Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghỉ học vì dịch, nam sinh biến nhà cũ thành không gian thơ mộng

Rời bỏ phòng trọ 9 m2 gần trường, Ngọc Quân vay tiền, thuê lại ngôi nhà nhỏ ở lưng chừng đồi thông. Nam sinh đã tạo nên không gian sống bình yên, ấm áp.

Cuối tháng 4, Hồ Ngọc Quân chuyển sang học online. Một buổi sáng, khi đang lang thang vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt, nam sinh tình cờ thấy căn nhà cũ được cho thuê. Như một cái duyên, Quân quyết định dùng tiền tích cóp và vay thêm để thuê lại nơi này.

“Đến ngày 20/5, em chính thức nghỉ học nên cùng bạn bắt tay luôn vào việc sửa chữa ngôi nhà nhỏ mới thuê. Gần 2 tháng, việc sửa sang, trang trí hoàn thành”, nam sinh 20 tuổi chia sẻ.

Sinh viên kiến trúc tự tay làm mọi thứ

Hai tháng qua, khi việc học tạm gác lại, chàng sinh viên năm thứ hai tập trung hoàn toàn cho căn nhà nhỏ. Quân cùng bạn vào rừng lượm củi, cây về trang trí, săn mua đồ giá rẻ, tận dụng gỗ dư để thay đổi diện mạo ngôi nhà.

Họ tự tay làm mọi thứ, từ giàn gỗ trước hiên nhà đón nắng, bàn, tủ sách đến kệ gia vị. Quân muốn ngôi nhà gần gũi thiên nhiên, không dùng vật liệu công nghiệp và hạn chế đồ nhựa. Những kiến thức học được ở trường giúp em phần nào trong quá trình cải tạo nhà.

“Tụi em là sinh viên, có tuổi trẻ, sức khỏe và nhiều hoài bão. Để thuê nhà, em dùng tiền tích cóp khi làm thêm và vay thêm người quen. Việc trang trí nhà hoàn toàn theo sở thích và ví tiền”, Ngọc Quân tâm sự.

Hai tháng miệt mài sửa sang, làm mới ngôi nhà, chăm khu vườn, chàng sinh viên kiến trúc thay đổi căn nhỏ cũ, nhỏ, xuề xòa của cô chú nông dân thành nơi mà chỉ ngắm qua ảnh, bao người cũng cảm thấy bình yên, ấm áp.

“Sướng” - Quân nói như vậy khi nhìn lại ngôi nhà hiện tại và ảnh của nó cách đây hai tháng. Những lời khen của hàng xóm, chủ ngôi nhà trước đây và bạn bè khiến mọi thứ càng trở nên đáng giá.

Ngôi nhà nhỏ cũng giúp Hồ Ngọc Quân vượt qua những ngày dịch bệnh căng thẳng với tâm lý thoải mái hơn. Hiện tại, việc sửa sang, trang trí nhà đã hoàn thành. Hàng ngày, Quân dành thời gian chăm sóc khu vườn, hai chú chó nhỏ, làm đồ handmade và dạo chơi đồi thông.

Đó là những thứ mà nam sinh không thể có được nếu em không mạnh dạn rời bỏ phòng trọ nhỏ bé, chỉ 9 m2 ở gần trường để vay tiền, thuê căn nhà cũ, chịu khó dành thời gian, tâm huyết sửa sang.

Muốn trở thành kiến trúc sư “có gu riêng”

Thực tế, tình yêu thiên nhiên tác động rất nhiều đến các quyết định của Hồ Ngọc Quân. Kết thúc những năm học phổ thông, trong khi bạn bè đặt mục tiêu vào các trường ở thành phố lớn, Quân chọn thi vào ĐH Kiến trúc Đà Lạt vì yêu thiên nhiên và lối sống bình yên nơi này.

Nam sinh cũng ấp ủ dự định ra ngoại ô sống từ trước nhưng chưa đủ mạnh dạn, tự tin để thực hiện. Chỉ khi thấy căn nhà cũ, đơn sơ lưng chừng đồi thông, Ngọc Quân mới có cảm giác “duyên đã đến”.

Chàng trai ngành kiến trúc mê cái đẹp, muốn tự tay tạo nên không gian sống, đồng thời cũng muốn thử sức mình ở lĩnh vực liên quan đến ngành học.

“Dự án đầu tay” của Hồ Ngọc Quân nhận được sự ủng hộ từ bạn bè, người quen và cả những người xa lạ trên mạng xã hội. Quân quyết định khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống bình thường trở lại, em sẽ mở tiệm cà phê để vừa có công việc, trang trải cuộc sống vừa chia sẻ không gian tới những người chung sở thích. Em muốn ngôi nhà luôn chỉn chu, giữ được nét bình yên, thơ mộng.

Nhưng ưu tiên của nam sinh vẫn là việc học ở trường. Sau kỳ nghỉ hè, Hồ Ngọc Quân sẽ bước sang năm thứ ba. Quân quyết định những ngày bài vở nhiều, em ở lại trường để tập trung học. Những ngày khác, em sống tại ngôi nhà nhỏ để tận hưởng thiên nhiên và cảm giác yên bình. Cung đường đến trường quanh co với rừng thông tươi đẹp khiến việc vượt qua quãng đường 20 km đi học không phải là vấn đề lớn.

Hiện tại, dù dịch bệnh khiến mọi thứ khó khăn, Hồ Ngọc Quân cơ bản hài lòng về cuộc sống, từ ngành học, ngôi trường em đã lựa chọn đến quyết định rời thành phố để sống ở ngôi nhà nhỏ lưng chừng đồi.

Ít nhất, Quân cảm thấy mình còn may mắn khi sống và học tập tại một nơi mình làm ra, được tiếp tục theo đuổi ước mơ tạo ra không gian sống đẹp.

“Sau này, em muốn trở thành một kiến trúc sư có gu riêng. Đây là ước mơ em hướng tới từ ngày bé. Mục tiêu của em sau tốt nghiệp là tìm công việc phù hợp để học hỏi, trau dồi, mức lương không quá quan trọng”, nam sinh 20 tuổi chia sẻ.

Các thí sinh chung kết Olympia không áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp

Chắc suất vào đại học, 3 thí sinh vào chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2020 không áp lực nhiều nhưng vẫn nỗ lực để có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm