Gặp NSƯT Quyền Văn Minh không khó vì ngày nào ông cũng ngồi ở tầng 1 Nhà hát Kịch Việt Nam, số 1 Tràng Tiền - nơi sinh hoạt của CLB Jazz do ông thành lập. Sáng sớm, Quyền Văn Minh từ nhà đi chiếc Vespa cổ đến CLB, ăn uống cũng quanh quẩn ở đây. Khuya lại “sình sịch” đi xe về nhà.
Bạn bè, bằng hữu, báo chí, người hâm mộ nếu “alo” không được thì cứ đến Nhà hát Kịch Việt Nam vì Quyền Văn Minh bảo “tôi luôn ở đó”. "Trước CLB ở đường Lương Văn Can sau đó mới chuyển về đây. Chỗ này tôi thuê của Nhà hát Kịch Việt Nam, ưu điểm là trung tâm thủ đô, anh em nhạc Jazz dễ sinh hoạt", NSƯT mở lời.
Nghệ sĩ Ưu tú nhạc Jazz Quyền Văn Minh. |
'Nhiều người bảo tôi... điên'
NSƯT nhạc Jazz thành thật không gian của ông, khán giả Tây đến nhiều hơn người Việt nếu không muốn nói “chủ yếu là Tây”. “Tây họ thích lắm vì đấy là văn hóa của họ, giống như chèo của mình vậy, thậm chí còn phổ biến hơn. Thế nên, các bạn nước ngoài cũng rất yêu tôi, họ đến nghe và còn ở lại xin chữ ký”, Quyền Văn Minh hào hứng.
Chưa kịp cho người đối diện tiếp lời, NSƯT nói ngay: “Nhưng tôi thích người Việt nghe Jazz. Tôi vẫn bảo với nhân viên là một khách Việt vào quán, tôi quý hơn 10 người Tây vào. Nói thế không phải là tôi phân biệt này kia, nhưng tôi trân quý người mình vào đây vì đó là của hiếm”.
Là người tiên phong đưa thứ âm nhạc của người da màu Mỹ về Việt Nam, Quyền Văn Minh thừa nhận khán giả Việt không có văn hóa nghe nhạc Jazz. Giữa lòng Hà Nội, guitar cổ điển từng có một thời hưng thịnh, dương cầm đang được ưa chuộng. Nhưng Jazz chưa bao giờ được coi trọng, chưa bao giờ có vị trí.
“Người ta bảo Jazz giống như một đứa con ghẻ ở Hà Nội, nói vậy có đúng không, thưa nghệ sĩ Quyền Văn Minh?”, trước câu hỏi thành thật, NSƯT cười đáp “Đúng”. Quyền Văn Minh ngập ngừng đốt tẩu thuốc “Nhưng chẳng trách được”.
Người nghệ sĩ già kể khi ông có ý định mở CLB Jazz nhiều người bạn bảo “Mày điên à. Ai nghe mà mở, ai chơi mà mở”. Nhưng Quyền Văn Minh vẫn quyết làm bằng được, giống y như sự quyết liệt mà ông đã mang Jazz về Việt Nam khi phần đông khán giả trong nước còn chưa biết đây là thể loại nhạc gì.
Quyền Văn Minh tiết lộ vào thuở sơ khai của Jazz Việt, ông còn phải gọi Jazz bằng một thứ tên không đúng là Jazz, cốt để cho mọi người dễ tiếp nhận.
“Tôi luôn nghĩ rằng âm nhạc, nghệ thuật sẽ gắn với con người bằng mọi hình thức, loại hình khác nhau. Thể loại nào cũng sẽ có khán giả. Điều đó khiến tôi theo đuổi Jazz bằng được, và tất nhiên đã không bỏ cuộc”, NSƯT Jazz chia sẻ.
Nhưng không chỉ vì niềm đam mê với nhạc Jazz hay niềm tin vào việc thể loại này sẽ trở nên đại chúng ở Việt Nam, có một lý do khác mà phải đến gần cuối cuộc trò chuyện, Quyền Văn Minh mới tâm sự “Mẹ tôi - người đã thôi thúc tôi yêu nghề này”.
Cách đây đến gần 50 năm, khi tiếng đàn saxophone bị coi như một thứ âm thanh không đàng hoàng và người thổi kèn bị đánh đồng với "sự lăng nhăng", Quyền Văn Minh đã đến với kèn, lại được gia đình hết lòng ủng hộ. Con trai gắn bó với saxophone nhưng người mẹ hết mực tự hào.
“Nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến lời động viên của mẹ, tôi lại cầm kèn lên và chơi”, Quyền Văn Minh rơi nước mắt. Điều kỳ lạ là khi nói về những khó khăn của việc theo đuổi nhạc Jazz, ông không khóc nhưng khi nhắc đến mẹ và người vợ thứ 2 đã mất, NSƯT lại không giấu được xúc động.
'Theo đuổi Jazz chẳng thể giàu có'
NSƯT Quyền Văn Minh năm nay 63 tuổi, có tới gần 50 gắn bó với Jazz. Ông từng giảng dạy tại khoa Jazz Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trần Mạnh Tuấn, Hồng Kiên là học trò của ông.
Nghệ sĩ thẳng thắn tuyên bố “Không có tôi thì cũng không có Trần Mạnh Tuấn. Nếu tôi không dạy ở Nhạc viện thì Trần Mạnh Tuấn cũng còn xa lắm mới đến được với công chúng”.
Saxophone Trần Mạnh Tuấn là một trong những học trò đầu tiên của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. |
Nhắc về những người học trò thành đạt Quyền Văn Minh tự hào nhưng ông cũng thoáng trách khi họ không theo đuổi nghiệp Jazz đến cùng. Nhắc đến Trần Mạnh Tuấn, khán giả chỉ biết đến như một nghệ sĩ saxophone. Ít ai biết rằng Trần Mạnh Tuấn có xuất phát điểm từ Jazz.
"Nhưng cũng khó thật, vì cơm áo gạo tiền, vì cuộc sống, đâu phải ai cũng theo đuổi được Jazz", NSƯT tự sự.
“Ông tự hào chứ vì khi nhắc đến Jazz ở Việt Nam, người ta sẽ nhắc đến ông đầu tiên”, Quyền Văn Minh không quá hồ hởi. Ông bảo “Tôi cô độc”. Nghệ sĩ 63 tuổi nhắc nhiều đến từ “đơn độc, cô độc” vì hơn ai hết, Quyền Văn Minh hiểu rằng ông đã chọn một lối đi khó.
Để lối đi vốn tưởng rất khó tiệm cận với thẩm mỹ của khán giả Việt, Quyền Văn Minh từng kết hợp Jazz với dân ca, thậm chí ra cả album. Ông đi biểu diễn ở khắp nơi để giới thiệu Jazz “made in Vietnam”. Năm tháng trôi qua, công sức của Quyền Văn Minh và cộng sự ít nhiều đã có kết quả.
“Jazz ở Việt Nam, tuy vẫn khó khăn nhưng hơn trước rất nhiều rồi. Trước không ai biết đến Jazz, giờ khá nhiều người biết đến. Như thế là công sức của mình không bị bỏ phí. Nhưng tất nhiên để Jazz trở nên phổ biến thì còn cần một chặng đường nữa, phải có ca khúc, có ca sĩ biểu diễn mới đại chúng được”. NSƯT bộc bạch.
Nghệ sĩ Quyền Văn Minh cho biết là người cô độc trong nhạc Jazz. |
Hỏi Quyền Văn Minh về việc tại sao không kết hợp với những ca sĩ nhạc nhẹ để đưa Jazz đến gần hơn với công chúng vì khán giả Việt vốn thích nghe ca khúc, ông bảo “Jazz không phải ca sĩ nào cũng hát được và đủ sự cực đoan để theo đuổi”.
Thế nên, Quyền Văn Minh vẫn bảo ông “cô đơn”. May thay, đam mê của ông lại được người con trai là Quyền Thiện Đắc kế tục. Quyền Thiện Đắc là nghệ sĩ Jazz được đào tạo bài bản tại nước ngoài. Anh hiện đang là giảng viên tại khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
“Cha con tôi cũng có những bất đồng trong cách làm nghề, đó là điều khó tránh. Nhưng mừng vì con theo nghề của mình dù tôi biết chẳng thể giàu có về vật chất nhờ Jazz được”, NSƯT Quyền Văn Minh nói.