“Tôi được đặc xá, tha tù hơn một năm qua, có báo nhắc lại chuyện ngày xưa của tôi nhưng mà lại nhắc sai. Họ nói tôi liên quan đến đường dây gái gọi trong khi bản án không hề đề cập, tôi không hề liên quan. Có người khuyên tôi gửi đơn đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý việc báo nêu không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tôi nhưng tôi không làm đơn khiếu nại vì không muốn gây ân oán với ai hết...", Trần Văn Thuyết (Thuyết “buôn vua”) bộc bạch.
Ông Thuyết thấy thanh thản sau ngày đặc xá. |
Tôi không "buôn vua"
- Được đặc xá sau 13 năm thụ án, ông mất bao lâu để hòa nhập với cuộc sống?
- Tôi chấp nhận thực tại và luôn luôn phấn đấu để vượt lên. Lúc tôi đang thụ án, tôi xác định cuộc sống là một dòng nước chảy, mình dừng lại sẽ thành ao tù. Khi ra tù, cuộc sống có nhiều thay đổi so với trước thì tôi phải điều chỉnh cho phù hợp dần. Hình ảnh của tôi trong vụ án Năm Cam quá nặng nề với biệt danh Thuyết “buôn vua” với 20 năm tù về tội Đưa hối lộ và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Khi được xét đặc xá trở về, ngoài việc kinh doanh Hi-End (dàn âm thanh cao cấp), tôi dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè thân tình. Do tình hình kinh tế khó khăn chung nên việc kinh doanh của tôi vừa đủ trang trải cho gia đình. Vậy mà có báo thêu dệt là tôi tiêu tiền tỷ mỗi ngày. Cũng có báo nói tôi thu mua các loa ở các phường, xã rồi tân trang lại bán kiếm lời hàng trăm triệu (!?).
- Vì sao ông có biệt danh “buôn vua”?
- Bản thân tôi không biết và cũng thắc mắc với biệt danh đó khi tôi bị bắt trong vụ án Năm Cam. Về cá nhân, tôi thích biệt danh đó vì chả mất tiền mà được có thương hiệu “buôn vua”. Nhưng với biệt danh đó, xã hội mất nhiều hơn vì có người “buôn vua, bán chúa”, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với Nhà nước.
Tôi sinh ra trong gia đình cách mạng. 18 tuổi tôi vào ngành công an, 10 năm sau tôi chuyển ngành làm việc ở công ty đại lý vận tải Hà Nội rồi sau đó chuyển sang kinh doanh điện tử. Trước khi bị bắt tôi chưa hề vi phạm pháp luật, chỉ một lần sai phạm tôi phải lãnh án 20 năm tù.
Vào thời điểm năm 1995, tôi không biết Năm Cam là ai và ông ấy không nổi đình nổi đám khi vụ án Năm Cam xảy ra vào năm 2000. Lúc đó, một người quen nói tôi là có Dương Ngọc Hiệp (Hiệp “phò mã”) kêu oan cho bố vợ là Năm Cam.
Do bận công việc, người này nhờ tôi giúp. Tôi nhờ anh Nguyễn Thập Nhất (nguyên trưởng phòng Kiểm sát giam giữ cải tạo VKSND Hà Nội) xem trường hợp này có oan hay không. Anh Nhất cho rằng dưới góc độ luật, nội dung thì chưa thể nói đúng sai nhưng về mặt hình thức thì có vấn đề.
Anh Nhất thảo đơn giúp Hiệp gửi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan ngôn luận. Khi vụ án Năm Cam xảy ra, thật lòng tôi không nghĩ là mình bị bắt. Lúc đó, với suy nghĩ chủ quan của tôi rằng việc tôi giúp Năm Cam ngày trước chưa cấu thành tội phạm.
Ông Thuyết và người con gái lớn sau khi ông được đặc xá trở về. |
Tin vào luật nhân quả
- Những điều ông suy nghĩ nhiều sau khi đoàn tụ với gia đình?
- Theo tôi, bản án 20 năm tù là quá nặng với hành vi của tôi. Hình ảnh của tôi trong vụ án Năm Cam quá nặng nề với biệt danh Thuyết “buôn vua” với 20 năm tù về tội Đưa hối lộ và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Không chỉ tôi mà các phạm nhân trong vụ án Năm Cam ngoài việc chấp hành hình phạt nghiêm khắc còn phải chịu áp lực dư luận khá nặng nề.
Nhiều thông tin trên báo nhắc lại chuyện ngày trước, nhất là chuyện tình ái có nhiều thông tin không đúng sự thật không chỉ làm họ mà gia đình họ cũng bị tổn thương. Tôi mong các nhà báo có cái nhìn khách quan và độ lượng cho chúng tôi.
Pháp luật có thể không soi rọi hết nhưng lương tâm tôi thanh thản sau khi đặc xá trở về. Tôi không còn mong muốn hơn thua mà tin vào luật nhân quả, ai gieo gió rồi gặt bão… Điều tôi vui và hạnh phúc nhất trong thời gian tôi thụ án là các con tôi đều lo học hành và trưởng thành. Đứa con gái lớn, khi tôi bị bắt mới hơn 11 tuổi vào trại thăm tôi trước khi cháu một mình đi du học ở Anh. Cháu bảo: “Điều mà bố chưa làm được thì con sẽ làm thay bố…”. Lúc đó nghe con nói, tôi vừa cảm động mà lòng quặn đau vì không tròn trách nhiệm làm cha, khi con cần có cha bên cạnh để chăm sóc, lo lắng thì tôi lại phải rơi vào vòng lao lý…”.
Ông Thuyết kinh doanh âm thanh Hi-End. |
Khi có dịp về Việt Nam, cháu đến thăm và động viên an ủi, điều đó càng giúp tôi phấn đấu cải tạo để sớm được đoàn tụ với gia đình. Khi tôi về, con gái lớn đã tốt nghiệp đại học luật ở Anh và hiện làm tại công ty luật nước ngoài ở Hà Nội. Đứa con gái út thì đang học năm thứ ba Học viện Ngoại giao.
- Gia đình ông ở Hà Nội, ai là người thường xuyên thăm nuôi trong suốt thời gian cải tạo ở phía Nam?
- Sau khi tôi bị bắt, vì nhiều lý do khác nhau tôi và những người phụ nữ của tôi lần lượt rời xa. May mắn cho tôi, một phụ nữ đã thầm yêu tôi từ 20 năm trước, lúc tôi có nhiều bóng hồng vây quanh thì người này đứng bên lề cuộc đời tôi. Khi tôi bị bắt và thụ án ở phía Nam, cô ấy đã từ Hà Nội vào TP HCM mở quán ăn, tần tảo kiếm tiền để thăm nuôi hằng tháng. Có những cái tết cô ấy vào trại giam thăm và ăn tết cùng với tôi.
Mỗi khi có dịp đặc xá, cô ấy thấp thỏm mong chờ và cuối cùng ngày đó cũng đã đến. Đây là người phụ nữ cuối cùng của đời tôi và tôi đang làm hết sức để đáp lại tấm chân tình này.