Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghị lực phi thường của thầy giáo dạy Toán

Nhiều năm qua, thầy Nguyễn Đức Trường, giáo viên trường THCS Đa Tốn (Hà Nội), không chỉ là nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, mà còn là tấm gương về nghị lực phi thường.

Chứng bệnh teo cơ từ nhỏ do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam khiến thầy Trường đi lại khó khăn, thường phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Ngoài những ngày đi châm cứu chữa bệnh, thầy tập đi và cố gắng đến trường.

Mỗi bước chân đến lớp của cậu bé Nguyễn Đức Trường năm nào, mỗi bước chân lên bục giảng của thầy giáo Nguyễn Đức Trường ngày nay đều chất chứa biết bao gian khó, nhọc nhằn. Nhưng đó cũng là những bước chân can đảm, mạnh mẽ nhất, trở thành bài học không lời mà cao thượng, sâu sắc diệu kỳ.

thay Nguyen Duc Tuong anh 1

Thầy Nguyễn Đức Trường - giáo viên trường THCS Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Việt Cường/Giáo Dục & Thời Đại.

Năm 1993, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy về dạy Toán tại trường THCS Đa Tốn. Những ngày đứng trên bục giảng với thầy không đơn giản.

“Tôi tự nhắc nhở rằng mình có thể là người khiếm khuyết về ngoại hình, nhưng phải là một người thầy có nhân cách”, thầy Trường nói.

Chiến thắng sự tự ti của bản thân, thầy đã đem đến làn gió mới vào môn học, thổi niềm đam mê cho các thế hệ học sinh. Những con số, phép tính khô khan của môn Toán đã được thầy truyền đạt một cách dễ hiểu, hóm hỉnh. Xen lẫn những giờ học thầy còn lồng ghép những câu chuyện về gương vượt khó vươn lên để bồi dưỡng tâm hồn học sinh.

Trong các bài giảng, thầy Trường luôn chú ý khơi gợi và khuyến khích tính chủ động, khả năng tự học ở học sinh. Thầy giảng dạy theo chuyên đề, biến học sinh thành những chuyên gia nghiên cứu, giúp các em sưu tầm, phân dạng bài tập.

Thầy luôn chú trọng phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; hướng các em vận dụng kiến thức để giải quyết những bài toán đặt ra trong thực tiễn cuộc sống qua các đề toán vui, toán đố làm đường, tường rào, xây nhà. Thầy giúp học sinh phát triển năng khiếu bằng cách tiếp cận các kỳ thi, hướng dẫn thi giải toán.

Nhờ vậy, trong mắt học sinh, bộ môn Toán không còn là những con số khô khan, công thức vô hồn mà trở thành thế giới của những niềm vui, hào hứng, say mê. Ở đó, các em được khuyến khích và nâng đỡ, khám phá và sáng tạo, thể hiện và khẳng định bản thân.

Đặc biệt, sau mỗi giờ lên lớp, thầy Trường lại cần mẫn làm việc, nghiên cứu để tiếp tục lan tỏa tình yêu Toán học đến học sinh và đồng nghiệp.

Thầy viết bài cho các tạp chí chuyên ngành, viết sáng kiến kinh nghiệm, sách tham khảo. Tuy sức khỏe yếu, thầy tràn đầy năng lượng làm việc.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của huyện Gia Lâm nói riêng và của Hà Nội nói chung, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã nhiều lần được vinh danh và được tặng thưởng những danh hiệu thi đua. Nhưng có lẽ, phần thưởng cao quý nhất đối với thầy chính là sự thành công của các học sinh.

Rất nhiều học sinh của thầy Trường đã trở thành học sinh giỏi môn Toán, đoạt giải cao trong các kỳ thi cấp huyện, cấp thành phố, cấp quốc gia.

Cũng có không ít học sinh từ niềm tin yêu, ngưỡng mộ thầy mà quyết tâm học để trở thành giáo viên dạy Toán, tiếp bước thầy truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ sau.

Nghị lực chinh phục con chữ của cậu bé 13 tuổi sống một mình

Về đêm, bản Mười (Bá Thước, Thanh Hóa) tối đặc một màu đen. Sống một mình suốt 6 năm, tối nào cậu học trò nghèo Nguyễn Hồng Nguyên cũng đội đèn pin lên đầu, miệt mài học bài.

https://giaoducthoidai.vn/tre/nghi-luc-phi-thuong-cua-thay-giao-day-toan-4056686-b.html

Theo Việt Cường / Giáo Dục & Thời Đại

Bạn có thể quan tâm