Châu Đăng Khoa mô tả thế này về công việc mastering: "Công đoạn sản xuất một ca khúc cũng giống như quá trình trong dây chuyền may mặc. Trong đó, vai trò mastering tương tự người thợ may ở khâu cuối cùng lắp ráp các chi tiết, cẩn trọng từng mũi kim chỉ để cho ra chiếc áo hoàn chỉnh".
Trong khi đó, OnlyC ví công việc mastering như những người "make-up", ở đây là make-up âm thanh, giúp sản phẩm chỉn chu nhất trước khi gửi gắm đến khán giả.
Trong âm nhạc, các master hoạt động thầm lặng, nhưng giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Những năm qua, các sản phẩm trên thị trường nhạc Việt phần lớn đều có công đoạn mastering. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nhạc Việt đang chuẩn hóa quy trình sản xuất nhằm từng bước tiếp cận quốc tế.
Tại sao phải mastering?
Dây chuyền sản xuất âm nhạc chuẩn trên thị trường hiện tại bao gồm các bước: Sáng tác - demo ca khúc - phối khí - thu âm - mix - mastering.
Sáng tác là vai trò tách biệt. Phần lớn ca khúc Vpop tách riêng khâu phối khí, bước mix-mastering gộp với nhau. Một số sản phẩm hướng tới yếu tố chuẩn mực, chuốt trọn vẹn sẽ tách cả vai trò mix và mastering.
Về chuyên môn, các bước sáng tác, phối khí đòi hỏi kỹ năng và nhất là sự sáng tạo. Vai trò mix thiên về yếu tố kỹ thuật, phần còn lại là cảm quan, tư duy âm nhạc.
Trong khi đó, công đoạn mastering 100% nằm ở yếu tố kỹ thuật và các master được gọi bằng danh xưng "kỹ sư âm thanh".
OnlyC là nhà sản xuất đa năng, kiêm cả vai trò ca sĩ và nhạc sĩ. |
Công việc mastering được chú trọng đặc biệt trên thị trường Âu Mỹ - Kpop từ hàng chục năm trước. Bernie Grundman - huyền thoại trong giới mastering - có thâm niên làm nghề gần 40 năm. Trong khi đó, nữ master Emily Lazar - từng thắng giải Grammy cho hạng mục sản xuất - đã mastering hơn 3.000 album.
Còn với thị trường nhạc trẻ Việt Nam, công việc mastering bắt đầu được định hình trong vài năm gần đây. Các ca sĩ dần nhìn ra mastering là vai trò quan trọng, như "bộ lọc" quyết định để đầu ra của sản phẩm đạt chất lượng như ý muốn.
OnlyC từ góc nhìn của người mastering cho loạt ca khúc, chia sẻ cùng Zing về công việc này: "Về cơ bản, đây là quá trình để đo âm lượng, độ lớn, làm rõ không gian ca khúc để phát lên các nền tảng âm nhạc, hoặc trên các thiết bị nghe nhạc để âm thanh đúng như mong muốn mà ca sĩ muốn gửi tới khán giả".
OnlyC nhấn mạnh công việc mastering có thể thực hiện bằng các thiết bị analog, hoặc digital. Các master ngồi hàng giờ, hàng ngày để "make-up" tổng thể bản nhạc - bao gồm hàng chục, đến cả trăm chi tiết nhỏ của vocal (giọng hát) và beat (nền nhạc được phối bởi producer).
Một master giỏi phải đảm bảo các yếu tố: Đầu tư thiết bị đủ chất lượng, có thẩm mỹ nghệ thuật và dày dặn kinh nghiệm. Trong đó, kinh nghiệm là khả năng bao quát thị trường, và độ am hiểu của các master đối với thế mạnh giọng hát từng ca sĩ.
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa - dưới góc độ của nhà sản xuất, hợp tác cùng các master - gọi mastering là cửa ải cuối cùng cho một ca khúc.
Nghĩa là qua các bước phối khí, thu âm, mix, những người giữ từng vai trò sẽ tự "nhặt sạn" trong quá trình sản xuất. Mastering sẽ nhặt những viên sạn còn sót lại, rồi đóng cú chốt cho một dây chuyền sản xuất.
Một ca khúc hoàn chỉnh đúng nghĩa sẽ cho ra thứ âm thanh sạch sẽ không tạp âm. Qua công đoạn mastering, ca khúc được xử lý để cho ra âm thanh chất lượng nhất, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của những khán giả sở hữu thiết bị đầu ra âm thanh "khủng".
Với một bản nhạc, thưởng thức ở bộ loa/tai nghe trị giá vài trăm nghìn đồng, sẽ khác với thiết bị vài triệu, vài chục triệu, cho đến hàng trăm triệu đồng. Đó là lý do một ca khúc chất lượng, phải được mastering trên tiêu chuẩn tối ưu.
"Chi phí sản xuất ca khúc Việt rẻ bậc nhất khu vực"
Dây chuyền sản xuất ca khúc trên thị trường Vpop đang không đồng bộ. Có ca sĩ bắt tay cùng 4 người cho các vai trò sáng tác, phối khí, mix và mastering. Phần lớn ca sĩ chỉ cần 3 người, với bước mix-mastering gộp chung. K-ICM là trường hợp cá biệt khi một tay làm mọi công đoạn.
Ê-kíp gồm ca sĩ, sáng tác, phối khí, mix-mastering đang là công thức cơ bản trên thị trường. Trong đó, người phối khí, mix-mastering thông thường được trả thù lao theo từng sản phẩm và không có quyền lợi phát sinh.
Một producer trên thị trường tiết lộ cùng Zing: "Thù lao của producer có tiếng sẽ dao động ở mức 30-40 triệu. Nhóm producer chất lượng hàng đầu, hạng A đến A+ có thể được đãi ngộ cao hơn".
Zing tiếp tục đặt câu hỏi cho producer này về thù lao của công việc mix-mastering, được trả lời: "Gần như tương tự những gì producer nhận được. Sự khác biệt trong thù lao của công việc mix-mastering, nằm ở yếu tố kinh nghiệm. Tên tuổi master càng lớn, ca sĩ phải chịu khó chi đậm hơn".
Về vấn đề thu nhập của mastering trên thị trường, OnlyC chia sẻ với Zing: "Giá trị mastering cho một ca khúc trên thị trường Việt Nam rất rẻ so với thị trường có nền âm nhạc phát triển".
Châu Đăng Khoa cho rằng dây chuyền sản xuất ca khúc Việt cần tối ưu hơn. |
Trong khi đó, Châu Đăng Khoa từ chối tiết lộ con số cụ thể, nhưng nhấn mạnh: "Tình hình bây giờ có vẻ khả quan hơn, vì yêu cầu ngày càng lớn, dẫn đến giá trị của ê-kíp sản xuất được coi trọng. Tôi từng có cơ hội làm việc với các đối tác ở Hàn Quốc, Hong Kong, Thái Lan. Chi phí sản xuất một ca khúc ở Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất khu vực".
Đã đến lúc nhìn nhận chuẩn xác vai trò của ê-kíp sản xuất âm nhạc. Họ hoạt động âm thầm, nhưng là người hỗ trợ, nâng đỡ cho ca sĩ tỏa sáng. Các khán giả bắt đầu nhắc đến producer, nhưng mix-mastering vẫn là khái niệm còn xa lạ ở nhạc Việt.
OnlyC cho rằng về chất lượng giọng hát và chiều sâu sáng tác, ca khúc của Vpop khá tốt so với bình diện khu vực. Điều nhạc Việt còn thiếu là chất lượng của beat thật sáng tạo, hiện đại, cùng sự chỉn chu trong quá trình thu âm, mix và mastering.
Vpop đang đi sau một quãng khá xa so với các cường quốc âm nhạc thế giới, nhưng đã bắt đầu vào đúng guồng quay. Bước khởi đầu là ê-kíp sản xuất với 3-4 cho một sản phẩm. Qua thời gian, những bộ sậu đó cần cải thiện số lượng để đi sâu vào tiểu tiết của từng công đoạn, rút ngắn thời gian và cải thiện chất lượng cho dây chuyền tạo hit.
Châu Đăng Khoa nói rằng nhiều năm trước, cá nhân anh ôm đồm tất cả, từ sáng tác, phối khí và thu âm. Nhưng bây giờ, nhạc sĩ sinh năm 1990 không thể làm như vậy, bởi anh lo cái tôi, sự chủ quan có thể chi phối tất cả.
Nhiều cái đầu cùng gộp lại, mỗi người phát huy thế mạnh riêng để góp sức cho một sản phẩm, sẽ tốt hơn chỉ một cái đầu giải quyết tất cả.