Các bác sĩ nội trú ở Hàn Quốc làm việc trung bình 77,7 giờ/tuần. Trong đó, dù luật hiện hành giới hạn số giờ làm việc tối đa hàng tuần cho các chương trình nội trú y tế là 80 tiếng, hơn một nửa vẫn làm việc hơn mức này.
Đặc biệt, các bác sĩ nội trú khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực là nhóm làm việc nhiều giờ nhất: 102,1 giờ/tuần.
Đây là kết quả của một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Hiệp hội bác sĩ nội trú và thực tập sinh Hàn Quốc, phỏng vấn 1.903 bác sĩ nội trú từ nhiều khoa khác nhau, theo Korea Times.
Hạ nghị sĩ Shin Hyun-young, xuất thân là bác sĩ, đã công bố kết quả nghiên cứu này với truyền thông và cho rằng văn hóa làm việc quá sức ở các bác sĩ nội trú đang ở mức đáng lo ngại.
Bác sĩ nội trú là nhóm lao động có thời gian làm việc nhiều giờ ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: One. |
Vấn đề này cũng được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi đối với đề xuất của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về cải cách hệ thống tuần làm việc, đưa ra ngày 6/3.
Hiện, Hàn Quốc thực hiện tuần làm việc 52 giờ, cho phép người lao động làm việc thường xuyên trong 40 giờ cộng với 12 giờ làm thêm. Các công ty phải đối mặt với hình phạt nếu thời gian làm thêm vượt quá số giờ tối đa. Quy định này được đưa ra từ năm 2018.
Tuy nhiên đề xuất mới của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol muốn nâng thời gian làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc lưu ý người lao động sẽ được nghỉ phép dài hơn để đổi lấy việc làm thêm giờ.
Đề xuất này bị nhiều người chỉ trích vì buộc nhân viên phải làm việc nhiều giờ hơn trong khi chỉ có người sử dụng lao động được lợi.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt
Hạ nghị sĩ Shin lưu ý rằng các bác sĩ nội trú còn đối mặt môi trường khắc nghiệt hơn nhiều khi số giờ làm việc hàng tuần của 15 trong số 26 khoa tham gia nghiên cứu vượt quá 69 giờ.
Trong trường hợp các bác sĩ nội trú khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, 102 giờ/tuần có nghĩa là họ phải làm việc 20,4 giờ/ngày, 5 ngày/tuần. Dù có làm việc 6 ngày/tuần, con số vẫn ở mức 17 giờ/ngày.
Các bác sĩ nội trú khoa Ngoại tổng hợp làm việc nhiều giờ thứ hai: 90,6 giờ/tuần, tiếp đến là 90 giờ đối với khoa Ngoại thần kinh, 89,1 giờ ở khoa Mắt.
Luật hiện hành ở Hàn Quốc quy định nhóm lao động này không được làm việc quá 80 giờ/tuần tính trung bình 4 tuần và cấm làm việc quá 36 giờ liên tục. Kể cả trong những tình huống khẩn cấp, số giờ cũng không được vượt quá 40.
Tuy nhiên, 52% người được hỏi cho biết số giờ làm việc hàng tuần của bản thân tính trung bình trong 4 tuần vượt quá con số 80 ít nhất một lần trong năm 2022. Khoảng 66% cho biết làm việc hơn 24 giờ không nghỉ ít nhất một lần/tuần và 16,2% nói làm việc như vậy hơn 3 ngày/tuần.
Nhiều bác sĩ nội trú bỏ cuộc giữa chừng vì điều kiện làm việc khắc nghiệt. Ảnh minh họa: tvN. |
Dù vậy, các bác sĩ nội trú vẫn chưa được đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Luật yêu cầu ít nhất 10 tiếng nghỉ giải lao nếu nhóm lao động này làm việc liên tục hơn 16 tiếng. Nhưng 33,9% người được hỏi cho biết không được nghỉ theo quy định của pháp luật.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt phải đối mặt khiến ngày càng nhiều trường hợp bác sĩ nội trú bỏ cuộc giữa chừng. Đây được coi là một trong những lý do chính dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực ngành y ở xứ củ sâm.
Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực trầm trọng, một số trung tâm y tế phải thuê các bác sĩ lớn tuổi để lấp khoảng trống.
Hạ nghị sĩ Shin đã đệ trình một dự thảo luật lên Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/3, kêu gọi giảm số giờ làm việc liên tục tối đa của nhóm ngành này từ 36 giờ (40 giờ trong trường hợp khẩn cấp) xuống còn 24 giờ (30 giờ trong tình huống khẩn cấp).
Trước đây, mức trần về số giờ làm việc liên tục tối đa chỉ áp dụng cho phòng cấp cứu, nhưng theo dự thảo sửa đổi, mức này sẽ được áp dụng cho cả phòng cấp cứu và khoa hồi sức tích cực.
“Vì hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước phụ thuộc quá nhiều vào sự hy sinh của các bác sĩ nội trú, nên ngày càng có nhiều bác sĩ từ bỏ chương trình nội trú trước khi hoàn thành. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Cần có nhiều sự quan tâm và hỗ trợ để cải thiện điều kiện làm việc của các bác sĩ nội trú, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân", hạ nghị sĩ Shin nói.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.