Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngộ độc thực phẩm: Kiến nghị cấm nhập khẩu nội tạng động vật

Năm 2014, Việt Nam có 194 vụ ngộ độc thực phẩm, 5.203 người mắc, 43 người chết. Theo các chuyên gia đây là vấn đề nóng và khó tháo gỡ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật bao gồm nhiều luật và pháp lệnh về chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các Bộ cũng đã ban hành hàng trăm văn bản, quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2013 có 167 vụ ngộ độc thực phẩm, 5.558 người bị ngộ độc, 28 người chết. Đến năm 2014 có 194 vụ ngộ độc thực phẩm, 5.203 người mắc, 43 người chết.

Theo ông Hùng, nguyên nhân làm gia tăng các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ do sản xuất, chế biến, cây trồng, vật nuôi bị ô nhiễm hóa chất, kim loại nặng thải ra từ các khu công nghiệp mà còn do tình trạng sử dụng các hóa chất ngoài danh mục hoặc bị cấm như thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng trong trồng trọt, chất tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi, các chất bảo quản phụ gia, chất ngọt tổng hợp, phẩm màu công nghiệp trong chế biến, bảo quản thực phẩm dẫn đến ô nhiễm thực phẩm.

Đặc biệt, trong nguồn thực phẩm nhập khẩu cũng có không ít thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn như sữa nhiễm melamine có nguồn gốc từ Trung Quốc, thạch rau câu có chất phụ gia chứa chất DEHP (chất phụ gia bị cấm dùng trong thực phẩm), hạt trân châu có chứa chất gây suy thận có nguồn gốc Đài Loan, hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả, hàng chục tấn thịt bò Australia, Canada hết hạn gần 2 năm. Ngoài ra, mỗi năm hàng triệu con gà thải loại, và hàng chục tấn phủ tạng động vật được buôn lậu qua các tỉnh biên giới .

Theo ông Hùng, người tiêu dùng sử dụng phải nguồn thực phẩm không đảm bảo một phần là do thông tin quảng cáo tràn lan thiếu kiểm chứng, quảng cáo không trung thực gây nhầm lẫn; nguồn cung ứng tiếp thị của các công ty thiếu thông tin cập nhật khiến người tiêu dùng ngày càng khó lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh.

Trước vấn đề trên, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kiến nghị Nhà nước không cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng động vật, gà thải loại từ nước ngoài, có giải pháp cứng rắn ngăn chặn thực phẩm Trung Quốc không an toàn nhập lậu qua biên giới như: phủ tạng động vật, trứng gia cầm, hoa quả… Đồng thời người tiêu dùng cũng cần phải tự trang bị những kiến thức an toàn về thực phẩm, nhất là những kiến thức cơ bản nhất về những loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên như: cá nóc, ốc biển, lượng độc tố trong nấm, nấm mốc…

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP HCM cho biết, thành phố là nơi tiêu thụ thực phẩm rất lớn, nhưng việc quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm chủ yếu do các địa phương cung cấp thực phẩm chịu trách nhiệm, chính vì thế, công tác kiểm tra, quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình an toàn thực phẩm trên thế giới diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch, bệnh qua thực phẩm rất lớn gây khó khăn cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP HCM.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo, để tránh sử dụng phải thực phẩm không đảm bảo, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng, nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tránh ăn phải các loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên. Trong trường hợp phát hiện các sản phẩm sai phạm, cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, ngăn chặn nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường.

http://infonet.vn/nong-voi-ngo-doc-thuc-pham-kien-nghi-cam-nhap-khau-noi-tang-dong-vat-post166954.info

Theo An Nhiên/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm