Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề báo: Nghịch lý về bình đẳng giới lĩnh vực truyền thông

“Xin lỗi, tòa soạn ưu tiên tuyển nam giới” hay “công việc đòi hỏi làm việc lâu dài nên chúng tôi muốn tuyển nam giới”…Đó là những câu trả lời mà rất nhiều sinh viên nữ học báo chí nhận được khi đi phỏng vấn xin việc.

Nghịch lý….

Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Dững đã từng phát biểu: “Tại Học viện báo chí và tuyên truyền, số lượng sinh viên nam thi vào khoa báo chí rất thấp, chỉ chiếm ¼ so với số lượng sinh viên nữ. Cụ thể với một số lớp báo in như: Báo in k30a1 5/46 tương đương với 11%, k30a2 11/50 (chiếm 22%), k31a1 9/53 chiếm 17%, k31a2 11/52 chiếm 21%…”

Đây là một nghịch lý vì khi tìm hiểu làng báo Việt Nam, Cục Báo chí xuất bản, Bộ thông tin và Truyền thông cho biết Hội nhà báo Việt Nam có gần 20.000 hội viên nhưng trong đó chí có 30% là nhà báo nữ. Trong giới báo chí, các nhà báo nữ hầu như không được đề cập đến như là một chuyên gia hay một nhà phê bình, bình luận chuyên sâu.

Sinh viên nữ với niểm đam mê nghề nghiệp, năng khiếu văn chương có sẵn, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã bộc lộ năng khiếu báo chí rất sớm và viết bài cộng tác viết bài cho các tòa soạn rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên khi ra trường, nhiều sinh viên nữ cầm tấm bằng khá, giỏi trên tay đi phỏng vấn xin việc, chỉ nhận được những cái lắc đầu: “ Xin lỗi, tòa soạn ưu tiên tuyển nam giới”, ít trong số đó may mắn làm được đúng nghề học.
Nữ nhà báo đi tác nghiệp (Ảnh minh họa).
Bạn Ngọc Anh chia sẻ: “ Mình ra trường báo cách đây 2 năm với tấm bằng tốt nghiệp loại khá. 2 năm, mình làm không biết bao nhiêu bộ hồ sơ xin việc nhưng đều bị từ chối. Tòa soạn thường lấy lý do nghề báo nguy hiểm, yêu cầu công việc thường phải đi xa, vất vả nên từ chối nhận phóng viên nữ. Giờ mình chỉ còn cách viết cộng tác cho mấy tòa soạn, dù bấp bênh nhưng còn có đồng ra đồng vào”.

Sinh viên nữ báo chí quặn lòng với nghề

Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này chủ yếu là do tính chất nguy hiểm của nghề báo. Đã có rất nhiều trường hợp đau lòng đáng tiếc xảy ra đối với các nhà báo nữ trong quá trình đi tác nghiệp.

Mới đây nhất nữ phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen (28 tuổi), phóng viên Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), trong quá trình đi lấy tin tác nghiệp về bão Haiyan (bão số 14) đã gặp chuyện đáng tiếc, để lại bao nỗi xót xa trong lòng mọi người, đặc biệt để lại nỗi xót xa trong lòng nữ sinh viên báo chí . Phụ nữ làm báo là đồng nghĩa với việc phải chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, phải xa chồng, xa con, luôn phải chuẩn bị cho mình một ý chí thép để làm tốt công việc. Và rất ít phụ nữ có thể làm tốt được những điều đó.

Hiền, sinh viên khoa báo trường khoa học xã hội và nhân văn, bày tỏ cảm xúc: “Mình học báo đã được ba năm. Mình yêu cái nghiệp viết lách, muốn gắn bó cả đời với nó. Nhưng đôi khi những vất vả mà nó đem lại khiến mình chùn bước thiếu tự tin. Những lúc như thế, mình thường tự nhủ với bản thân phải cố gắng hơn nữa, chấp nhận mọi thử thách, cố gắng vượt qua và phải trở thành nhà báo xuất sắc”.

Mặt khác, sự định kiến giới trong các cơ quan báo chí cũng là một nguyên nhân góp phần tạo nên nghịch lý. Từ trong các cuộc chiến tranh, nam giới luôn làm chủ báo chí, là những người sáng tạo, cổ súy lấy báo chí làm vũ khí chiến tranh. Và cái định kiến ấy dường như vẫn tồn tại đến ngày nay.

Sinh viên nữ chọn báo làm nghề cuộc đời sẽ phải đương đầu với bao khó khăn thử thách, đối mặt với bao chông gai, vất vả do đó những nhà báo nữ tương lai phải luôn luôn giữ vững ý chí, niềm đam mê, sẵn sàng dấn thân, quyết tâm “sống” hết mình với cái nghề “làm dâu trăm họ” này.

Bạn có thể quan tâm