Năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức ở 63 tỉnh thành. Sau khi kỳ thi kết thúc, nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội về việc coi thi năm vừa qua giảm áp lực đi lại và chi phí cho thí sinh, nhưng còn nhiều bất cập khi không thể hiện sự công bằng, nghiêm túc ở địa phương.
Nghịch lý chưa từng xảy ra
Cũng trong năm này, nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học được dư luận quan tâm. Cụ thể, sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển, nhiều thí sinh bất ngờ khi điểm chuẩn năm nay được cho là cao kỷ lục trong nhiều năm.
Điểm chuẩn D01 đối với nữ ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện An Ninh Nhân dân) lên đến 30,5. Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y cũng có ngành lấy 30 điểm. Các trường đại học khối y dược, điểm trúng tuyển cao chót vót, có ngành cao nhất từ trước đến nay.
Sang năm 2018, vụ gian lận thi cử gây chấn động dư luận tại ba tỉnh miền núi phía Bắc là Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Tại Hà Giang, 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm chênh lệch so với ban đầu. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm chấm thẩm định, 68 sinh viên Hòa Bình và Sơn La bị buộc thôi học hoặc tự nghỉ.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng những năm qua đề thi chưa tiêu chuẩn hóa, kỳ thi chưa công bằng. Ảnh: Đức Phạm. |
Một nghịch lý khác lại đặt ra đó là rất nhiều thủ khoa bị trả về địa phương vì được nâng điểm. Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội là T.P.T. đến từ Hòa Bình được nâng lên tới 14,85 điểm. Thí sinh T.A.Đ xét tuyển theo khối A1 (Toán, Lý, Anh) với 27,9 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên) trở thành Thủ khoa khối A1 của Học viện Cảnh sát nhân dân. Sau khi bị trả về điểm thực, thí sinh này được nâng đến 16,5 điểm.
Nói về những nghịch lý của kỳ thi THPT quốc gia, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, chia sẻ với những cải tiến mới trong kỳ thi năm 2019, ông không dám chắc mọi tiêu cực sẽ được triệt tiêu hoàn toàn. Tuy nhiên, cách tổ chức thi và chấm thi của Bộ GD&ĐT có cải thiện hơn so với các năm trước.
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên nhân của những "lộn xộn" nói trên do Bộ GD&ĐT đưa ra đề thi mang tính chất tiêu chuẩn hóa nhưng chưa hiệu quả. Kết quả cho thấy năm thì đề thi quá dễ, năm lại quá khó.
Với những cuộc thi có quy mô lớn, đề thi phải được lấy từ ngân hàng đề đã được thử nghiệm trong thực tế, đảm bảo các tiêu chuẩn, phù hợp với trình độ số đông người học. Điều này khác hoàn toàn so với cách làm đề theo lối truyền thống. Khi đó người thầy cảm nhận đề dễ hoặc khó, chứ không xuất phát từ người học.
TS Lê Viết Khuyến hy vọng kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều thời gian để thực hiện bộ đề, được thử nghiệm trên hàng triệu học sinh chứ không phải dừng lại con số hàng nghìn hay trăm nghìn em. Có như vậy đề thi mới mang lại kết quả tốt hơn.
Để khắc phục nguyên nhân xảy ra nghịch lý gian lận điểm thi, TS Lê Viết Khuyến thông tin với quy mô học sinh đông như hiện tại, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tại địa phương là cách làm đúng.
Tuy nhiên, để kỳ thi diễn ra an toàn hơn, TS Lê Viết Khuyến cho hay phải đặt trách nhiệm nặng nề hơn cho người đứng đầu địa phương khi có sai phạm xảy ra. Đồng thời camera giám sát ở các phòng thi, nơi lưu trữ bài thi phải được công khai. Camera khi lắp nội bộ vẫn có kẽ hở cho gian lận khi cả hội đồng thi cùng chung kế hoạch thay đổi điểm số.
“Chỉ khi nào xã hội có thể công khai giám sát lúc đó người có ý định gian lận mới không dám làm và người dân mới yên tâm hơn” - TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Lo lắng tính nghiêm túc khi thi ở địa phương
Tại hội thảo Kinh nghiệm quốc tế và mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh, đã có những phát biểu thẳng thắn về cách tổ chức thi.
Theo ông Dũng, cách tổ chức thi hiện nay có thể tạo ra rủi ro. Bởi Bộ GD&ĐT không biết các Sở GD&ĐT làm thế nào, còn bản thân ông là giám đốc sở nhưng lại lo không biết các điểm thi trên địa bàn mình làm thế nào.
Sơn La là một trong những địa phương xảy ra gian lận thi cử. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Bộ GD&ĐT thì lo những điểm thi cách xa trung tâm như Tây Bắc, Tây Nguyên còn chúng tôi lại lo những điểm thi cách sở 50-70 km. Tôi lo từ khâu bảo quản đề thi, bài thi... mỗi lần thế lại 'lên một cơn đau tim' vì quá nhiều nguy hiểm", ông Dũng phát biểu.
Theo ông Dũng, mỗi lần Bộ GD&ĐT cải tiến để làm kỳ thi tốt hơn, Sở GD&ĐT lại phải lo rất nhiều việc khác kèm theo. Trong đó, ông Dũng thấy bất cập ở việc phân quyền chưa hợp lý và áp lực đang dồn về địa phương. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho hay gian lận thi cử theo cách Hòa Bình, Sơn La làm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Còn PGS Lê Đức Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cũng đặt vấn đề: "Cách đánh giá hơn 90% học sinh tốt nghiệp thì làm sao mà thúc đẩy các trường THPT nâng cao chất lượng?".
Ông Lê Đức Ngọc đánh giá nguyên nhân là Bộ GD&ĐT phân quyền cho địa phương quá lớn, từ tổ chức thi cho đến chấm thi, chưa áp dụng được công nghệ hiện đại nên kỳ thi còn nhiều tiêu cực.