thấy các cháu trong làng đi học về, tôi lại nhớ con đến ứa nước mắt”, bà Hòa xúc động nói.
Nghe tin con sắp xuất viện, suốt mấy hôm nay, bà Hòa gần như không thể ngủ: “Vừa mừng, vừa hồi hộp. Chỉ mong con sống mạnh khỏe, bố mẹ có vất vả bao nhiêu cũng không sao”, bà Hòa nói.
2 năm nay, cả gia đình Thạch cũng không có một cái Tết nào trọn vẹn.
Bà Hòa không giấu được sự xúc động khi nhắc đến con trai. Ảnh: Nguyễn Liên/VietNamNet. |
Đi theo chăm con từ những ngày đầu nhập viện, vất vả đêm ngày đã đành, phải nhìn con nằm bất động, vô hồn giữa cái hân hoan của ngày Tết là điều ông ông Bùi Văn Diệt (sn 1962), bố cháu Thạch xót xa nhất.
“Thương và nhớ con tới nỗi ăn không được, ngủ cũng không được. Đáng ra giờ đó cháu phải được vui vẻ, sum vầy cùng gia đình. Tôi luôn tự động viên bản thân phải cố gắng mạnh mẽ để đồng hành cùng con. Khi con khỏe rồi, sẽ còn nhiều cái Tết hạnh phúc sau này”, ông Diệt bảo.
Tết năm nay, có lẽ ông Diệt đã thực hiện được phần nào mong ước. Thạch tiến triển một cách “ngoài sức tưởng tượng” - đó có lẽ là sự bù đắp lớn nhất cho tất thảy những vất vả của vợ chồng ông Diệt trong suốt 2 năm qua.
“Tôi nói với cháu là con sắp được xuất viện, về nhà ăn Tết rồi. Nếu con vui thì nháy mắt 3 cái nhé. Thế mà cháu hiểu và nháy mắt. Suốt đêm qua, cháu vui tới nỗi 4h sáng mới chịu đi ngủ. Tôi cũng hạnh phúc tới không thể ngủ được”, ông Diệt tâm sự.
Trong chuyến xe đưa cháu Thạch về quê, ngoài gia đình ông Diệt, còn có rất đông các bác sĩ trong khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi cháu đã gắn bó gần 2 năm.
Bác sĩ Tình cho biết trước đó, anh và các đồng ngiệp đã nhiều lần về thôn Trang để khảo sát, giúp gia đình chuẩn bị, sửa sang lại phòng ốc đón bệnh nhân.
“Chúng tôi có một nhóm chat riêng về cháu Thạch trên mạng, mỗi giờ lại chia sẻ các thông số sức khỏe của cháu để cùng hội chẩn, đưa ra hướng điều trị. Khi cháu xuất viện, chúng tôi cũng yêu cầu người nhà liên tục cập nhật tình hình để theo dõi sức khỏe cháu từ xa”, bác sĩ Tình chia sẻ.
Sau một thời gian nghỉ ngơi ở nhà, Thạch sẽ tiếp tục lên viện để tập phục hồi chức năng cùng các bác sĩ.
“Trước mắt, chúng tôi tập trung giúp Thạch ăn uống tốt hơn để phát triển thể trạng, dần dần rút ống thở ở cổ, giúp cháu có thể nói được. Sau đó, cháu sẽ tiếp tục lộ trình phục hồi chức năng, hướng tới mục tiêu đi lại được”, bác sĩ Hoàng Công Tình thông tin.