Ngày 31/7, bác sĩ Mai Đình Chung, Trưởng khối điều trị nội khoa, thuộc Trung tâm dịch vụ y tế Bệnh viện đa khoa Khánh Hoà cho biết, vừa cấp cứu thành công bệnh nhân bị ngộ độc do uống nước cây vòi voi tươi, một loại cây mà theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là: “không nên dùng cây vòi voi này làm thuốc chữa bệnh cho người”. Sau khi được điều trị tích cực, hiện sức khoẻ bệnh nhân đã dần hồi phục, tỉnh táo.
Bệnh nhân là ông HKN, 58 tuổi, trú ở phường Vạn Thạnh, TP.Nha Trang (Khánh Hoà). Theo lời kể của ông N., do ông bị đau lưng nhiều ngày, trong lúc đang điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu tình cờ gặp người quen, ông này đã giới thiệu và cho biết, bản thân ông ấy cũng bị bệnh tình tương tự, sau khi xay cây vòi voi tươi lấy nước uống đã khỏi bệnh. Nghe theo lời người quen, ông ra chợ mua 20 ngàn đồng cây vòi voi tươi đem về say ra nước uống. Sau gần 4 giờ uống vào thấy trong người nôn nao và bắt đầu bị nôn, kèm tiêu chảy liên tục nhiều giờ liền. Khi được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu vẫn nôn thêm vài giờ nữa…
Theo bác sĩ Mai Đình Chung, cây vòi voi cũng có công dụng kháng viêm, nhưng khi sử dụng phải theo chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý mua và sử dụng theo kiểu “truyền miệng” như thế sẽ rất nguy hiểm, vì đây là loại cây có độc tố cao ảnh hưởng đến gan, thậm chí gây ung thư.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liên quan đến cây vòi voi: “Từ năm 1969, các nhà khoa học đã phát hiện trong một số loài cây vòi voi (có tên khoa học Heliotropium nhưHeliotropium lasiocarpum Fish et Mey)có một số alkaloid độc tính cao với gan, gây hủy hoại tổ chức gan, đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết lan tỏa và có thể gây ung thư. Độc tính nàykhông xuất hiện ngaysau khi dùng thuốc mà kéo dài âm ỉ, khó phát hiện. Do đó, không nên dùng cây vòi voi này làm thuốc chữa bệnh cho người”.