Urs Fischer là nghệ sĩ đương đại sinh năm 1966 ở Thụy Sĩ. Mặc dù các nhà phê bình nghệ thuật cho rằng Fischer theo chủ nghĩa ý tưởng nhưng ông phản đối và nhấn mạnh Fischer sáng tác dựa trên vật liệu chứ không phải ý tưởng.
Trong sự nghiệp kéo dài nhiều thập kỷ, Fischer sử dụng một số chất liệu và loại hình nghệ thuật khác nhau. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là những ngọn nến khổng lồ hoặc tác phẩm điêu khắc bằng sáp sẽ dần tan chảy trong buổi trình diễn.
Vẻ đẹp của sự tàn lụi
Theo Collector, sự biến đổi của vật chất là chủ đề phổ biến trong nghệ thuật của Fischer. Năm 2004, ông đã xây dựng căn nhà gỗ kiểu Thụy Sĩ bằng những ổ bánh mì và thả chim đến ăn. Nhiều tác phẩm của Fischer có tính tương tác như bản sao Nụ hôn của Rodin. Khán giả được khuyến khích uốn nắn lại tác phẩm theo cách họ muốn.
Nghệ sĩ Urs Fischer và tác phẩm Ngôi nhà bánh mì (2004-2005) của ông. Ảnh: Chad Moore, Bloomberg. |
Nỗi ám ảnh của Fischer về quá trình phân hủy bộc lộ rõ ràng nhất trong các tác phẩm điêu khắc được đốt cháy. Một số nghệ sĩ đã sử dụng sáp khi sáng tác nhưng Fischer đi xa hơn nhiều, biến sự tan chảy thành phần sau cùng và quan trọng trong cách thể hiện nghệ thuật của mình.
Sáp là vật liệu điêu khắc có lịch sử lâu đời. Những bức tượng làm từ sáp ong hiện diện trong nghi lễ tôn giáo ở Ai Cập cổ đại và duy trì tầm quan trọng trong thế giới Cơ đốc giáo. Ưu điểm của sáp là dễ sử dụng, không đòi hỏi sức lực để chạm khắc và tạo hình.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho tượng sáp không bền và nhạy cảm với nhiệt độ, điều kiện môi trường. Các nghệ sĩ thường sử dụng sáp để tạo khuôn cho tượng đúc bằng đồng, cẩm thạch.
Tượng sáp Dasha (2018) trước khi được thắp nến. |
Ngọn nến đang tan chảy là dấu hiệu sinh động thể hiện thời gian đang trôi qua, một quá trình phân hủy không thể đảo ngược. Fischer tìm thấy vẻ đẹp trong sự hủy diệt - quy luật vĩnh cửu của tự nhiên, khiến khán giả vừa mê hoặc vừa sợ hãi. Các tác phẩm điêu khắc của Fischer chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Thời khắc hoàn thiện cũng là khởi đầu cho sự chấm dứt.
Những người phụ nữ tan chảy
Tác phẩm Nếu điện thoại đổ chuông thì sao? gồm những người phụ nữ khỏa thân trong các tư thế ngồi, nằm ngửa và nằm sấp. Mỗi nhân vật bằng sáp đều có bấc đặt ở một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể, được thắp sáng khi bắt đầu cuộc triển lãm.
Trong suốt buổi biểu diễn, các nhân vật dần dần thay đổi hình dạng và biến mất trước mắt khán giả.
Loạt tượng sáp thuộc tác phẩm Nếu điện thoại đổ chuông thì sao?. Ảnh: Kunstgiesserei St.Gallen. |
Tiêu đề cảnh báo phút xao lãng nhất thời (trả lời điện thoại) sẽ khiến người xem bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của tác phẩm và sự tan rã không thể tránh khỏi. Tác phẩm không có phiên bản cuối cùng, hoàn chỉnh vì dần tan rã.
Hơn 10 năm sau, Fischer một lần nữa lại tạc tượng phụ nữ bằng sáp. Lần này, nhân vật được lấy cảm hứng là Dasha Zhukova - người sáng lập Bảo tàng Garage ở Moscow (Nga).
Xóa bỏ mọi khoảng cách
Trong Venice Biennale 2011, Fischer trưng bày một bộ tác phẩm điêu khắc bằng sáp có kích thước như người thật. Ấn tượng nhất là bản sao tác phẩm nổi tiếng Bắt cóc người phụ nữ Sabine của Giambologna, nhà điêu khắc nổi tiếng thời Phục hưng Italy.
Xung quanh tác phẩm điêu khắc là 6 chiếc ghế sáp. Trong đó, 4 chiếc mang phong cách các vùng của châu Phi. Hai chiếc còn lại gợi nhớ tới ghế văn phòng đơn giản và ghế trên máy bay. Ngoài ra còn có hình người đứng chiêm ngưỡng tác phẩm lấy cảm hứng từ Rudolf Stingel - người bạn thân của họa sĩ.
Bức tượng sáp Bắt cóc người phụ nữ Sabine trước và sau khi được thắp nến. Ảnh: The Modern Institute, My Modern Met. |
Sắp xếp những tác phẩm thủ công của nghệ nhân châu Phi với những đồ vật thông dụng của phương Tây đã làm nổi bật tính đồng nhất của toàn cầu hóa, mong muốn xóa bỏ mọi khác biệt.
Bức tượng hoành tráng, đỉnh cao của nghệ thuật phương Tây dần mất đi các chi tiết và vỡ vụn. Hình bóng của Rudolf Stinger thờ ơ quan sát khung cảnh, biết rằng sẽ chịu chung số phận như mọi thứ mà ông nhìn thấy.