Trầm hương quý, nhiều công dụng nên các sản phẩm từ gỗ này trở thành hàng xa xỉ. Ở huyện miền núi Đồng Nai, những người khéo léo đang cho ra đời sản phẩm đáp ứng người dùng.
Hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trầm hương ở xã Phú Trung, Phú Sơn (huyện miền núi Tân Phú, Đồng Nai) tất bật để cho ra "lò" những sản phẩm cuối cùng, đáp ứng nhu cầu người dùng dịp Tết. Trong ảnh, chủ cơ sở trầm nhập gỗ về kho để đảm bảo nguồn nguyên liệu.
Theo ông Phan Thành Công (52 tuổi), chủ cơ sở Trầm hương Thành Công tại xã Phú Sơn, khách hàng chuộng gỗ trầm bởi khi đốt lên, gỗ tỏa hương thơm đặc biệt.
Quý, hiếm, nhiều công dụng nên các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ này trở thành những món hàng xa xỉ.
Ở Đồng Nai, nông dân cấy tạo trầm hương trên thân cây dó bầu bằng các chế phẩm sinh học đặc biệt. Sau 5 năm, họ hạ cây, phân nhỏ thân để sủi (chẻ, đục, đẽo, bóc tách) rồi thu hoạch trầm.
Trên thân dó bầu, trầm là lớp dầu màu đen mỏng bao bọc quanh thân cây, nằm giữa các lớp giác và ròng.
Để thu được sản phẩm này, người sủi trầm phải có tay nghề và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.
Để tạo ra sản phẩm, mỗi cơ sở tuyển 10-50 nhân công làm việc ở các công đoạn khác nhau. Ông Nguyễn Thanh Trung, chủ cơ sở trầm hương ở xã Phú Trung (huyện Tân Phú), cho biết: "Công việc ở xưởng diễn ra liên tục suốt 12 tháng trong năm. Tuy nhiên, dịp cận Tết vẫn là thời gian đỉnh điểm khi phải đáp ứng nhiều đơn hàng".
Sủi trầm được chia thành 8 công đoạn chính và mỗi công đoạn có một dụng cụ riêng biệt. Tùy từng khâu làm việc, người sủi sẽ áp dụng dao, đục có độ sắc bén khác nhau.
Ông Trần Xuân Phương, người gắn bó lâu năm với nghề sủi trầm đang xem độ mỏng của lưỡi đục. Ông nói: "Những người thiếu sự khéo léo sẽ khó lấy được lớp trầm nằm trong thân gỗ. Nhiều người lơ đãng trong lúc làm việc hoặc đẩy lưỡi đục quá mạnh sẽ khiến dầu trầm bị bong theo xác tỉa".
Các sản phẩm trầm hương được chủ cơ sở đóng gói và xuất khẩu qua các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Mỗi kg trầm loại chất lượng cao có giá 30 triệu đồng, loại thường trên 1 triệu đồng mỗi kg.
Chủ cơ sở trầm hương Vũ Thị Hồng nói rằng các phế phẩm của sủi trầm cũng có giá trị kinh tế cao. Phần xác tỉa được bán cho các cơ sở sản xuất nước hoa, dược liệu với giá 200.000 đồng mỗi kg.
Theo một ông chủ, cơ sở của ông làm các hàng mỹ nghệ hoặc sủi thân cây lớn để tạo cảnh. Khi hoàn thiện, mỗi cây trầm được bán với giá từ 50-80 triệu đồng. "Nhu cầu tiêu dùng lớn nên gần chục năm qua nghề sủi trầm phát triển mạnh, đem lại sự giàu có cho nhiều gia đình", ông nói.
Chiều 19/1, hàng nghìn phương tiện bị kẹt cứng khi đi vào các tuyến đường trung tâm Sài Gòn. Trong khi đó, một số con đường ở quận 10, Gò Vấp, Tân Bình, bị ùn tắc nghiêm trọng.
Trên sông Sài Gòn gần chùa Diệu Pháp và bến đò An Phú Đông xuất hiện nhiều nhóm thanh thiếu niên dùng vợt hoặc tay không đánh bắt cá chép vừa thả của người dân cúng Táo quân.