Trong căn phòng rộng vài chục m2, 4 nhân viên văn phòng đang tập trung nhìn vào màn hình máy tính. Song, chỉ 1 người trong số đó là nhân viên thực sự, 3 người còn lại chỉ ngồi diễn.
Chen Minghzhi (27 tuổi, Thâm Quyến) là một trong ba diễn viên đó, theo iFeng.
Phần việc của anh là ngồi vào vị trí đã chỉ định sẵn, giả vờ là một nhân viên kinh doanh với tiền công 90 tệ. Sau 3 tiếng, người phụ trách đến và thông báo nhiệm vụ đã hoàn thành, giám đốc đã dẫn khách hàng đi ăn. Ba người đóng giả nhanh chóng giải tán.
Các công việc "ma" ở Trung Quốc vốn do phía công ty, tuyển dụng tạo ra vì các mục đích khác nhau. Ảnh: iFeng. |
Chen nhận công việc này sau khi đọc thấy một mẩu tin tuyển dụng trên mạng với nội dung "nhiệm vụ đơn giản, chỉ cần ngồi vài tiếng là được tiền".
Nhân viên hư cấu
Sau khi tốt nghiệp ngành biên tập và xuất bản, Chen từng làm việc tại một công ty công nghệ ở Thâm Quyến. Đến năm 2020, anh thuộc nhóm bị sa thải.
Từ đấy, Chen bắt đầu làm những công việc lặt vặt, bao gồm cả việc đóng giả làm người nào đó. Trên thực tế, khá nhiều bên có nhu cầu thuê người đóng giả, với nhiều mục đích khác nhau.
Chen tự gọi mình là "nhân viên hư cấu", với "vai diễn" đầu tiên là đóng vai người đi mua nhà.
Người thuê Chen tự nhận là nhân viên buôn bán bất động sản, cần người đóng giả để hoàn thành KPI của công ty. Trước khi vở kịch bắt đầu, người môi giới yêu cầu Chen học thuộc chính sách mua nhà ở Thâm Quyến, số tiền tích cóp được. Còn Chen đến xem nhà dưới vỏ bọc một lập trình viên có mức lương hàng năm là 300.000 tệ và có nhu cầu mua nhà để lập gia đình.
Rời khỏi đại học với ước mơ lập nghiệp lớn, song Chen bị công ty sa thải khi Covid-19 hoành hành ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters. |
Tòa nhà đầu tiên nằm ở ngoại ô thành phố. Vừa bước vào cổng, bên trong đã đông kín người. Số thứ tự của Chen là 100. Nhiều người trong số đó là các diễn viên đóng thế giống như anh.
Khi giai đoạn xem nhà kết thúc, anh cùng người môi giới bước vào giai đoạn mua, bán. Căn hộ có diện tích 107 m2, 3 phòng ngủ 1 phòng khách, được chào bán với giá 1,3 triệu tệ.
Người môi giới bắt đầu diễn, cho biết vài năm trước anh ta mua một căn nhà có giá vài triệu tệ nhưng giờ đã lên 10 triệu tệ vì giá nhà tăng phi mã.
"Nếu chần chừ, căn này sẽ nhanh chóng có người mua mất", người môi giới nói to rồi bỏ đi. Cả hai tiếp tục đi thêm 3 căn hộ khác với cùng một kịch bản. Kết thúc vai diễn, Chen nhận về 100 tệ tiền thù lao.
Sau khi thất nghiệp, các công việc của Chen hầu hết đều mang tính chất ngắn hạn, yêu cầu thấp và được trả lương ngay sau đó dù thù lao ít ỏi. Trong 2 năm đại dịch xảy ra, đây trở thành "cần câu cơm" cho nhiều người trẻ như Chen ở Thâm Quyến.
Có lần, một công trường xây dựng cần số lượng công nhân, phần việc của Chen là điền vào mẫu đơn xin việc, đặt căn cước ở lại 5 ngày và nhận về 200 tệ. Lần khác, anh được trả công cho người khác đo huyết áp. Ngoài ra, anh còn nhận xem video để tăng lượt view.
"Hệ thống phân chia lao động giống như một cỗ máy. Để tránh sự mất mát và trật bánh do không quay, nhiều công việc 'ma' ra đời như chất bôi trơn. Nhà tuyển dụng tạo ra một số vị trí giả mạo với tiền công bèo bọt", một chuyên gia kinh tế nhận định.
Chen trong 2 lần làm công việc đi mua sắm hộ và chụp ảnh cho KOL. Ảnh: iFeng. |
Công việc nhàm chán, vô ý nghĩa
Lúc đầu, Chen tham gia công việc "ma" chỉ vì thất nghiệp. Nhưng khi đã lành nghề, anh chứng kiến nhiều thứ kỳ quặc và thấy những thứ mình làm nhàm chán, không hề có ý nghĩa.
Một lần, anh nhận vai đi mua sắm ở một khu nhà nằm dưới sự quản lý của đại lục lẫn chính quyền Hong Kong trong thời gian các hạn chế dịch bệnh vẫn áp dụng nghiêm ngặt.
Khi trên đường về Thâm Quyến, anh bị cảnh sát Hong Kong giữ lại và hỏi lý do mua nhiều đồ tích trữ. Chen khăng khăng nói mình mua để sử dụng và thậm chí giả vờ đầu óc có vấn đề để cảnh sát không làm khó. Cuối cùng, anh được đi qua, mang theo 2 túi hàng về và được trả 130 nhân dân tệ.
Lần khác, anh nhận nhiệm vụ thống kê số lượng người vào siêu thị vào ngày diễn ra chương trình khuyến mãi. Để thổi phồng con số thực tế, các nhân viên cửa hàng lần lượt đi qua cửa cảm ứng nhiều lần, giúp số lượng người đến trong ngày được đo trên hệ thống đạt kỷ lục, hơn 20.000 lượt.
Trong thời kỳ khó khăn dịch bệnh, những công việc hư cấu lặt vặt trở thành nguồn thu cho những người thất nghiệp. Ảnh: Reuters. |
Công việc kỳ quặc lâu nhất của Chen là đóng vai người kiểm tra nhận dạng khuôn mặt. Anh phải đi qua cửa ra vào nhiều lần để kiểm tra độ nhạy của máy.
Việc làm dễ dàng nhưng Chen phải lặp đi lặp lại một hành động suốt gần 11 tiếng mỗi ngày trong nhàm chán.
Lần khác, anh nhận chụp ảnh món ăn cho một KOL. Chen chấp nhận ngay vì tiền công 200 tệ và có thể được ăn món ngon miễn phí.
Tuy nhiên, thực tế là nữ chính chỉ giả vờ bưng món ăn, tạo dáng thưởng thức. Còn Chen liên tục bị nhắc phải canh được góc chụp đẹp nhất cho cô gái.
Sau một buổi sáng, thức ăn đã nguội, cả nhóm cũng chẳng kịp lót dạ, phải chạy đến những điểm chụp mới. Vài ngày sau, anh thấy những bức ảnh mình chụp được đăng lên mạng kèm review "cơm ngon, cảnh đẹp, không nên bỏ qua".
Khi đó, anh cảm thấy mình vừa góp phần vào những điều giả tạo, sống ảo trên mạng.
Cách đây không lâu, Chen tham gia một diễn đàn để lấp đầy số lượng người. Khi những chuyên gia đang thảo luận nghiêm túc thì những người lấp chỗ trống như anh ngồi một góc chơi game, chờ ăn tiệc trưa và nhận quà tặng.
Ở đó, anh gặp một đồng nghiệp cũ, cũng đi làm nhân viên hư cấu để có thêm tiền trang trải. Người này cũng đã thất nghiệp hơn nửa năm. Cả hai đều than thở về chuyện khó kiếm việc làm.
Sau khi tốt nghiệp, như nhiều người trẻ khác, Chen tràn đầy nhiệt huyết, có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng. Anh đặt mục tiêu 3 năm đầu chăm chỉ, tích góp kinh nghiệm và khởi nghiệp sau 5 năm ra trường.
Nhưng câu chuyện hiện tại rẽ theo hướng hoàn toàn khác, sau khi anh mất việc làm vì công ty làm ăn điêu đứng khi dịch bệnh ập đến. Trước mắt, điều Chen mong muốn nhất vẫn là kiếm được việc làm ổn định, giúp anh được là một nhân viên văn phòng đúng nghĩa.