Chiều 13/10, bác sĩ Hà Hồng Anh đã ổn định việc sinh hoạt tại một khách sạn ở Hà Nội, nơi cô và hơn 60 y, bác sĩ khác của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thực hiện cách ly y tế.
Sau gần 2 tháng vào TP.HCM hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, nữ bác sĩ trẻ thở phào bởi đã được trở về gần với gia đình. Thế nhưng, cô cũng rất nhớ những người đồng nghiệp của mình tại "chiến tuyến" Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức).
"Trở về Hà Nội, tôi thật sự thấy quyến luyến và nhớ những người đồng nghiệp tại TP.HCM. Dẫu vậy, niềm vui của tôi lại nhiều hơn bởi sắp được đoàn tụ với người thân. Ngoài ra, sự trở về của tôi cũng có nghĩa tình hình dịch bệnh ở miền Nam đã ổn định", Hồng Anh chia sẻ cùng Zing.
Hồng Anh (thứ 4 từ trái qua) cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. |
Chống dịch
Ngày 24/8, Hồng Anh theo đoàn 65 người từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương lên đường vào TP.HCM làm nhiệm vụ tại Khoa 9B, Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nơi tiếp nhận điều trị những F0 thể nặng hoặc nguy kịch.
Là bác sĩ nội khoa, đã được tập huấn và cũng như làm việc tại các khoa hồi sức - cấp cứu, Hồng Anh vẫn khá bối rối khi phải đối mặt với Covid-19.
Để có thể đáp ứng công việc, cô đã phải học hỏi, nghiên cứu thêm kiến thức, đồng thời nhận sự trợ giúp từ các đồng nghiệp có chuyên môn.
Hồng Anh vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch từ 24/8 đến 10/10. |
"Trước khi nhận nhiệm vụ, cả đoàn chúng tôi đã họp và thảo luận rất nhiều, tập huấn cho nhau từ các kỹ năng nhỏ nhất như mặc đồ bảo hộ ra sao, rửa tay thế nào…
Thậm chí, chúng tôi cũng đã tính toán rằng nếu chẳng may trở thành F0, nhân viên y tế vẫn sẽ làm việc nếu sức khỏe cho phép", cô cười và nói.
Theo Hồng Anh, trong quá trình làm việc, điều khó khăn nhất đối với cô chính là phải mặc đồ bảo hộ trong 7 giờ liên tục.
Thời tiết nắng nóng tại TP.HCM kèm theo việc phải di chuyển tất bật giữa các buồng bệnh, Hồng Anh không tránh được nỗi mệt mỏi, căng thẳng.
"Thời gian đầu chưa quen công việc, tôi thấy mệt lắm, cứ hết ca trực là lăn ra ngủ, không muốn ăn uống gì. Nhiều lần mồ hôi làm mờ cả mắt kính, tôi phải khắc phục bằng cách đi lại loanh quanh nhiều lần để làm khô hơi nước. Ngoài ra, sau ca trực đêm, chúng tôi phải tắm bằng nước lạnh. Đây thực sự là điều rất khó khăn, đặc biệt với những bạn nữ", Hồng Anh chia sẻ.
Phút nghỉ ngơi của Hồng Anh (bên trái) sau ca trực. |
Có mặt tại TP.HCM vào những tháng ngày dịch bệnh dữ dội nhất, Hồng Anh đã chứng kiến cảnh khốc liệt từ bên trong nơi bệnh viện tuyến đầu.
Cô tâm sự Bệnh viện Hồi sức Covid-19 những tháng 8, tháng 9 chưa khi nào trống giường bệnh. Vừa mở thêm khoa mới, các bác sĩ đã lập tức tiếp nhận bệnh nhân.
Tất cả đều cố gắng điều trị để luân chuyển bệnh nhân nhanh và nhiều nhất có thể.
"Chúng tôi bảo nhau không được từ bỏ bất kỳ cơ hội nào dù là nhỏ nhất để cứu sống bệnh nhân. F0 vào viện rất cô đơn, họ bệnh nặng nhưng không có người thân giúp đỡ, động viên. Nhân viên y tế, tình nguyện viên chúng tôi vừa điều trị, vừa khích lệ tinh thần họ. Nhiều bác sĩ trước đây chưa từng thay bỉm, tã hay vệ sinh cho người nhà, thế nhưng khi vào đây, họ không nề hà làm giúp người bệnh", Hồng Anh cho hay.
Hồng Anh chăm sóc cho một bệnh nhân Covid-19 cao tuổi. |
Dù đã trở về Hà Nội, Hồng Anh vẫn nhớ như in cảm giác và những kỷ niệm khi làm nhiệm vụ tại TP.HCM.
Có ngày cô tiếp nhận gia đình 3 thế hệ cùng nhập viện. Sau thời gian điều trị, cả nhà đã cùng khỏi Covid-19 và được xuất viện về nhà. Đó chính là nguồn động lực rất lớn lao để nữ bác sĩ trẻ cùng đồng nghiệp chiến đấu bền bỉ hơn với đại dịch.
"Thế nhưng cũng có những kỉ niệm rất buồn. Tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân còn trẻ nhưng không thể vượt qua căn bệnh, có nhiều người khác mất cả gia đình. Còn có cả những người mẹ qua đời ngay trên giường bệnh mà không kịp nhìn con sơ sinh. Đó là những câu chuyện khiến tôi ám ảnh rất nhiều, đúng là lằn ranh giữa sự sống và cái chết quá mong manh", Hồng Anh nghẹn ngào.
Hồng Anh (ở giữa) cùng trưởng khoa và điều dưỡng trưởng Khoa 9B, Bệnh viện Hồi sức Covid-19. |
Trở về
Hồng Anh đang thực hiện cách ly tại khách sạn trong 7 ngày, chờ đợi được đoàn tụ cùng gia đình. Cô sẽ không phải trò chuyện cùng cha mẹ qua chiếc điện thoại nữa, có thể được ngồi cùng ăn cơm thỏa nỗi nhớ suốt 2 tháng qua.
“Những ngày còn ở TP.HCM, tôi đã rất nhớ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp ở Hà Nội. Tôi thường gọi điện về nhà sau mỗi ca trực, thông báo cho cha mẹ kết quả âm tính của mình để mọi người yên tâm. Nhiều lần vì nhớ nhà quá, tôi bật khóc vì tủi thân”, cô kể lại.
Kỷ niệm tại đón Tết Trung thu tại Khoa 9B, Bệnh viện Hồi sức Covid-19. |
Hồng Anh đặt chân xuống Sân bay Nội Bài chiều 10/10, được Hà Nội đón chào bằng tiết trời se lạnh, có mưa của những ngày cuối thu. Nữ bác sĩ hy vọng tuần cách ly sẽ là khoảng thời gian cô nghỉ ngơi, chuẩn bị quay lại nhịp sinh hoạt và trạng thái công việc bình thường.
“Dịch bệnh tại TP.HCM đã được kiểm soát hiệu quả nhưng số ca bệnh vẫn xuất hiện nhiều trong cộng đồng. Tôi biết những đồng nghiệp của tôi ở trong miền Nam vẫn rất vất vả. Tôi tin chắc chắn họ vẫn sẽ kiên cường cho đến khi bệnh nhân Covid-19 cuối cùng xuất viện”, nữ bác sĩ nói.