Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ sĩ hài Phú Quý kể chuyện gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Lần gặp gỡ, được diễn hài và hát cải lương cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghe là điều nghệ sĩ Phú Quý trân trọng nhất trong suốt chặng đường làm nghề.

Ở tuổi thập cổ lai hy, nghệ sĩ kỳ cựu Phú Quý vẫn muốn người đối diện gọi “anh” xưng “em” thay vì “ông”. Cuộc trò chuyện với “anh” bắt đầu bằng sự duyên dáng ấy nên suốt buổi chỉ có những tràng cười không ngớt. Nghệ sĩ hài bảo anh muốn đời thêm trẻ bằng lối xưng hô thân mật, năng động. Bởi tôn chỉ của đời anh là “Phú Quý vui cho đời thêm vui”.

Điều ngạc nhiên ở người đàn ông đang bước vào tuổi 70 này nằm ở sức sống, nhiệt huyết luôn cuồn cuộn trong từng câu chuyện. Anh sẵn sàng “xin” vai diễn từ nhà sản xuất một cách tỉnh bơ, khiến vị đạo diễn trẻ ngồi kế bên ngơ ngác vì không biết anh đang nói chơi hay nói thật.

Nghe si hai Phu Quy tung duoc Vo Van Kiet khen anh 1

Nghệ sĩ hài Phú Quý ở tuổi 70 vẫn còn trẻ trung, yêu đời. Ảnh: Lữ Đắc Long.

Phú Quý thẳng thắn: “Ở cái tuổi này, người ta dễ quên mình lắm, nhưng tôi thấy mình rất sung sức, nhắm được chơi hết mình với nghệ thuật là cứ chơi”. 

Bởi thế, những nghệ sĩ cùng trang lứa với Phú Quý đã về hưu, sống an nhàn với tuổi già thanh tịnh nhưng anh lại “tả xung hữu đột” ở mọi mặt trận. Đóng phim, ca cải lương, làm MC, diễn hài… nghệ sĩ lão thành đều rất xông xáo, không nề hà bất cứ điều  gì.

Từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khen ngợi

Sinh trưởng ở miền đất Long An, tuổi thơ của nghệ sĩ đã gắn liền với những câu vọng cổ. Lớn lên, anh theo đoàn Thanh Tao diễn khắp miền sông nước. Anh và kỳ nữ Lệ Thủy “làm mưa làm gió” suốt một thời gian dài. Nhưng thời ấy, anh không có ý niệm về sự nổi tiếng.

Cuộc sống sông nước bấp bênh, nhớ mẹ nên anh trốn học về nhà làm nghề thợ bạc. Sau ngày giải phóng đất nước, anh được giám đốc bến xe miền Tây chiêu mộ về làm công nhân kiêm ca sĩ.

Thời đó, phong trào văn nghệ nở rộ với các tên tuổi: cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, danh hài Phi Thoàn, Khắc Triệu, Lý Được... Cũng nhờ phong trào này, anh đoạt chiếc huy chương vàng đầu tiên với tiết mục Anh phụ xế ở Liên hoan Văn nghệ Thành phố vào thập niên 1970.

Kỷ niệm nhớ nhất với Phú Quý là trong một buổi trình diễn vào năm 1978, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - lúc bấy giờ là Bí thư Thành phố - đến thăm cơ quan ngày Tết. Phú Quý may mắn được gặp và biểu diễn cho “chú Sáu”.

Nghe si hai Phu Quy tung duoc Vo Van Kiet khen anh 2

Phú Quý chung đoàn với NSƯT Minh Vương, Kim Ngọc (thứ 2 từ trái vào) và NSND Lệ Thủy. Ảnh: Lữ Đắc Long.

Một mình anh độc diễn suốt 25 phút, từ ngâm thơ, hát cải lương, cả hội trường như muốn nổ tung vì những tràng pháo tay. Sau buổi diễn, anh được cố Thủ tướng khen là hạt nhân phong trào xuất sắc. Tấm ảnh anh chụp chung với "chú Sáu" sau này được treo trang trọng ở phòng khách nhà anh.

Giai đoạn từ năm 1979 về sau, Phú Quý được NSND Kim Cương phát hiện và mời về đoàn của bà diễn kịch, sau đó chuyển sang đoàn Bông Hồng. Lúc kịch nói bắt đầu suy thoái, anh tiếp tục về đoàn cải lương Sài Gòn 2 thay các bậc tiền bối Văn Chung, Diệp Lang…

Sau này, Phú Quý được mời về đoàn Trần Hữu Trang, một lần nữa anh tái ngộ với Lệ Thủy, cộng tác thêm với Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Minh Vương, Phượng Liên ở thập niên 1980. Ở đây, anh được tham gia các vở Tình yêu lời đáp (đoạt Huy chương vàng ở Hội diễn toàn quốc năm đầu tiên), Nàng Xê Đa. 

Phú Quý nói nhờ cố nghệ sĩ Kim Ngọc, anh mới có cơ hội trổ tài. Tên tuổi của anh rạng danh khi diễn vở Nàng Xê Đa do “bậc thầy phù thủy” Đoàn Bá dàn dựng. Anh nhận được Huy chương vàng và vở diễn kéo dài gần 1.000 suất.

Nghệ sĩ xưa và nay khác quá

Thời huy hoàng của Phú Quý phải kể đến dấu ấn không phai ở Trong nhà ngoài phố. Khi ấy, cứ thứ năm mỗi tuần, anh cùng đồng nghiệp Bảo Quốc, Duy Phương, Mỹ Chi, Quốc Hòa, Kim Ngọc… xuất hiện trong các tiểu phẩm ấn tượng. Anh diễn đa dạng, từ luật sư, gã quan quan liêu, tên khoan giếng cho tới Táo quân. 

Song, khán giả nhớ nhất Phú Quý vóc dáng đường bệ, veston chỉnh tề, với giọng cười đểu trong hầu hết các vở kịch.

Khi xuất ngoại biểu diễn, Phú Quý tự tin thay vai của NSƯT Bảo Quốc trong vở Bàn thờ tổ của cô Đào. Khi Bảo Quốc hay tin đã tìm gặp đàn em chúc mừng, từ đó họ kết thân, rủ nhau chạy show hài. 

Vậy mà giờ đây, khi gặp nghệ sĩ trẻ, Phú Quý từng bị lờ đi không thương tiếc. Anh bảo mình không dám lại gần vì sợ họ “quăng cục lơ” hoặc hỏi trống không “ai đây” nên ngượng, không dám tiếp chuyện. Thỉnh thoảng đứng ở cánh gà, anh phải quan sát từng người, đợi ai nhìn mình mà có thiện cảm liền mừng rỡ trò chuyện. 

Anh cười bảo ngày trước gặp được các thần tượng như danh hài Văn Chung, Phi Thoàn, Thanh Việt, Thanh Hoài… đều cung kính, chỉ cần họ gọi tên cũng đủ vui mừng.

Nghe si hai Phu Quy tung duoc Vo Van Kiet khen anh 3

Phú Quý kết nghĩa với NSƯT Bảo Quốc, tung dọc các sân khấu hài một thời. Ảnh: Lữ Đắc Long.

Nhưng ở cải lương, Phú Quý khẳng định tình nghĩa, đạo lý vẫn còn đó. Anh kể NSƯT Quế Trân ngồi ở vị trí giám khảo nhưng khi thấy thầy Bạch Long xuất hiện vẫn cứ lễ phép thưa chuyện, gọi bằng “sư phụ” cung kính.

Ở tuổi này, Phú Quý ước ao được tổ chức live show trong năm 2017. Bởi giờ anh vẫn còn khỏe, vẫn khát khao tung hoành trên sân khấu, vẫn nhớ bức màn nhung và ánh đèn lung linh. 

Kim Chi Lữ

Bạn có thể quan tâm