19h nhưng tại Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM vẫn còn phụ huynh và thí sinh ngồi đợi trường cập nhật danh sách cuối cùng.
Một phụ huynh đến từ Vũng Tàu tâm sự: “Hai mẹ con vừa đi rút hồ sơ bên Đại học Bách khoa và nộp sang đây. Con tôi thi được 22 điểm, ngày hôm qua còn ở ngưỡng an toàn, tới tối lại bị đẩy xuống sát điểm chuẩn. Hôm nay cháu đuối quá nên tôi một mình lên chỉnh sửa nguyện vọng cho con. Lo lắng quá, lỡ đợi rồi nên đợi luôn đến khi trường công bố danh sách cuối cùng”.
“Trời ơi, sao ngày càng đông vậy nè”
Ghi nhận tại nhiều trường đại học trong ngày cuối cùng xét tuyển nguyện vọng 1, ai cũng lo lắng vì điểm số của mình đang như “chỉ mành treo chuông”. Không ít phụ huynh đã nộp hồ sơ nhưng vẫn “ăn dầm nằm dề” ở trường để theo dõi tình hình.
Tại Đại học Y dược TP HCM, nhiều thí sinh và phụ huynh sau khi nộp hồ sơ vẫn chầu chực ở bàn nộp hồ sơ để “đếm” từng hồ sơ nộp vào. Ba ngày qua, bà Phạm Thị Tuyết (quận 8, TP HCM) ngày nào cũng lên trường để cập nhật tình hình. Hôm qua, bà liên tục đi ra đi vào, gặp thí sinh nào nộp hồ sơ bà cũng hỏi điểm số và nguyện vọng của thí sinh đó.
“Mấy ngày rồi, nhà tui mất ăn mất ngủ vì cháu được 26,25 điểm, đang bằng ngưỡng an toàn để vào ngành dược. Đêm qua tui mất ngủ cả đêm vì lo lắng. Sáng dậy sớm lên trường để xem ai nộp vào nữa không? Từ sáng tới giờ tui đếm thì có thêm năm em 26,5 điểm nộp vào ngành dược. Căng thẳng, hồi hộp quá. Giờ thì chỉ mong sao đừng thêm ai nộp vào nữa. Chỉ cần thêm vài trường hợp 26,5 điểm nộp vào nữa thôi là con tui rơi vào tình trạng nguy hiểm” - bà Tuyết lo lắng.
Hàng dài thí sinh chờ làm thủ tục nộp hồ sơ xét tuyển tại Đại học Công nghiệp TP HCM trong ngày cuối. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Từ 7h sáng, Đại học Sư phạm TP HCM tấp nập người đến nộp, người đến rút, người đến... không làm gì, chỉ đi loanh quanh trò chuyện. Vợ chồng bà Trần Thị Thuận từ ngày 15/8 đến nay luôn giữ đúng thời gian biểu: Sáng 9h-11h, chiều bỏ thêm một giờ ghé qua trường để “ngó xem sao”.
Ngày cuối, bất cứ thí sinh nào bước vào cổng trường luôn có người tới bắt chuyện và bắt đầu “màn dò hỏi”: Nộp hay rút? Nộp ngành nào? Bao nhiêu điểm? Thi khối gì?
Tại Đại học Ngân hàng, lúc 13h30, một phụ huynh reo lên: “A, phiên giao dịch cuối bắt đầu rồi. Đến Đại học Ngân hàng để giao dịch chứng khoán, thấy hợp lý quá”. Hơn 50 phụ huynh và thí sinh ngồi chờ trước cửa, đếm từng người chạy vô nộp hoặc rút. Trời mưa nhưng không ai có ý định chuyển chỗ ngồi. Không khí căng thẳng và náo nhiệt như trước giờ xổ số.
Một số phụ huynh cầm bút vạch vào giấy những con số vừa được trường cập nhật, hí hoáy tính toán với con: “Từ 23 đến 23,75 điểm có bấy nhiêu đứa, cộng với nhóm ở trên, xét từ điểm dự kiến là 21,69 điểm, con đang ở đây. Trong trường có hai cái bàn rút và nộp, ước chừng mỗi bàn có năm đứa. Nãy giờ được nửa tiếng, cũng khoảng hơn 60 đứa nộp rồi”.
Sáng 20/8, Đại học Sư phạm TP HCM cũng tấp nập thí sinh và phụ huynh, trong đó nhiều người đến trường chỉ để theo dõi tình hình chứ không nộp hay rút hồ sơ. Bà Trần Kiều ngồi tại trường từ 8h sáng. Lúc 10h, lượng thí sinh đổ về nộp và rút hồ sơ ngày càng đông. Quá lo lắng, bà bất lực thốt lên: “Trời ơi, sao càng ngày càng đông vậy nè. Chắc phải chạy ra cổng trường ngăn không cho họ vô nộp quá”.
Tất cả cùng quay cuồng
Không chỉ thí sinh, phụ huynh mà các trường cũng quay cuồng với 20 ngày xét tuyển vừa qua. Tại Đại học Ngoại thương (cơ sở TP HCM), ngày nào cũng rất đông học sinh đến để theo dõi tình hình, hỏi về cơ hội trúng tuyển. Cán bộ của trường phải liên tục giải đáp những băn khoăn. Sáng 20/8, lượng thí sinh và phụ huynh cũng rất đông, trường phải mời tất cả vào hội trường để tư vấn, giải đáp thắc mắc chung.
Một phụ huynh mừng đến rơi nước mắt khi nghe thông báo điểm chuẩn dự kiến. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Ngày cao điểm 20/8, Đại học Kinh tế TP HCM liên tục công bố lên trang web hoặc thông báo ngay tại hội trường về việc tiếp nhận cũng như trả hồ sơ. 14h, thí sinh cùng phụ huynh ngồi kín hội trường chờ nghe trường công bố điểm chuẩn dự kiến. 14h10, TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo - công bố điểm chuẩn tạm thời của trường là 23,25 điểm, tiêu chí phụ để xét tuyển là điểm môn toán từ 7 trở lên. Cả hội trường vỗ tay vui mừng.
Ông Nguyễn Ngọc Thái - chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM- cho biết hầu hết phụ huynh và thí sinh đến trường sáng 20/8 là để theo dõi thông tin, không nộp hồ sơ. Khi trường sắp sửa thông báo việc thay đổi điểm, cả hội trường 600 người im phăng phắc.
Nếu thông báo điểm không thay đổi, cả hội trường vỗ tay rần rần, mọi người tươi cười hớn hở. Nếu điểm thay đổi, mặt nhiều người lập tức biến sắc. Buổi trưa trường không làm việc nhưng vẫn mở cửa hội trường, bật máy lạnh để mọi người nghỉ ngơi chờ đến giờ làm việc buổi chiều.
Gần cuối giờ chiều qua, nhiều phụ huynh vẫn nán lại Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) nhìn chằm chằm vào phòng đào tạo xem có động tĩnh, thay đổi gì hay không.
TS Lê Chí Thông - Trưởng phòng đào tạo - nói: “Phụ huynh rất lo lắng trong đợt xét tuyển này. Có phụ huynh gần 3h sáng vẫn còn gửi mail cho tôi để hỏi thăm tình hình xét tuyển. Cứ thấy phụ huynh nào đến trường mà rầu rĩ, chúng tôi đều đến hỏi thăm và tư vấn thêm. Có một điều mà tôi rất buồn, đó là kết thúc thời gian nhận hồ sơ mà vẫn còn hơn 300 hồ sơ không có khả năng trúng tuyển nhưng thí sinh không đến trường rút ra”.
Trong khi đó, Đại học Kinh tế Quốc dân bố trí ở trung tâm phòng hội trường một máy chiếu với ba màn hình lớn để các em tiện theo dõi mức điểm chuẩn tạm thời. Không còn là “sàn chứng khoán” theo nghĩa ví von mà màn hình hiển thị mức điểm chuẩn tạm thời của hơn 20 ngành đào tạo đã thật sự tái hiện một phiên chứng khoán sôi động. Từ sáng sớm cho đến cuối giờ chiều, toàn bộ chỗ ngồi trong hội trường lớn đều kín chỗ, nhiều người đứng hai bên và tràn ra cả ngoài hành lang hội trường để chờ đợi, nghe ngóng thông tin.
“1.500 lượt “giao dịch” trong ngày cuối của đợt xét tuyển nhưng đường truyền để nhập liệu online vào hệ thống chung của bộ lại trục trặc nên buổi sáng chỉ có 60% dữ liệu được nhập bình thường. Các cán bộ tuyển sinh phải tăng tốc, máy tính được bố trí thêm để 17h chốt dữ liệu theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT” - GS Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo đại học Kinh tế quốc dân, cho biết.
Đại học Kinh tế quốc dân còn quyết định hai lần cập nhật mức điểm chuẩn tạm thời lúc 7h và 15h cho thí sinh tham khảo. 15h, khi màn hình máy chiếu hiện ra các thông số điểm chuẩn tạm thời của 23 ngành đào tạo, cả hội trường 600 - 700 người như vỡ òa, người vui, kẻ buồn, người nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng để cập nhật theo tình hình mới.
Cần có nhiều điều chỉnh
Tôi nghĩ sau mùa xét tuyển ĐH, CĐ năm nay sẽ có nhiều điều phải xem xét để điều chỉnh. Trước hết là thời gian xét tuyển đợt 1 để 20 ngày là quá dài. Vì tâm lý chung của thí sinh cũng không muốn nộp hồ sơ ngay vào tuần đầu tiên nên cho dù kéo dài thời gian thì thí sinh vẫn trì hoãn để nghe ngóng chờ đợi, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung của trường.
Việc xét tuyển chủ yếu phụ thuộc vào hình thức thủ công như hiện nay cũng là một khó khăn cho cả các trường và thí sinh. Hầu hết thí sinh phải trực tiếp đến trường nộp hồ sơ. Những thí sinh ngoài tỉnh phải một lần khăn gói đi thi lại tiếp tục phải nhiều lần lên TP để đăng ký xét tuyển, rút hồ sơ, đổi nguyện vọng. Nếu Bộ GD&ĐT cho phép thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.
Quy định cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi là một đổi mới mạnh bạo có lợi trước hết cho thí sinh. Thí sinh có thể cân nhắc đăng ký các ngành phù hợp với sở trường, kết quả thi của mình.
Tuy nhiên, việc cho phép thí sinh cùng đợt có bốn nguyện vọng mà lại được phép đổi nguyện vọng, rút hồ sơ đã gây nên rối loạn.
Theo tôi, năm sau nên nghiên cứu có thể được thì chỉ nên cho thí sinh có 2 - 3 nguyện vọng/đợt. Hoặc có thể cho thí sinh có 4 nguyện vọng/đợt nhưng không được đổi nguyện vọng trong đợt đó.
Ông Trần Mạnh Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng)