Nghệ sĩ Thương Tín bỗng dưng mất tích
Người bán nước đối diện quán của Thương Tín nói anh bỏ đi rồi, dời về chùa nghệ sĩ trên đường Thống Nhất, nghe đâu mua miếng đất gần nhà chùa.
Tôi tìm đến quán cà phê cũ của Thường Tín trên đường Cây Trâm, F8, Gò Vấp. Quán đã sang cho chủ mới và người ta mở quán nhậu rồi. Người bán nước đối diện quán nói, Thương Tín bỏ đi rồi, ông ấy dời về chùa nghệ sĩ trên đường Thống Nhất, nghe đâu mua miếng đất gần nhà chùa. Ngày trước, ông hay qua quán của tôi ngồi hút thuốc, nói chuyện đóng phim. Thương Tín thực ra cũng lành, chỉ vì mê bài bạc thôi...
Tôi đến chùa nghệ sĩ, nhưng người coi sóc chùa nói, thi thoảng thấy anh, rất lặng lẽ. Anh thường đến một mình, ngồi đâu đó và lặng lẽ ra về. Không ai biết Thương Tín ở đâu, vào lúc này. Dường như anh đang cố gắng lánh mình, cho đường trần nhẹ bớt...
Tôi đến Nhà hát Kịch TP HCM, nơi ngày trước (với tên gọi Đoàn Kịch Cửu Long Giang), Thương Tín từng là diễn viên trụ cột, mong tìm được tin tức từ những đồng nghiệp cũ của anh. Nghệ sĩ Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát nói, anh vừa mới ký giấy chứng nhận cho Thương Tín về quãng thời gian công tác tại đoàn.
Khánh Hoàng tâm sự, đã hoàn toàn không còn Thương Tín khi xưa đẹp trai, kiêu hãnh. Bây giờ, người anh ốm nhom, má hóp lại, hai mắt vô hồn, răng ám ố vàng. Khi cầm được tấm giấy trên tay Thương Tín run rẩy bật khóc. Rất nhiều người nghĩ, sẽ rất khó để Thương Tín trở lại nhà hát vì những điều anh đã gây ra với anh em nghệ sĩ và chính bản thân Khánh Hoàng, khi ấy Khánh Hoàng là một diễn viên trẻ mới vào nghề, thường xuyên phải đóng giúp Thương Tín những hôm anh bận đi đóng phim và bận đi chơi với bồ. Nhưng Khánh Hoàng đã không nghĩ đến chuyện cũ, vẫn cố gắng giúp Thương Tín trong mọi chuyện.
“Tôi đã mời anh Thương Tín vào vở “Nguyệt Hạ” cách đây mấy năm, nhưng về sau Thương Tín sử dụng ma tuý và sức khoẻ yếu nên không đảm đương được vai diễn nữa. Bây giờ tôi rất muốn mời anh ấy tham gia các vở diễn của nhà hát, nhưng anh ấy không còn sức nữa, thật đáng tiếc” - Khánh Hoàng nói.
Chuyện Thương Tín chèn ép Khánh Hoàng ở Đoàn Kịch Cửu Long Giang giới nghệ sĩ ai cũng biết. Khi ấy, Thương Tín quá nổi tiếng, còn Khánh Hoàng mới vào nghề, Thương Tín là cái tên bán vé của nhiều vở diễn nhưng cũng là nỗi ám ảnh của cả ê kip vì anh thường xuyên bỏ ngang, đi đóng phim hoặc đơn giản chỉ vì... không thích. Ngày đó, một vở diễn bán dưới 400 vé thì sẽ hủy show và thường thì khán giả sẽ lên đến vài ngàn. Và vào dịp Tết nguyên đán, chỉ còn 4 ngày vở sẽ công diễn thì Thương Tín bỏ vai, Khánh Hoàng được đẩy vào thế vai và anh đã làm được một điều kỳ diệu là khán giả luôn chật cứng, vở diễn liên tục 20 suất.
Khi thấy khán giả ủng hộ vai diễn, Thương Tín lại tìm đến đòi vai và gây lộn. Thương Tín đã lôi Khánh Hoàng ra sau cánh gà và tát anh, cấm anh diễn vai của mình. Có những đêm Khánh Hoàng đã hoá trang xong, chuẩn bị ra diễn thì Thường Tín đòi vai, Trưởng đoàn nói, thôi để Thương Tín diễn vì bữa đó có bồ của Thương Tín đi xem kịch. Vậy là Khánh Hoàng buộc phải tẩy trang, lủi thủi ra về. Khánh Hoàng nói: “Thực sự tôi rất buồn, nhưng cuộc sống cũng công bằng, về sau thì tôi cũng công bằng, về sau thì tôi cũng đã có những thành công riêng trong sự nghiệp của mình. Đến giờ thấy tội cho Thương Tín lắm, nhưng không biết giúp anh ấy bằng cách nào”.
Tôi vẫn cho rằng Thương Tín là một nghệ sĩ điển hình. Anh có cái chất của một người phiêu lãng, nhưng cũng có cái bụi bặm từ những góc tối của giới nghệ sĩ. Dân bài bạc, cá độ nổi tiếng Sài Gòn ai cũng có thể kể tên những nghệ sĩ thường xuyên đỏ đen. Với các nghệ sĩ cải lương, việc bài bạc làm họ phải đi vay nặng lãi là chuyện đã rất bình thường. Còn không ít diễn viên kịch, các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng tên phim truyền hình, cũng ít nhiều có máu đỏ đen. Có diễn viên trẻ, rất nổi tiếng trên phim truyền hình, nhưng luôn phải đi vay tiền bạn bè xài đỡ, vì tiền catse luôn phải dành trả nợ, do thua cá độ quá nhiều. Có những quán cà phê, quán nhậu rất được dân nghệ sĩ chuộng, vì vừa cụng ly vừa coi đá banh, vừa móc điện thoại đặt kèo cá độ, rất tiện. Sau những suất đêm diễn, một số diễn viên thường có thói quen này. Một số chơi cho vui. Nhưng một số mê mẩn thực sự. Thương Tín không nằm ngoài ngoại lệ ấy. Khi bị bắt trong vụ đánh bạc tại quán cà phê của mình, có lẽ Thương Tín không ngờ rằng đời mình lại có lúc phải vào vòng lao lý. Cuộc sống của một nghệ sĩ khi đã không còn trẻ nữa, xe ngựa, hào quang đã xa dần, thì đôi khi những cuộc tụ tập lại làm cho họ đỡ buồn. Thương Tín mê đỏ đen, đó là câu chuyện có thật. Và anh đã trả giá cho những điều đó.
Nói Thương Tín là một nghệ sĩ điển hình, còn bởi anh đã đi đến đỉnh vinh quang của nghề diễn. Và anh đã khắc thành công một hình tượng trong lòng công chúng. Hai trăm bộ phim lớn nhỏ, những vai diễn không thể thay thế. Và anh cũng đi đến cùng của sự thất bại. Nếu anh không là nghệ sĩ, chắc chắn sới bạc đó sẽ được các báo mảng trật tự xã hội đưa một vài dòng tin. Nhưng anh là nghệ sĩ, anh buộc phải có trách nhiệm xã hội. Anh là một thần tượng, khiến nhiều người trông vào và noi theo.
Nói anh nghệ sĩ đến tận cùng là bởi anh đã dám công khai những bí mật, những điều không hay về bản thân, một cách thành thật. Có rất nhiều cách để sám hối. Nói ra những lầm lỗi để mong được chia sẻ cũng là một cách để sám hối vậy. Thương Tín chia sẻ thành thật trên báo chí. Những chuyện tày đình, liên quan đến nhân cách một người nổi tiếng, mà nếu là một kẻ đạo đức giả hay những kẻ hèn nhát khác sẽ giấu nhẹm đến khi chôn xuống mồ và sẽ nhảy dựng lên nếu có ai đó đụng tới. Thương Tín dám chịu cả sự tức giận của công luận và mọi sự trừng phạt. Có thể, khi đã đi qua mọi chuyện, Thương Tín cảm nhận được sự phù du của danh tiếng, tiền tài. Nhưng, không phải ai cũng dám làm điều đó như Thương Tín.
Một nghệ sĩ tên tuổi, với những hình tượng lộng lẫy nhất, với Sáu Tâm của Biệt động Sài Gòn, với tướng cướp Bạch Hải Đường của loạt phim Săn bắt cướp, với Tám Thương của Bài ca không quên và với Quang trong Ám ảnh, Thương Tín đã là thần tượng của nhiều thế hệ. Vai diễn gây ám ảnh nhất của Thương Tín, với tôi không phải là Sáu Tâm của Biệt động Sài Gòn. Sáu Tâm là một nhân vật trẻ trung, trong một bộ phim được ngóng đợi của một thế hệ, nên việc Thương Tín được nhớ đến nhiều nhất với hình tượng nhân vật này là điều dễ hiểu. Những vai diễn khó khăn nhất, thể hiện được tài năng rõ nhất của Thương Tín chính là nhân vật Quang trong Ám ảnh. Quang lấy người yêu của Thăng làm vợ. Và Quang đi bộ đội, chạy về phía giặc. Khi Thăng bị địch phát hiện, Quang nghĩ rằng Thăng sẽ chết vì bị thương quá nặng, Quang đã không bắt Thăng. Nhưng Thăng đã được cứu sống. Ngày hoà bình lặp lại, Thăng gặp Quang trong trại cải tạo, khi ấy Thăng là cán bộ quản giáo. Quang đã có ý định tự sát, nhưng Thăng đã giúp Quang làm lại cuộc đời.
Đây cũng là hình tượng phản ánh khá hoàn hảo của Thương Tín. Một nhân vật phản diện nhưng không hoàn toàn mất tính người. Vẫn còn lại một điều gì đó, trong trái tim con người. Một chút lòng nhân.
Về sau, Thương Tín cũng là diễn viên rất đắt show trong dòng phim thương mại, từng được gọi là phim mì ăn liền. Thương Tín là trường hợp hiếm hoi của các nghệ sĩ điện ảnh lúc bấy giờ, có sức cạnh tranh ngang với những gương mặt lớp sau như Lê Công Tuấn Anh, Lý Hùng... Phải đến Cây huê xá, người ta mới chợt phát hiện ra Thương Tín đã rời bỏ những hào quang cũ. Anh đã là một ông già. Có thể là do thời gian, có thể là do ma tuý tàn phá. Thương Tín về sau đã chuyển dần sang sân khấu và thực hiện những bộ phim truyền hình ngắn tập, với vai trò đạo diễn, như Nhớ sông, Vết sẹo, Vực thẳm, Người từ nước Mỹ trở về... Nhưng, Thương Tín vẫn và sẽ chỉ được nhớ nhiều vì vai trò diễn viên mà thôi.
Quá khứ huy hoàng của Thương Tín giờ có thể đã là một ký ức buồn bã. Một người đàn ông đẹp trai, nổi tiếng và thường xuyên hoà thân vào những vai diễn góc cạnh, đó là hình mẫu mà phụ nữ không bao giờ thấy nhàm chán. Và sự xả thân của người phụ nữ với Thương Tín, đôi khi chỉ vì một chữ tình. Khi có quá nhiều thì người ta thường không trân trọng và cũng vì có quá nhiều, mà Thương Tín đã bỏ lỡ mọi thứ, kể cả hạnh phúc riêng tư, kể cả một mái ấm. Và đó có thể là nỗi buồn...
Cuối năm 2009, một đồng nghiệp của báo thế giới điện ảnh chia sẻ rằng, Thương Tín dạo này thường xuyên đi hát tại các quán bar, hát cho vui. Và anh còn nhiều dự định cho phim ảnh. Đến những ngày đầu tháng 2/2010, một tờ báo đã đưa tin Thương Tín đã trở lại. Nhưng tất cả những thông tin về anh đã quá cũ. Bộ phim Thiên đường tình yêu 80 tập đang phát sóng trên VCTV9 của đạo diễn Danh Dũng đã được thực hiện từ năm 2007, trước khi anh bị bắt vì tội đánh bạc. Và phim Nhớ sông cũng từ thời điểm đó.
Hầu như tất cả phóng viên văn nghệ ở TP HCM đều không thể liên lạc được với anh kể từ khi xảy ra chuyện anh bị bắt cuối năm 2007. Các đoàn phim truyền hình tại TP HCM, Hãnh phim Long Vân, nơi vừa khởi quay phần 2 của Biệt động Sài Gòn. Những đứa con biệt động cũng hoàn thành không thể liên lạc được với Thương Tín. Khi chúng tôi liên lạc với anh vào số 090734xxxx, luôn là những hồi chuông đổ dài, sau chừng 5 cuộc gọi là tắt máy.
Nếu như Thương Tín chọn cho mình một cuộc sống ẩn dật trong những tháng ngày này, cũng là một cách sống và điều đó cần được tôn trọng. Nhưng, sở dĩ tôi đi tìm anh, là vì tôi luôn tin rằng, anh là một nghệ sĩ thực thụ. Mà một nghệ sĩ thực thụ thì không bao giờ có ý định ngừng sáng tạo, dù chỉ còn là một chút sức tàn.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu