Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề giáo là nghề nguy hiểm?

Học sinh hỗn với thầy cô, nhiều biểu hiện cho thấy đạo đức học đường xuống cấp. Nhưng giáo viên lại bị tước công cụ kỷ luật học sinh khiến nghề giáo trở thành “nghề nguy hiểm".

Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đã có hiệu lực từ tháng 11 năm 2020 với điểm mới là bãi bỏ quy định xử phạt học sinh bằng việc phê bình trước lớp, trước trường.

Đồng thời thông tư này cũng không còn nội dung giáo viên chủ nhiệm được phép “đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh; đề nghị danh sách học sinh được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi sổ điểm và học bạ học sinh”.

Thông tư 32 khi mới ra đời đã nhận được sự ủng hộ của dư luận và chính những người làm giáo dục. Nhưng trên thực tế, công cụ kỷ luật bị tước bỏ đang là thách thức không nhỏ với các giáo viên.

Tại Hà Nội và các thành phố lớn, việc 50, 60 thậm chí 70 học sinh/lớp ở khối trường công khá phổ biến. Sĩ số đông tạo nên sức ép lớn cho giáo viên trên nhiều phương diện: Giữ gìn trật tự, đảm bảo chất lượng bài giảng, giải quyết các tình huống sư phạm phát sinh hàng ngày, hàng giờ trong khi không được “nặng lời” với học sinh.

Ranh giới mong manh giữa phê bình và xúc phạm học sinh

Cô Phạm Thu Hoài, giáo viên trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, năm học này được phân công chủ nhiệm lớp 6. Là lớp tăng cường tiếng Anh, đầu vào đều là những học sinh khá, giỏi và cơ bản các gia đình đều quan tâm, sát sao con em nhưng hầu như ngày nào cô cũng phải ở lại muộn để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong 50 học sinh đang tuổi dậy thì.

nghe giao nguy hiem anh 1

Cô giáo Phạm Thu Hoài, trường THCS Thăng Long, Ba Đình, trong giờ ngoại khóa cùng lớp chủ nhiệm.

Phân tích, giảng giải là phương thức cô Thu Hoài chọn sử dụng trong hầu hết cuộc phân xử. Nhưng trong nhiều trường hợp, cô Hoài cũng như các đồng nghiệp khá hoang mang khi giới hạn theo quy định thông tư 32 khá mơ hồ, khó định ranh giới và dễ vi phạm.

“Hình như bố mẹ bây giờ bao bọc con nhiều hơn” - cô Hoài chia sẻ. Dù hầu hết phụ huynh đều nói “trăm sự nhờ thầy cô”, tin tưởng ở thầy cô, nhưng bất cứ chuyện gì xảy ra từ việc lười học, đánh nhau, hỗn với thầy cô… nguyên nhân đều "trừ" con cái họ.

Cô giáo Hiền Lương, người phụ trách phòng tham vấn tâm lý của trường THCS Thăng Long cũng đồng quan điểm với người đồng nghiệp khi cho rằng áp lực lên giáo viên ngày càng lớn và không chỉ đến từ sĩ số đông. Kì vọng của xã hội, của cha mẹ học sinh với học sinh ngày càng nhiều. Tinh thần dân chủ giữa thầy trò trong trường ngày càng lớn. Những áp lực như vậy khiến việc kiểm soát hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ của người thầy ngày càng khó hơn.

Áp lực giáo viên do mạng xã hội

Cô Nguyễn Thanh Linh, giáo viên trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho rằng sự bùng nổ của phương tiện ghi âm, ghi hình và mạng xã hội cùng quyền tự do đăng tải thông tin khiến những đoạn trò chuyện giữa cô trò dễ bị cắt trích và đưa theo ý chủ quan, theo cảm xúc yêu ghét cá nhân dễ khiến người làm thầy đứng trước áp lực khủng khiếp từ dư luận, từ xử phạt.

nghe giao nguy hiem anh 2

Cô giáo Nguyễn Thanh Linh, trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tiến sỹ Trần Khánh Ngọc, Giám đốc Giáo dục Hệ thống AlphaSchool, qua thực tế tập huấn “Dạy học tích cực” cho giáo viên cho biết nhiều thầy cô có tâm trạng chán nản, căng thẳng và có xu hướng bỏ nghề. Họ có quá nhiều áp lực, trách nhiệm trong khi quyền hạn bị bó chặt. Có một thực tế, những kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ của các thầy cô không còn thích hợp và nhiều khi không được phép áp dụng cho giáo dục của ngày hôm nay.

Điều gì sẽ đến nếu giáo viên “buông xuôi”?

Cô Hoàng Thị Tuyết, nguyên Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng cụm từ “Xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh” quá khó để phân định ranh giới.

“Sĩ số học sinh quá đông, nhất là học sinh nhỏ thì càng nhiều điều trái khoáy mà nếu là cha là mẹ ở nhà có khi còn dùng đến đòn roi. Trong một vài tình huống cụ thể, giáo viên khó kiểm soát cảm xúc, buông ra một lời và chỉ một lần mà xử lý họ thì thật không phải”, cô Tuyết bày tỏ.

Theo cô Tuyết cần xem xét thấu tình đạt lý chứ không thể việc lớn việc nhỏ gì cũng đưa thầy cô ra kỷ luật rồi phạt này phạt kia. Bất kỳ hành vi nào cũng bị coi là bạo hành học sinh thì rồi đến lúc thầy cô không dám làm gì cả, nói nhỏ nói nhẹ không nghe thì thôi đành buông xuôi…

Giáo dục không chỉ là truyền thụ tri thức mà quan trọng hơn là giúp hình thành và hoàn thiện nhân cách thế hệ trẻ. Khi người thầy bị tước hết các công cụ kỷ luật học sinh, e ngại sai luật mà “buông” việc dạy người thì dạy chữ có còn giá trị? Đồng ý quy định pháp luật là để bảo vệ con người và giúp xã hội ngày một văn minh. Nhưng pháp luật sẽ “lợi bất cập hại” nếu xa rời thực tế cuộc sống.

'Nghề giáo viên như người pha nước chấm'

Nghề giáo bao năm được so sánh như người lái đò. Điều này nghe cũng hay nhưng quen thuộc quá. Tôi lại nghĩ nghề giáo cũng như người pha nước chấm.

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nghe-giao-la-nghe-nguy-hiem-845915.vov

Ý Dịu / VOV

Bạn có thể quan tâm