Bác sĩ Trần Quang Lục - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - cho hay khoa Cấp cứu mới tiếp nhận một bệnh nhân nam (42 tuổi), vào viện trong tình trạng vừa nôn ra máu tươi với số lượng nhiều và đi ngoài phân máu, sốc mất máu mức độ nặng. Đây là lần nôn ra máu tái phát thứ 4.
Hình chụp hệ tĩnh mạch cửa và các búi giãn tĩnh mạch thực quản của bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Các bác sĩ đã tiến hành khám, làm xét nghiệm, siêu âm cấp cứu và chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản do xơ gan mất bù có nguyên nhân từ việc lạm dụng rượu nhiều năm. Sau đó, các bác sĩ đã nội soi thực quản - dạ dày, thắt tĩnh mạch thực quản cầm máu thành công, kết hợp với thủ thuật nội soi cầm máu. Các bác sĩ đã cho truyền dịch và dung dịch cao phân tử để nâng huyết áp, đồng thời xin máu cấp cứu để truyền cho người bệnh. Kết quả, bệnh nhân dần ổn định và huyết động tạm ổn.
Sau 4 ngày điều trị, người đàn ông lại bất ngờ đi ngoài ra máu trở lại, huyết áp tụt và lại sốc, tiếp tục được nội soi làm thủ thuật cầm máu. Tuy nhiên, lần này nội soi khó kiểm soát được bởi tình trạng thành thực quản đã xơ hóa do thắt nhiều lần, không thể cầm máu.
Lúc này, ê-kíp điện quang can thiệp đã được mời hội chẩn cấp cứu và chỉ định làm kỹ thuật tạo luồng thông cửa chủ trong gan qua da (TIPS). Đây là kỹ thuật đặt một giá đỡ kim loại có màng phủ trong gan, tạo một dòng chảy trực tiếp từ tĩnh mạch cửa lên tĩnh mạch gan làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, kết hợp với nút các búi giãn tĩnh mạch thực quản để cầm máu.
Các bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật và máu ngừng chảy ngay lập tức, người bệnh ổn định và đi ngoài phân vàng sau 2 ngày, các thông số huyết động về bình thường. Bác sĩ Lục cho biết sau can thiệp TIPS 2 ngày, người bệnh khỏe mạnh bình thường và được theo dõi thêm 3 ngày trước khi xuất viện.