Ngô Phương Lan: "Học xong, tôi trở về đúng nghĩa... Hoa hậu"
Tên của cô gái có vẻ đẹp như bông sứ trắng vừa yêu kiều vừa dịu nhẹ được xướng lên trong đêm chung kết Hoa hậu Thế giới người Việt, cả sân khấu nhạc nước Vinpearl như vỡ òa trong tiếng reo hò cổ vũ.
Tân Hoa hậu Ngô Phương Lan sinh năm 1987 tại Hà Nội. Cô là con gái của ông Ngô Quang Xuân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp quốc, tổ chức Thương mại thế giới WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ).
Trên Ngô Phương Lan còn có người chị gái hơn cô 11 tuổi, tên là Ngô Thu Hương vừa học xong cao học Kinh tế tại New York (Mỹ). Trước khi được nhận vào Đại học Tổng hợp Geneva, Lan đã xuất sắc vượt qua kỳ thi tú tài toàn phần Pháp của một trường trung học quốc tế vùng Pháp giáp Thụy Sĩ. Hiện cô là sinh viên năm thứ 3 ngành Quan hệ Quốc tế.
"Không có câu hỏi nào được biết trước"
- Phải nói rằng câu trả lời phần thi ứng xử của Lan trong đêm chung kết đã chinh phục khán giả bởi sự ngắn gọn, súc tích và... khá hoàn hảo. Nhưng, nếu có ý kiến "lật ngược" rằng đã có sự chuẩn bị câu hỏi từ trước, Lan phản ứng ra sao?
- Tôi khẳng định là không có chuyện câu hỏi cụ thể nào được biết hay chuẩn bị trước. Trước đêm chung kết hai ngày, Ban giám khảo chỉ đưa ra 6 - 7 chủ đề để 37 thí sinh cùng chuẩn bị. Cuộc thi này được chấm rất kỹ. Ban giám khảo đã gặp gỡ, hỏi từng thí sinh từ 5 - 6 lần, mỗi lần từ 3- 4 tiếng. Thí sinh nào ứng xử ra sao thì ai cũng biết cả. Hơn nữa, đối với tôi, từ bé đã được mẹ dạy bảo hướng thiện, sống chân thành, biết chia sẻ thì câu hỏi ấy không có gì xa lạ.
- Phong thái trả lời chững chạc, tự tin, mang dáng dấp nhà đối ngoại của Lan có được là nhờ "gien" từ một gia đình có truyền thống về ngoại giao?
- Cũng có ảnh hưởng phần nào. Bố tôi là nhà ngoại giao. Từ nhỏ sống với bố, được đi và tiếp xúc với các cuộc hội họp ở nhiều nước, tôi rất muốn trở thành nhà ngoại giao và bố tôi cũng hướng cho tôi theo nghề của mình. Hiện tại, tôi đang học năm thứ 3, ngành Quan hệ Quốc tế, ở Geneva, Thụy Sĩ.
- Hơn 10 ngày kể từ đêm đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt (ngày 2/9 tại Vinpearl - Nha Trang), cuộc sống của Ngô Phương Lan đã thay đổi đến mức nào?
- Kể từ sau đêm đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt, cuộc sống của tôi có quá nhiều thay đổi. Trước, tôi sống "trầm hơn". Giờ thì tôi và gia đình vô cùng bận rộn với việc trả lời phỏng vấn báo đài, giao lưu, gặp gỡ và tham gia các hoạt động từ thiện... Tôi chưa kịp chuẩn bị cho "sự kiện lớn" này, chưa có một chút kinh nghiệm gì nên đôi lúc tôi hơi bị rối, không biết phải làm việc gì trước, việc gì sau. Mấy ngày gần đây, tôi quen dần với lịch công việc kín mít nhưng vẫn diễn ra sự thiếu ngủ, chưa kịp gặp gỡ người thân, họ hàng.
Vị "Chủ tịch ECOSOC" 20 tuổi
- Ngôn ngữ luôn là rào cản rất lớn trong việc giao lưu cũng như tiếp cận văn hoá. Tuy nhiên, để học ngoại ngữ không chỉ cần cù mà phải có năng khiếu bẩm sinh. Lan đã vượt qua "rào cản" đó bằng cách nào?
- Tôi là người thích giao lưu nên không gặp nhiều khó khăn lắm trong việc thay đổi nơi ở. Tôi nghĩ khó nhất đó là vấn đề ngoại ngữ. Ngày bé tôi học tiếng Anh nhưng sang Thuỵ Sĩ tôi phải nói tiếng Pháp. Dù sao, tôi cũng khắc phục được khó khăn này vì tôi rất hứng thú với việc học ngoại ngữ.
Tôi nghĩ rằng trong chuyện học ngoại ngữ này ngoài năng khiếu bẩm sinh còn phải có một sự đam mê mới thành công được. Tôi đã thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, trong tương lai đang có dự tính học thêm tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha, và cả tiếng Nhật. Tôi có là người quá tham lam không nhỉ? (Cười)
- Được biết, ngày theo bố mẹ sang Mỹ, Lan đã phải vào lại lớp 1 để học nhưng sau đó, lại được đích thân Tổng thống Bill Clinton ký tặng bằng khen. Vì sao vậy?
- Năm 1993, tôi đang học lớp 1 ở Hà Nội thì theo bố mẹ sang Mỹ sống gần 7 năm. Tôi phải vào học lại lớp 1 với rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ.
Cuối cùng thì tôi cũng tốt nghiệp lớp 5 với thành tích học tập cao nhất. Tôi và hai bạn nữa được nhận bằng khen Huy chương vàng của Tổng thống Bill Clinton. Cũng trong năm đó, tôi nhận được giải thưởng của một NXB ở New York dành cho bài thơ tôi viết về tình bạn bằng tiếng Anh.
- Tại Thuỵ Sĩ, Lan đã tham gia nhiều hoạt động xã hội với kiều bào và từng trúng cử làm "Chủ tịch ECOSOC" (Ủy ban Kinh tế Xã hội của Liên Hợp quốc) của Liên Hội sinh viên toàn thế giới. Ở đó bạn cũng là nhân vật "nổi bật"?
- Với kiến thức thu được và kinh nghiệm góp nhặt trong những năm tháng bôn ba theo bố mẹ tới các nền văn hóa khác nhau, khả năng sử dụng thành thạo ba ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp, tôi đã được chọn vào Ban lãnh đạo "Chương trình Liên Hợp quốc" của Liên Hội sinh viên toàn thế giới, diễn ra từ tháng 8/2006 đến tháng 3/2007. Đây là hoạt động để các sinh viên thực tập về Liên Hợp quốc. Chương trình dù mang tính tượng trưng nhưng có nội dung rất khoa học về hoạt động toàn diện của tổ chức này.
Sau đó, tôi đã tham gia nhiều vòng sát hạch và trúng cử làm "Chủ tịch ECOSOC". Ngoài ra, ở Thuỵ Sĩ, tôi và mẹ thường hay tổ chức những buổi sinh hoạt văn hoá, tập hợp khoảng 10 - 15 người biểu diễn các tiết mục văn nghệ cho kiều bào xem. Có những chương trình thu hút tới gần 2 nghìn khán giả từ Đức, Pháp sang. Tôi chịu trách nhiệm chính về khâu dàn dựng chương trình và kiêm luôn... diễn viên múa chính!
"Học xong, tôi trở về đúng nghĩa... Hoa hậu"
- Phương Lan có nói sẽ trở lại Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Geneva tại Thụy Sĩ. Thực tế là hiện nay rất nhiều bạn trẻ thích sống và làm việc tại nước ngoài, sao bạn lại có suy nghĩ "ngược" như vậy?
- Học xong, tôi sẽ về Việt Nam làm việc. Nếu được, tôi xin làm về ngành ngoại giao. Bố mẹ tôi luôn gợi mở cho hai chị em ý thức đi học nước ngoài để trau dồi kiến thức của mình xây dựng đất nước.
- Ngô Phương Lan từng nói mình ngưỡng mộ nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, vậy bạn ngưỡng mộ những phẩm chất gì ở bà?
- Tôi rất ngưỡng mộ bà Tôn Nữ Thị Ninh không chỉ riêng vẻ đẹp mà cả phong cách và trí tuệ nữa. Tôi mong rằng có thể noi gương bà để trở thành một nhà ngoại giao giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước.
Hoa hậu Ngô Phương Lan được đón chào nồng nhiệt tại Thụy Sỹ |
- Sau đêm đăng quang bạn ở Việt Nam được khoảng hơn 10 ngày rồi bay ngay sang Thụy Sĩ, vậy bạn thực hiện "quyền và trách nhiệm" hậu Hoa hậu của mình như thế nào?
- Vì còn một năm nữa là tốt nghiệp đại học nên tôi xin với Ban tổ chức cho phép tôi hoãn lại một năm, học xong tôi sẽ làm tiếp các hoạt động ý nghĩa của một Hoa hậu. Trong thời gian đang học bên Thụy Sĩ, nếu Ban tổ chức có yêu cầu tham gia các hoạt động xã hội, tôi sẽ thu xếp để có thể bay về Việt Nam. Khoảng tháng 8/2008, tôi tốt nghiệp đại học và sẽ về xin việc tại Việt Nam luôn.
Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian hơn 10 ngày kể từ khi đăng quang, tôi đã tham gia rất nhiều hoạt động giao lưu và từ thiện. Tôi đã đến với bà con vùng lũ ở Hà Tĩnh, thăm hỏi và trao quà; cùng mẹ đến trụ sở Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, 35 Trần Phú - Hà Nội thăm, ủng hộ một số em nhỏ bị tật ở mắt đang chờ phẫu thuật; đi Sóc Sơn thăm các em nhiễm chất độc màu da cam... Về Thụy Sĩ với danh hiệu Hoa hậu tôi sẽ đi vận động bà con kiều bào, một số tổ chức phi chính phủ quyên góp, ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn và bà con vùng thiên tai lũ lụt...
Theo Dân Trí