Theo niên giám thống kê của Tổng cục thống kê, tại thời điểm đầu năm học 2021-2022, số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 813.200 người.
Năm học 2015-2016, cả nước có 861.300 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Như vậy, sau 6 năm trước, cả nước giảm hơn 48.000 giáo viên phổ thông trực tiếp đứng lớp.
Thống kê số lượng giáo viên từ năm 2015-2022. Ảnh: VietNamNet. |
Nghịch lý số lượng giáo viên giảm xuống, số học sinh phổ thông lại không ngừng tăng lên. Theo niên giám thống kê, đến năm 2021, cả nước có 17.921.100 học sinh.
Trong khi đó, con số này cách đây 6 năm trước (2015) là 15.358.800 học sinh. Số học sinh tăng ở cả 3 bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thống kê số lượng học sinh từ năm 2015-2022. Ảnh: VietNamNet. |
Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023.
Tuy vậy, việc này không hề đơn giản.
Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, tỉnh này hiện thiếu hơn 7.800 giáo viên. Việc tuyển giáo viên “khó nhanh” bởi quy trình phải qua nhiều khâu, gồm giao chỉ tiêu biên chế về cho các huyện, thị từ Sở Nội vụ, sau đó phải tổ chức hướng dẫn thi tuyển.
Trước khi thi tuyển cũng phải công bố thông tin công khai trong một khoảng thời gian để ứng viên được biết, nộp hồ sơ... Sau đó mới đến thi tuyển, tiếp đó là trình cấp trên phê duyệt kết quả rồi mới ký hợp đồng vào làm việc.
Do đó, ông Thành nhận định mục tiêu bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập ngay trước thềm năm học mới là điều không thể.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương - cho biết dự kiến năm học 2022-2023 tỉnh Bình Dương thiếu 3.102 giáo viên. Dù vậy, từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành giáo dục có 527 giáo viên nghỉ việc.
Ông Phong cho rằng việc thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay một phần do lương thấp, do áp lực công việc, số lượng học sinh tăng nhanh…
Cũng như Bình Dương, Nghệ An, hiện rất nhiều địa phương than khó về giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là giáo viên tin học, nghệ thuật. Nhiều tỉnh, thành đã tính toán đến phương án tuyển dụng gấp, luân chuyển, điều động, thậm chí một giáo viên có thể phải dạy nhiều cấp học ở nhiều trường khác nhau.
Nguy cơ thiếu giáo viên đã được nhiều chuyên gia cảnh báo trong nhiều năm qua, nhưng dường như công tác dự báo và dữ liệu của Bộ GD&ĐT chưa thật đầy đủ.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn cho rằng một trong những nguyên nhân của thiếu giáo viên là do “Bộ GD&ĐT chuyển biến chậm”.
“Chúng ta phải có ứng dụng công nghệ để có một hệ thống nắm thật chắc nguồn lực của ngành về giáo viên, cơ sở vật chất gắn với thông tin dân số ở từng địa bàn để toàn ngành và từng địa phương chủ động", ông nói.
Cũng theo phó thủ tướng, khi Bình Dương nói thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có đề nghị tỉnh báo cáo. Nhưng thực ra những số liệu đó, nếu được cập nhật tốt và có bộ phận phân tích thông tin hàng ngày, Bộ GD&ĐT đã có thể chủ động nắm được từ trước rồi và không cần tỉnh báo cáo.
Phó thủ tướng cho hay cần làm sao để cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT phải có đủ thông tin về từng địa bàn có bao nhiêu lớp, trường, học sinh. Nắm sát, biết chỗ nào thừa - thiếu mới có thể định hướng quy hoạch.
“Phải làm quyết liệt. Số lượng giáo viên nắm được rồi, cập nhật xong phải có bộ phận xử lý những thông tin đó”, phó thủ tướng nói.