Nghệ sĩ Xuân Hinh: 'Hip-hop vẫn phải 'lạy' chèo, tuồng'
Vốn đã quen với hình ảnh của một anh hề trên sân khấu nhưng ngoài đời, vua hài đất Bắc Xuân Hinh trẻ trung trong áo jean, quần ngố dù "Cu sứt" năm nay đã xấp xỉ tuổi 50.
Vẫn là dáng vẻ hài hước như sinh ra đã có, anh dí dỏm thú nhận: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Mình thế này, nhưng ra ngoài có cháu nào hỏi năm nay chú bao nhiêu tuổi thì vẫn trả lời là chú năm nay chỉ mới 18 thôi, giai tân, chưa vợ".
Quay về với chèo
- Được biết, anh vừa thực hiện một DVD hề chèo trong đó tập hợp 8 trích đoạn của 8 tác phẩm dân gian kinh điển. Vì sao anh trở lại với những vai diễn từng quen thuộc với công chúng?
- Tôi sinh ra từ chèo. Học 7 năm khoa chèo và trưởng thành từ những vai diễn hề chèo như Cu sứt, Thầy bói đi chợ, Xã trưởng mẹ đốp, Thị Mầu lên chùa. Cách đây 30 năm, tôi đã làm một CD về hề chèo. Sau đó, mỗi năm, trong mỗi dự án tôi đều lồng vào một tiết mục để hài hòa 2 yếu tố chèo cổ - kịch hiện đại để người ta xem cái nọ, họ lại thấy cái kia.
Nhưng như thế vẫn chưa khiến tôi sướng được vì tôi vốn là dân chèo. Tôi vẫn canh cánh được làm một cái gì đó từ A đến Z đều là chèo. Sau gần 30 năm lăn lộn với sân khấu, với cuộc đời, ước mơ đó bây giờ mới thực hiện được.
- Chăm chút, đầu tư và chờ đợi, chắc chắn những Cu sứt, Mẹ Đốp, Thị Mầu sẽ có sự khác biệt như thế nào?
- Lần này là chèo hoàn toàn, từ quần áo đến sân khấu. Tôi diễn sống, tức là diễn trên sân khấu và ghi hình, không có đớp giọng hay hát nhép. Lần này có tất cả 6 tiết mục, như thế là cũng hơi tham, nhưng đều là những vở xuất sắc, kinh điển nên tôi không bỏ đi được cái nào.
Người ta chỉ cố một cái, mình lại cố nhiều, nhưng may quá, tôi cũng biết lượng sức, vừa đến mức độ là dừng nên không phải quá cố. Cu sứt, Mẹ Đốp, Xã trưởng, Thị Mầu đều là những nhân vật văn học, nghệ thuật bất tử. Thế hệ ông cha đi trước đã diễn và mỗi người một kiểu. Cũng có người hay, người chưa hay.
- Trước đây anh diễn nhiều, nhưng có phải vì chưa thực sự cảm thấy ấn tượng và thỏa mãn cho nên bây giờ anh quyết tâm làm lại?
- Không phải tôi không ấn tượng. Bở không ấn tượng tại sao có nhiều người xem và yêu thích. Tôi về quê diễn, người đi xem đông nghịt, mặc dù có bán vé. Ở quê, đừng nói đến chuyện lừa khán giả, họ bỏ ra 30 - 40 ngàn đồng là cả yến thóc. Tôi mà lừa họ, hôm sau sẽ không bước qua được cổng làng, đừng nói đến chuyện quay lại.
Lần gần đây nhất, tôi về Nghi Xuân, Hà Tĩnh diễn chèo. Có một cậu bé học lớp 10, chạy lên xin được bắt tay với tôi rồi hí hửng nói: "Trước đây cháu không biết chèo là gì, cứ thấy chèo trên tivi là tắt. Nhưng từ khi được xem chú diễn chèo, cháu lại đâm ra mê như điếu đổ. Cháu đi xe đạp 20 cây số ra đây, xin mẹ 50 ngàn đồng mua vé để được tận mắt xem chú". Tôi đã có những khán giả tuyệt vời như thế.
- Hề chèo Xuân Hinh 2011 có phải là một lời nhắc nhở đối với công chúng khi chèo và nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống đang bị mai một?
- Mọi người cứ nói văn hóa truyền thống bị mai một. Nó mai một ở đâu chứ xung quanh tôi, tôi không thấy. Tôi vẫn đi diễn đều, được nhiều người mời, lịch kín mít mỗi ngày. Có hôm tôi cùng 6 diễn viên khác diễn một đêm hoàn toàn bằng các tiết mục dân tộc mà người đến xem vẫn đông, vé bán hết sạch.
Sắp tới, tôi còn làm chương trình với những nghệ sĩ, nghệ nhân hát xẩm, hát văn, tuồng, chèo nổi tiếng. Đặc biệt, đối với bà con xa quê, họ thích truyền thống. Thật ra, văn hóa dân tộc sẽ không bao giờ mất được. Vua cúi lạy trước vong linh đất nước. Con cái cúi lạy trước bàn thờ bố mẹ. Những hip hop hay thể loại gì có phát triển cũng phải cúi lạy trước chèo, tuồng, hát văn, hát xẩm.
Hơn nữa người Việt Nam vốn yêu, quý trọng và quyến luyến, thiết tha với những giá trị truyền thống. Nó giống như một món ăn, hôm nay có người thích mai có người không, đó là chuyện bình thường của cuộc sống.
Không kiếm tiền nơi cửa Phật
- Không chỉ chèo, anh còn hát rất nhiều thể loại, trong đó có chầu văn? Anh đánh giá thế nào về thể loại nghệ thuật này?
- Mỗi người có một sở trường. Có người chỉ đóng được vai thư sinh và cái mặt của Hinh tôi chỉ gắn với hề. Nếu tôi đóng chính diện chỉ có gián điệp. Từ chèo đến hát văn, hát xẩm cũng gần. Tôi yêu nó đến thế sao mình không sang với nó?.
Những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Pháp kiến thức đầy mình, sang Việt Nam nghe hát văn đều hết sức khâm phục. Mê ở chỗ hát văn là một bộ môn nghệ thuật mang yếu tố tâm linh của dân tộc. Nó kết hợp nhuần nhuyễn của ca, múa, hát, diễn... tất cả tinh hoa. Và nó còn có một cái gì đó không thể giải thích được. Hát Văn chủ yếu miêu tả, ca ngợi những con người có công với đất nước như ông Bảy, ông Hoàng Mười... Đó cũng là một hình thức giáo dục về đạo lý truyền thống hiếu đạo con đối với cha mẹ, ông bà. Giáo dục có nhiều cách và tâm linh cũng là một cách.
- Theo Xuân Hinh, chính vì tâm linh cho nên hiện nay hát văn đang bị lợi dụng?
- Đúng thế. Giống như một tấm huy chương, có mặt trái và mặt phải. Vì sao người ta cứ hay đóng giả anh bộ đội. Vì nhân vật đó là một con người hiền lành, tốt bụng. Cái hay thường bị lợi dụng, bị "đạo". Hát văn cũng tương tự. Nó là tinh hoa của nghệ thuật truyền thống, mang màu sắc tâm linh nên dễ bị người xấu lạm dụng sang phán truyền, mê tín dị đoan.
- Anh hát văn như lên đồng và người nghe như bị thôi miên. Vì sao anh làm được những điều đó?
- Tôi hát bằng cái tâm nên người nghe xúc động, tôi không làm tiền trước tâm linh, cửa Phật. Trời cũng phú cho tôi thiên bẩm. Cách đây không lâu, một gia đình ở nước ngoài về thăm quê, mời tôi đến hát văn để mừng thọ bố mẹ. Tôi hát xong, người con trai cả đứng lên bắt tay, xúc động quá mà khóc. Anh ta bảo: "Cả cuộc đời chưa bao giờ được nghe một câu hát hay và xúc động đến thế".
- Chứ không phải anh phù phép cho tiếng hát của mình?
- Phù phép làm sao được. Tôi có phải phù thủy đâu, tôi chỉ là con người. Tôi đang học cách tu thôi. Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Tôi sống thế nào vì con cái, hát thế nào vì khán giả, làm sao mà ra chợ đong đầy, bán vơi được.
- Càng ngày anh càng nhận được nhiều lời mời hấp dẫn nhưng không phải từ hát chèo?
- Lời mời hấp dẫn có rất nhiều nhưng tôi không còn sức nữa. Nhiều lúc đi đêm về hôm, cả ngày chẳng gặp mặt con, vợ chồng nói chuyện với nhau được vài câu, khổ lắm. Nhưng tôi không từ chối nổi vì tính cả nể, người ta nhờ là làm.
Bây giờ tôi bắt đầu thấy mệt, cho tôi hát rồi diễn lại Văn ca Thánh Mẫu là chịu luôn. "Ngâm" mình 7 - 8 tiếng đồng hồ, diễn, hát, múa liên tục tôi không làm được nữa. Tôi chỉ có thể phục vụ cho ít người thôi. Vì vậy, tội gì tôi không đi hát chèo, diễn giữa hàng vạn người xem cùng một lúc, lại chỉ có trong vòng 20 - 25 phút.
- Nhưng vì yêu thích anh vẫn đi hát nữa chứ?
- Tôi vẫn đi, nhưng là đi vào những dịp mình thích như lễ, Tết. Tính tôi vậy, thích thì làm không thích thì thôi. Ai quý trọng tiếng hát của tôi thì tôi đến với họ. Khi tôi đã đến sẽ không bao giờ phụ lòng họ.
Theo Người đưa tin