Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngô Thanh Vân có lao đao khi bị Tronie 365 tung bí mật hợp đồng?

Chàng rapper từng là thành viên của nhóm 365 đã có một hành động được đánh giá là "hơi trẻ con" khi tung bản hợp đồng ký kết giữa mình với công ty lên mạng. Sự việc này khiến câu chuyện hậu trường "độc quyền" của Vpop có thêm màu sắc mới.

Ngô Thanh Vân có lao đao khi bị Tronie 365 tung bí mật hợp đồng?

Chàng rapper từng là thành viên của nhóm 365 đã có một hành động được đánh giá là "hơi trẻ con" khi tung bản hợp đồng ký kết giữa mình với công ty lên mạng. Sự việc này khiến câu chuyện hậu trường "độc quyền" của Vpop có thêm màu sắc mới.

Ngày 11/7 vừa qua, công ty quản lý nhóm VAA, giám đốc Ngô Thanh Vân và đại diện pháp lý đã tổ chức buổi họp báo với mục đích làm rõ tất cả những thông tin trái chiều tồn tại trong những ngày qua. Dù được gửi thư mời, nhưng Tronie và luật sư của anh đã không xuất hiện cũng như để lại bất cứ hồi âm nào. Do đó, buổi họp báo đã để mất đi mong muốn của VAA ban đầu là cho giới truyền thông được chất vấn với cả 2 phía.

Trong buổi họp báo này, Ngô Thanh Vân cũng khẳng định, hiện tại Tronie vẫn chưa thanh lý hợp đồng và nghiễm nhiên thuộc về quyền quản lý của công ty. Những phát ngôn và hành động như tiết lộ hợp đồng có thể khiến anh bị phạt từ 30 triệu đồng đến con số cao hơn.

Tuy nhiên, sau buổi họp báo không lâu, chàng rapper trẻ không chỉ đăng lên mạng bản hợp đồng làm việc đã ký với công ty mà còn đăng đàn bày tỏ quyết định muốn ra khỏi công ty của mình. Trong bản hợp đồng, điều đáng chú ý là mức lương cơ bản mà anh nhận được trong một tháng chỉ từ 2 - 3 triệu đồng (Ở buổi họp báo Ngô Thanh Vân lại khẳng định con số mà họ nhận được cao hơn vì các thành viên của nhóm còn nhận được thêm tiền phần trăm từ show diễn và các hoạt động khác như quảng cáo, làm show riêng...).

Tronie khi chia sẻ với báo chí sau đó, cũng cho biết, anh không nghĩ rằng mình đã phạm luật và cho rằng VAA không thể tự ý họp báo. Anh chàng cho biết, nếu đưa vụ việc cho cơ quan luật pháp giải quyết, anh sẽ bồi thường theo luật. Còn chuyện đưa hợp đồng lên mạng là để... người hâm mộ hiểu.

Từ nhùng nhằng của vụ Tronie tách nhóm và hành động non trẻ của rapper khi tung hợp đồng lên mạng, cùng đánh giá những điều được và mất của Ngô Thanh Vân: 

Đi sau, về trước

Giai đoạn chuyển tiếp của nhạc Việt chứng kiến những cuộc thăng hạng ngoạn mục của lớp ca sĩ mở màn cho phong trào solo và đi tìm hướng mới cho âm nhạc hiện đại. Những Phương Thanh, Lam Trường, Thanh Lam, Thu Phương… đều hoạt động riêng lẻ và phất lên bằng việc tự thân vận động.

1088 của công ty Cánh Chim Việt có lẽ là nhóm nhạc đầu tiên được gắn với mác "độc quyền", cụm từ được xem là khá lạ lẫm thời bấy giờ. Tiếp theo sau đó là hàng loạt những ngôi sao tên tuổi lần luợt vào "ngôi nhà chung" như Đan Trường của H.T Production, Nguyễn Phi Hùng của Tài Năng Mới, GMC, Nhật Tinh Anh của Nhạc Xanh, Công ty Thế giới giải trí Wepro lại sở hữu nhóm H.A.T, Ưng Hoàng Phúc, rồi Phạm Quỳnh Anh, We Boys.

1088.

GMC.

Hiểu một cách đơn giản, mô hình "độc quyền" ca sĩ ngày ấy cũng khá giống với các nghệ sĩ theo "biên chế", nghĩa là họ về chung một tổ chức, được đầu tư và phát hành sản phẩm theo những thời điểm nhất định tùy vào tình hình của đơn vị chủ quản… Từ đó, các nhóm hát hay ca sĩ độc quyền được chú trọng hơn đến ngoại hình, dòng nhạc theo đuổi, tính chất của sự kiện, sân khấu cũng như những định hướng được hoạch định rõ ràng, chi tiết và có hợp đồng cụ thể.

Đây là mô hình không mới với US-UK hay Kbiz, Jbiz khi họ sở hữu đầy dẫy những tên tuổi nổi tiếng và ảnh hưởng trên phạm vi rộng như N’Sync, BackStreet Boys, M2M, A1, Westlife, BOA… Đến khi Vpop ngày đó áp dụng và khai thác loại hình này, tuy có nhiều cố gắng nhưng phần đa vẫn chỉ mang tính chất "học hỏi", dù được nhân rộng nhưng cách biểu hiện chưa thật triệt để và phát huy hết thế mạnh, đồng thời rất mơ hồ trong việc hoạch định chiến lược lẫn những rủi ro phát sinh.

Thật khó lòng để so sánh Vpop phôi thai và non trẻ so với những nền công nghiệp giải trí giàu mạnh khác, thế nhưng, dù được chứng kiến, học hỏi và rút kinh nghiệm từ những bài học phát sinh trong mô hình "độc quyền", nhạc Việt vẫn chưa có những bước chuyển mình đáng kể. Những Phương Vy, Quốc Thiên của Music Faces vẫn trung thành với những hình tượng cũ, Nam Cường vẫn khá nhàm mòn với Music Box, thậm chí nữ hoàng giải trí Hồ Ngọc Hà thời còn ở đơn vị chủ quản vẫn khá an toàn và chưa có nhiều bứt phá như sự nghiệp rực rỡ của cô sau này.

Phải đến khi 365 ra đời bằng bàn tay nhào nặn của bà bầu Ngô Thanh Vân, người ta mới phần nào hình dung và có cái nhìn tổng quan (tuy chỉ là bề nổi) về mô hình ca sĩ và nhóm nhạc độc quyền trong Vbiz. Ở đó, khán giả mới được chứng kiến những hoạt động, sinh hoạt thường nhật của thần tượng mà họ yêu mến.

Ngô Thanh Vân đã đi một bước dài về "độc quyền" trong Vpop

Xuất phát điểm với năng lực và vị trí khác nhau, 365 được Ngô Thanh Vân phát hiện và đào tạo để trở thành hình tượng boyband mới của nhạc Việt theo mô hình có phần tương đồng với Kpop mà cụ thể là nhóm nhạc nổi tiếng Bigbang.

Với những thỏa thuận rõ ràng, phân chia lợi ích một cách cụ thể, quá trình học tập và rút kinh nghiệm từ những mô hình tương đồng của các nền âm nhạc tiên tiến… Ngô Thanh Vân được đánh giá là khá tiên phong và có chiến lược rõ ràng khi không ngần ngại đưa ra bản hợp đồng 10 năm - được đánh giá là khá dài so với con số tối đa 5 năm của các ca sĩ ngày trước.

Nữ diễn viên Lửa Phật cũng không ngại ngần đầu tư mạnh tay cho 365 khi lên kịch bản PR khá chuyên nghiệp bằng những series phim chân thực về cuộc sống sinh hoạt, học tập cũng như biểu diễn của các gà cưng, phủ sóng hình ảnh trên truyền hình, 365 luôn được hâm nóng một cách an toàn.

Với nhạy cảm thị trường sắc bén, 365 dưới tay "đả nữ" được trui rèn và định hình theo những xu hướng âm nhạc và thị hiếu khác nhau, trong những môi trường khác nhau. Những MV tiền tỷ, phục trang và hình ảnh được chăm chút tỉ mỉ và ấn tượng, cạnh đó là danh tiếng và quyền lực của Ngô Thanh Vân luôn được bảo chứng, 365 của đả nữ Ngô Thanh vân trở thành nhóm nhạc được yêu thích nồng nhiệt. Nhóm 365 đã vực dậy và làm phong phú hơn cho mô hình boyband của Vpop vốn đã thoái trào và tan rã từ rất lâu.

Nhìn nhận một cách khác quan, sự việc rapper Tronie rời nhóm nhạc của Get on the floor mang theo những tiết lộ hậu trường gây tranh cãi, cũng đã phần nào cho thấy sự chuyên nghiệp và bước tiến đáng khích lệ của mô hình độc quyền tại Việt Nam. Tại đây công chúng ghi nhận nỗ lực hết mình của các thành viên, cạnh đó là những cố gắng, đầu tư và chuyên nghiệp hóa âm nhạc thị trường của Ngô Thanh Vân và các đồng sự.

Việc các ca sĩ độc quyền của các công ty khác cũng "đứt gánh giữa đường" (vì nhiều nguyên nhân khác nhau) sau khi đặt bút cho thời hạn 4-5 năm là điều thường xuyên diễn ra thì công chúng cũng không ngạc nhiên khi thành viên hát rap kiêm dựng bài cho 365 đơn phương dứt áo ra đi cùng những động thái được cho là hơi trẻ con và quá nóng vội. Như thế, dù những "bí mật" hợp đồng bị đơn phương công bố, đồng thời phải chịu những tổn thất và khó khăn trước mắt, "đả nữ" nhanh chóng được nhận được sự cảm thông từ nội giới và nghiễm nhiên trở thành người đi đầu trong xu hướng này.

Thật tiếc cho 365 bởi giờ đây Tronie đã hát bài cuối cùng đầy đủ thành viên Nơi anh không thuộc về cũng như một duyên số và định mệnh của nhóm nhạc thần tượng chỉ mới hoạt động ngót nghét 3 năm này.

Nỗi lo khác biệt

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế là thế, nhưng khi vào Việt Nam, cách thức thực hiện và phát triển mô hình độc quyền lại mang nhiều điểm khác biệt. Một phần nguyên nhân là do những bất cập, thiếu tính thống nhất và tâm lý nóng vội trong việc phát triển mô hình này.

Tronie.

Đầu tiên phải nói đến chính là thời hạn và những ràng buộc trong hợp đồng. Tuy mỗi môi trường có một đặc thù riêng nhưng dễ dàng nhận thấy, thời hạn ràng buộc trong bản hợp đồng ở những môi trường phát triển là khá dài hơi, điển hình là Kpop phải trên dưới 10 năm, trong khi đó, các ca sĩ quốc nội lại không "chịu" quá được 5 năm, thậm chí có trường hợp phải ra đi rất sớm. Nỗi lo tuổi tác, sai chiến lược hay tâm thế đứng núi này trông núi nọ… luôn ám ảnh các ca sĩ tiềm năng. Cạnh đó, phải kể đến tâm lý "đối phó" của các cơ quan chủ quản khi áp dụng công thức mì ăn liền và vội vàng "xuất xưởng" hàng nóng bởi dù muốn dù không họ cũng chịu áp lực việc các ca sĩ sau khi trưởng thành mau chóng tách nhóm và hoạt động riêng lẻ, từ đó, công sức đầu tư lẫn tiền bạc sẽ trở về số 0 nếu không có những bước đi phù hợp.

Thứ hai là tâm lý "cố đấm ăn xôi" và không có những hoạch định cụ thể của bản thân ca sĩ hoặc các thành viên trong nhóm. Đa số các ca sĩ trước khi bước vào công ty nếu không đoạt giải tại các cuộc thi thì cũng có chút ngoại hình hay khả năng nhất định, tùy vào chiến lược, nhưng hầu hết đều là số 0 khi chưa được chăm chút đúng mực. Những ảo tưởng, huyễn hoặc bản thân và nhất là tâm lý bị chèn ép hay bóc lột luôn khiến trận địa trong môi trường độc quyền khó bề yên ả. Thử hỏi có mấy "ngôi sao" mới nổi thấu hiểu sâu xa mức đầu tư cho trang phục, sự kiện, phát hành, đào tạo, PR… đều đong đếm bằng rất nhiều tiền của công ty quản lý và khó có thể so sánh với mức thù lao được cho là "bắt chẹt" kia.

Đáng nói nhất là hoạt động tự do, solo của các thành viên. Nếu ở nước ngoài, việc "đánh lẻ" trong công ty độc quyền là điều cấm kỵ thì trong nước, việc thành viên này làm host một chương trình hay cá nhân đại diện cho nhãn hàng này, thương hiệu kia là chuyện bình thường. Động thái này chính là nguyên nhân dẫn đến việc so đo, tỵ nạnh lẫn tự ti của các thành viên, nhất là những thành viên có ít hoặc không nổi trội về mặt thực lực.

Từ đó, mâu thuẫn phát sinh, việc gắn kết giữa các thành viên trở nên khó khăn hơn, đào thải và tan rã là điều tất yếu. Lý giải cho hiện tượng này, có lẽ thuyết phục nhất chính là thị hiếu đám đông và đặc thù của truyền thông. Tại các nước có nền công nghiệp giải trí phát triển, sau khi "đền bù" một số tiền không nhỏ để đến được chân trời tự do khác, những "cựu ca sĩ" độc quyền rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể có được sự xuất hiện và phủ sóng như ý muốn bởi chính đơn vị chủ quản và những đơn vị sản xuất chương trình, các bầu show luôn có mối quan hệ mật thiết và vô cùng quyền lực.

Ngược lại, với đôi ba lần hợp tác nhỏ lẻ, sao Việt, nhất là các cá nhân trong công ty độc quyền đã có thể tự móc nối và tìm kiếm đất diễn mới cho mình song song với việc… hoạt động cùng nhóm hát hiện tại.  

Hình ảnh mới nhất của 365 với mô hình 4 thành viên.

Như vậy, chưa mừng vui vì một mô hình chuyên nghiệp như 365 được ứng dụng một cách hiệu quả thì bóng ma chia tay và "tan vỡ" lại chực chờ tới. Không kể việc phân định đúng sai, phân chia lợi ích thế nào là phù hợp, truy cứu trách nhiệm ngọn ngành ra sao… ai đi ai ở cũng là điều đáng tiếc nuối cho 365 và cả Ngô Thanh Vân khi cô diễn viên đa tài này đã dày công đào tạo và cho ra đời một boyband thành công hơn mong đợi. Thử thách thời gian, sự kiên nhẫn và đầy rẫy những nỗi lo trong showbiz đã khiến Tronie mệt mỏi và ra đi trong ồn ã. Thế nhưng vẫn còn đó một hình ảnh 365 bài bản và chuyên nghiệp trong hành trình chinh phục showbiz mà công đầu vẫn thuộc về nữ diễn viên Bẫy rồng.

Thế nhưng Vbiz vẫn cảm thấy vui vì mô hình "độc quyền" đã có một bước tiến mới, mà tiên phong là Ngô Thanh Vân, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều nỗi lo mà theo thời gian chỉ có bản thân Vbiz mới tìm ra câu trả lời.

Theo Mốt và cuộc sống

Theo Mốt và cuộc sống

Bạn có thể quan tâm