Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ sĩ biến tấu Quốc ca Mỹ: Thành công và tranh cãi

Bản nhạc “Star-Spangled Banner” (Lá cờ lấp lánh ánh sao) của xứ sở cờ hoa từng được nhiều ca sĩ, ban nhạc nước Mỹ biến tấu thành công, ngay cả khi gây tranh cãi trong công chúng.

Mới nhất, tại trận Super Bowl thứ 50 trong lịch sử nước Mỹ (7/2/2016), Lady Gaga khiến không ít người xúc động khi trình bày Quốc ca Mỹ trên nền piano nhẹ nhàng, du dương.

Carrie Underwood, quán quân cuộc thi American Idol 2005, trình bày Star-Spangled Banner trước trận đấu Super Bowl 2010 trong khuôn khổ giải bóng bầu dục nước Mỹ mà không cần hỗ trợ của nhạc khí. Phong cách acappella mà cô và ban tổ chức chọn lựa khiến nhiều người tại sân vận động cảm thấy rung động.

Cũng giống như Carrie Underwood, Kelly Clarkson chọn phong cách acapella tại một trận đấu bóng bầu dục quan trọng khác. Phần cuối của màn trình diễn cho thấy chất giọng cao vút đặc biệt của nữ ca sĩ.

Tháng 1/2010, danh ca Josh Groban và bassist Flea (nhóm Red Hot Chili Peppers) gây ra tranh cãi lớn khi biến tấu hoàn toàn giai điệu và cách thể hiện Star-Spangled Banner trước trận chung kết giải bóng bầu dục BCS. Người thì cho rằng họ đã phá hỏng bản quốc ca linh thiêng, nhưng cũng không ít ý kiến đánh giá cao sự sáng tạo của bộ đôi này.

Một trong những điểm sáng của sự kiện Super Bowl năm 2006 là khi nữ ca sĩ Beyoncé trình bày bản Quốc ca nước Mỹ. Được hỗ trợ bởi dàn nhạc hùng hậu, Queen Bee chinh phục hoàn toàn sân vận động và những người theo dõi sự kiện.

Ban nhạc country Dixie Chicks cũng không cần đến nhiều nhạc khí khi họ trình diễn ca khúc bất tử của nước Mỹ trước trận Super Bowl 2003. Giọng ca của Natalie Maines, Emily Robison, Martie Maguire hòa quyện và tạo ra một khoảnh khắc khó quên cho xứ sở cờ hoa khi ấy.

Ngôi sao của dòng nhạc đồng quê Faith Hill quyết định sử dụng dàn kèn túi của Scotland hỗ trợ cho mình. Đó là một quyết định tương đối mạo hiểm, nhưng cũng nhận được nhiều lời khen của giới truyền thông sau khi trận Super Bowl năm 2000 khép lại.

Đến nay, phần trình diễn Quốc ca của Whitney Houston tại trận Super Bowl năm 1991 vẫn được người ta yêu mến. Cách đây 15 năm, nó thành công đến mức được phát hành thành đĩa đơn đúng một tuần sau sự kiện. Tuy nó được ghi âm trước và diva quá cố chỉ hát nhép, nhưng những tranh cãi sau đó không thể khiến phiên bản Quốc ca Mỹ của Houston mất đi sức mạnh.

Khi danh ca quá cố Marvin Gaye biến tấu Star-Spangled Banner thành một bản nhạc R&B, tất cả đều phải ngả mũ kính phục ông. Đó là tại trận đấu quyền anh giữa Larry Holmes và Earnie Shavers II, diễn ra tại Las Vegas năm 1979. Sau gần ba thập kỷ, rất nhiều công chúng vẫn nhớ đến phần trình diễn của ông.

Woodstock 1969 đến giờ vẫn được coi là sự kiện nhạc rock quan trọng bậc nhất thế kỷ XX. Một trong những màn trình diễn bất tử là khi guitarist quá cố Jimi Hendrix solo bản Star-Spangled Banner trong sự hân hoan của các fan rock ‘n’ roll.

Mỹ Linh hát Quốc ca: Tai nạn nghề hay đã tròn trách nhiệm?

Từ một vinh dự với tư cách công dân và người nghệ sĩ, màn trình diễn bản Quốc ca của nữ ca sĩ Mỹ Linh trở thành một "tai nạn nghề nghiệp" như chính chị thừa nhận.

Star-Spangled Banner là quốc ca chính thức của nước Mỹ, có lời do luật sư Francis Scott Key sáng tác năm 1814 sau khi ông chứng kiến cảnh pháo đài McHenry bị quân Anh oanh tạc trong Chiến tranh năm 1812.

Ban đầu, người dân Mỹ coi đây là bài hát yêu nước khi nó được phổ nhạc theo giai điệu hào hùng của bài tửu ca To Anacreon in Heaven. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết chọn Star-Spangled Banner làm Quốc ca ngày 31/3/1931.

Việt Phương - Quý Sáng

Bạn có thể quan tâm