Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghiên cứu bỏ hình phạt tử hình

Ngày 7/4, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng pháp luật không nên tồn tại các quy định nhằm tước đoạt mạng sống con người.

Trình bày dự án bộ luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết chỉ có 8 trong tổng số 441 điều của dự thảo được giữ nguyên.

Có thể dùng tiền để thoát án tử hình?

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung quy định hình phạt tử hình có thể chuyển thành tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình.

"Tù chung thân vĩnh viễn"

"Hiến pháp đã quy định mọi người có quyền sống, nhưng “tuyên ngôn” này thể hiện chưa mạnh mẽ. Đọc dự thảo luật thấy các điều quy định tước đoạt quyền sống của con người vẫn còn nhiều. Tôi đề nghị cần phải giảm, thậm chí tiến tới bãi bỏ, các tội tử hình cần chuyển sang chung thân không giảm án" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển đề xuất.

Ông Hiển cho rằng nếu chỉ bỏ 7 tội có hình phạt tử hình thì vẫn còn ít, chưa đúng với tinh thần Hiến pháp.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng lên tiếng: “Nếu chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền văn minh thì cần bỏ dần và bỏ hẳn hình phạt tử hình. Chúng ta nghiên cứu để quy định hình phạt tù chung thân vĩnh viễn, không có giảm án đối với các tội nghiêm trọng”.

Về tội danh cụ thể, các đại biểu cho rằng hiện nay phạm tội ma túy là bị tử hình nhiều nhất, đặc biệt là người mua bán, vận chuyển. Với tội danh này, theo Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh nói: “Tách tội tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy ra, chỉ xử phạt tử hình với những người cầm đầu, tổ chức vận chuyển, tàng trữ ở mức độ nghiêm trọng, tức là với số lượng lớn, thời gian kéo dài”.

Về các tội danh có hình phạt tử hình được đề xuất bỏ, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn: “Cần giữ lại hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống lại loài người và tội phạm chiến tranh. Lý do, chúng ta thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh, vì vậy cần những quy định mang tính răn đe. Tôi nghĩ không có gì phải lấn cấn ở chỗ này”.

Đồng thời ông Sơn đề nghị giữ lại hình phạt tử hình với hai tội là “chống mệnh lệnh, đầu hàng địch” để đảm bảo tính răn đe, giữ gìn kỷ luật trong quân đội.

Đề xuất nhiều tội mới

Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị nghiên cứu để hình sự hóa các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông bởi đây đang là quốc nạn, mỗi năm cướp đi mạng sống của 90.000-100.000 người. “Tôi đặc biệt lưu ý tội cố tình, thậm chí chống đối lại lực lượng công vụ.

Ví dụ có những xe chở quá số khách quy định, chở quá khổ, quá tải khi bị yêu cầu dừng lại thì chống đối, bỏ chạy, bất hợp tác. Rồi việc lấn chiếm lòng lề đường. Tôi hy vọng luật này ra đời thì hạn chế được tai nạn giao thông” - ông Hiển nói.

Ông Ksor Phước đề nghị quy định tội xâm phạm quyền bình đẳng dân tộc. “Tôi thấy rằng hiện nay dân tộc thiểu số ở Việt Nam là người nghèo nhất. Họ là nhóm yếu thế nhất, khó được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước và các ngành nghề phi nông nghiệp, rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, những hành vi phân biệt đối xử dân tộc cần bị xử lý hình sự” - ông phân tích.

Quan tâm đến lĩnh vực môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng: “Các tội xâm phạm môi trường nên quy định theo mức độ gây hại, ví dụ có những cây giá hàng tỷ đồng, có những cây liên quan đến nguồn gen quý hiếm nếu bị đốn hạ, xâm hại thì phải xử lý thích đáng. Tội liên quan đến công nghệ thông tin cũng vậy, cần nghiên cứu rất kỹ bởi loại tội phạm này ghê gớm lắm, có thể làm một chế độ sụp đổ, làm một người mất hết danh dự chỉ trong một đêm”.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường là có đặt vấn đề đưa các tội như suy thoái, tự chuyển biến, lợi ích nhóm vào Bộ luật hình sự (sửa đổi) không? Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết trong dự thảo bộ luật không có riêng các điều khoản quy định về các tội trên, nhưng với những hành vi tội phạm thì đã được điều chỉnh trong các điều luật quy định về từng tội danh cụ thể.

“Nói về lợi ích nhóm, ví dụ như vì lợi ích nhóm mà hối lộ, chạy này chạy khác, thì chúng tôi đã quy định vào các điều luật cụ thể, ví dụ như nhóm tội về tham nhũng. Và chúng tôi cũng quy định truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân (tổ chức, doanh nghiệp...) vào đây” - ông Cường giải thích.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu quan tâm đến việc quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân (tổ chức, doanh nghiệp...) và các hình phạt như đình chỉ hoạt động, tước giấy phép, cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực, cấm huy động vốn... Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị bổ sung tội chiếm dụng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Sửa luật, quan tham thoát án tử?

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) vẫn duy trì án tử hình cho hai tội tham ô và nhận hối lộ nhưng lại cho người bị án tử được nộp tiền để chuyển từ tử hình xuống chung thân.

Biện pháp điều tra đặc biệt là biện pháp gì?

Chiều 7/4, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Đây cũng là dự án luật đồ sộ, được sửa đổi, bổ sung toàn diện, với nhiều nội dung được dư luận quan tâm.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý không đồng tình với quy định về việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt được thể hiện trong dự thảo bộ luật.

Ông Phước cho rằng việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, ví dụ như nghe lén điện thoại, đọc trộm thư tín... là những biện pháp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do của công dân, cần quy định cụ thể trong bộ luật này, không nên quy định chung chung là giao cho Chính phủ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nói, “tôi cũng chưa rõ quy định như vậy nó là cái gì”. Ông Vương cho rằng nói về điều tra tố tụng thì quy định như vậy cũng không phù hợp, còn nếu liên quan đến các biện pháp trinh sát đặc biệt thì “vì nó là bí mật nên cũng không thể nói được”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Cho dù là điều tra hay trinh sát thì cũng phải quy định trong luật, phải nói rõ là trong trường hợp nào thì áp dụng cái gì và ai cho phép, chứ đừng ghi hai chữ đặc biệt vào”.

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150408/nghien-cuu-bo-hinh-phat-tu-hinh/730970.html

Theo Lê Kiên/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm