Ngô Phương Lan: "Xuất xứ vương miện không quan trọng"
"Chiếc mũ mấn dành cho Hoa hậu khá to, khi đội sẽ phải kết hợp với một loại trang phục nhất định. Nó không thật sự phù hợp với công việc từ thiện và các hoạt động xã hội", Ngô Phương Lan nói về vụ thay thế vương miện trong đêm đăng quang.
Nụ cười Hoa hậu sau ngày đăng quang. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Chị nghĩ sao trước thông tin tiết lộ, chiếc vương miện Hoa hậu đội trong đêm chung kết được mua từ chợ Bến Thành?
- Điều quan trọng không phải là xuất xứ của vương miện mà là ý nghĩa chiếc vương miện mang lại. Tất nhiên, vương miện này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi.
Hơn nữa, tôi được biết, theo thiết kế ban đầu, chiếc mũ mấn dành cho Hoa hậu khá to và không giống như vương miện truyền thống. Nếu Hoa hậu đội chiếc mũ đó, tất nhiên sẽ phải kết hợp với một loại trang phục nhất định, mà có thể nó không thật sự phù hợp với công việc từ thiện và các hoạt động xã hội diễn ra thường xuyên sau khi đăng quang. Vương miện truyền thống nhẹ nhàng sẽ tạo sự linh hoạt và năng động hơn cho Hoa hậu.
- Chương trình hoạt động sắp tới của chị là gì?
- Cuối tuần này, tôi sẽ bay vào Nghệ An, Hà Tĩnh - hai tỉnh vừa chịu thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua. Đầu tuần sau, tôi trở ra Hà Nội, đến thăm các trẻ em bị chất độc màu da cam, trẻ em mồ côi và tham gia một số hoạt động xã hội khác… Dự kiến, ngày 14/9, tôi phải bay về Thụy Sĩ để tiếp tục công việc học tập của mình. Đó là kế hoạch trước mắt. Trong tương lai, tất nhiên tôi sẽ còn thực hiện nhiều chương trình từ thiện nữa…
- Sinh ra trong một gia đình theo ngành ngoại giao nên thường xuyên phải di chuyển chỗ ở theo nhiệm kỳ công tác của bố, chị gặp phải những khó khăn gì?
- Việc thay đổi chỗ ở buộc mình phải tìm cách hòa đồng với cuộc sống mới, môi trường văn hóa mới, và trong nhiều trường hợp là cả ngôn ngữ mới nữa. Đó là một thử thách không nhỏ. Nhưng vì thích học hỏi, thích giao lưu và tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau, nên tôi luôn nỗ lực để có thể hòa nhập một cách tốt nhất.
Nụ cười Hoa hậu sau ngày đăng quang. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Khi nghĩ về quê hương, chị nhớ đến hình ảnh nào nhất?
- Đó là hình ảnh bà ngoại. Bởi, ông bà nội và ông ngoại của tôi đều đã mất. Tôi chỉ còn mỗi bà ngoại. Hơn nữa, tôi có tình cảm rất sâu sắc với bà, vì hồi còn nhỏ, bố mẹ bận đi công tác, chị gái học xa, tôi được gửi cho bà chăm sóc. Hai bà cháu rất gắn bó với nhau. Còn nhớ, hồi đó tôi rất thích ăn bún ốc nên sáng nào bà cũng mua một cặp lồng bún ốc để tôi ăn khi đi học về. Mỗi khi được về quê, người đầu tiên tôi nghĩ đến và mong mỏi được gặp nhất chính là bà ngoại.
- Trên blog cá nhân, chị có nhiều bức hình chụp trong cuộc sống đời thường với những trang phục hiện đại và đẹp mắt. Là một người sống nhiều năm ở phương Tây, chị quan niệm thế nào về “kín” và “hở” trong cách ăn mặc của người con gái Việt Nam?
- Trong cách ăn mặc, tôi muốn giữ được những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam. Bố mẹ cũng thường răn dạy tôi điều đó. Tôi không thích lối ăn mặc quá hở hang hay khêu gợi, vì là con gái, mình phải biết tôn trọng bản thân, phải giữ được phong tục và nét đẹp văn hóa của dân tộc. Trong việc lựa chọn trang phục nói riêng và trong cuộc sống nói chung, tôi cố giữ cho mình hình ảnh của một người con gái, một người phụ nữ Việt Nam đúng nghĩa.
- Trong những ngày "thi đấu" tại Vinpearl, có một chàng trai thường xuyên xuất hiện cạnh chị trong hậu trường. Chị có thể tiết lộ thêm về nhân vật lạ mặt này?
- Đó là một người bạn thân của tôi. Chúng tôi thân nhau từ hồi còn học phổ thông và cho đến bây giờ vẫn thân. Anh ấy cũng học ở Thụy Sĩ. Anh đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong thời gian diễn ra cuộc thi.
- Trong hình dung của chị, mẫu đàn ông lý tưởng phải là người như thế nào?
- Bản thân tôi không có tiêu chuẩn riêng về một người đàn ông lý tưởng. Nhưng mẹ thường bảo: “Con nên tìm một người chồng như bố con”.
Nói chung, bố mẹ luôn muốn bạn trai tôi là người Việt. Bản thân tôi cũng có mong ước như thế. Nếu hai người sinh ra trong cùng một nền văn hóa, chung một ngôn ngữ, họ sẽ dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm hơn. Mặt khác, nếu kết hôn với người nước ngoài thì rào cản về ngôn ngữ có thể sẽ hạn chế sự giao lưu tiếp xúc giữa chồng mình với bố mẹ, cô, chú và họ hàng… Điều này rõ ràng là rất bất tiện.
Người bạn trai thường xuyên xuất hiện cạnh Phương Lan trong hậu trường cuộc thi. Ảnh: BBC. |
- Mẹ chị là một viên chức ngành ngoại giao nhưng đã từ bỏ sự nghiệp để theo chồng chăm sóc các con. Chị cũng nuôi ước mơ trở thành một nhà ngoại giao. Vậy nếu sau này, ở vào hoàn cảnh của mẹ, chị sẽ lựa chọn như thế nào?
- Nếu làm được như mẹ là đã đảm nhận một vai trò lớn lao, chấp nhận hy sinh lớn. Nếu ở trong hoàn cảnh của mẹ, tôi cũng sẽ cố gắng làm như thế. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu như có cách nào đó để hài hòa giữa công việc và gia đình thì sẽ tốt hơn.
- Hồi lớp 5, khi còn học ở Mỹ, chị có viết một bài thơ và nhận được giấy khen do chính cựu tổng thống Bill Clinton ký. Chị có thể nói rõ hơn về xuất xứ và nội dung của bài thơ này?
- Tôi không được thừa hưởng tài năng thơ ca của bố nên từ bé đến nay, đó là “tác phẩm” duy nhất mà tôi viết. Bây giờ, tôi không còn nhớ rõ chi tiết và câu chữ cụ thể của bài thơ. Hồi đó, khi còn học lớp 5, tôi có những người bạn rất tốt và khi tốt nghiệp (cấp 1), tôi đã làm thơ để tặng cho các bạn. Nội dung bài thơ nói về tình cảm trong sáng nhưng sâu sắc của lứa tuổi học trò.
Theo Vnexpress