Ngô Thanh Vân là người trong cuộc của điện ảnh Việt Nam hơn 10 năm qua, từ vai trò diễn viên, đạo diễn đến nhà sản xuất. Ở vai trò diễn viên, chị được nhà phê bình Lê Hồng Lâm đánh giá là "người cuối cùng của thế hệ ngôi sao điện ảnh kiểu cũ".
Còn trong vai trò nhà sản xuất kiêm đạo diễn, chị cũng có tầm ảnh hưởng lớn. Mới nhất, phim Cô Ba Sài Gòn do Ngô Thanh Vân sản xuất được chọn đại diện Việt Nam dự Oscar 2018.
Trên mạng xã hội, Ngô Thanh Vân bày tỏ sự đồng tình với nhiều nhận định nhà phê bình Lê Hồng Lâm về phim giải trí Việt Nam hiện nay qua bài phỏng vấn "Với điện ảnh, Hoài Linh và Trường Giang chỉ ăn may được vài năm thôi" trên Zing.vn vừa qua.
Mặc dù vậy, khi trao đổi với Zing.vn, chị cũng đưa ra nhiều nhận định riêng từ vị trí của người trong cuộc, không tương đồng của quan điểm nhà phê bình.
"Việt Nam không có nổi một thị trường điện ảnh ổn định"
- Từ đầu năm đến nay, có 33 phim Việt ra rạp nhưng chỉ có 4 phim doanh thu tốt, tỷ lệ là 12%. Với chị, con số này nói lên điều gì về thị trường phim Việt hiện nay?
- Với tôi, những con số không phản ánh quá nhiều thứ, có chăng đó là một dấu hiệu khả quan của một nền điện ảnh phát triển. Tuy vậy, với điện ảnh Việt hiện tại thì lại là một câu chuyện khác.
Người ta tin vào những thống kê rõ ràng trên giấy tờ nhưng phim ảnh lại là thứ sản phẩm bán ra phụ thuộc vào hành vi tiêu dùng của khách đến rạp. Có phim hay với giới phê bình nhưng thua về doanh thu vì nội dung không phù hợp với đại chúng.
Ngược lại, phim đơn giản không được giới làm phim đánh giá cao nhưng đề tài gần gũi, mang lại tiếng cười, thoả mãn nhu cầu thư giãn của đại chúng thì tất nhiên sẽ thống lĩnh phòng vé.
Bất kỳ một sản phẩm nào cũng vậy, sẽ có kẻ khen người chê, quan trọng là chúng ta nhìn những con số đó với thái độ nào. Nếu nhìn để rồi chạy theo số đông mà không đảm bảo chất lượng thì chính chúng ta là một trong những tác nhân làm nhạt nhòa thế đứng của phim Việt với cộng đồng. Từ đó, gây ra hiệu ứng ngược trong lòng những người thực sự tâm huyết và trông chờ vào sự đột phá của phim Việt.
Ngô Thanh Vân là người trong cuộc của phim Việt ở hầu hết vị trí quan trọng: diễn viên chính, đạo diễn, nhà sản xuất. Ảnh: Studio68. |
- Tình hình thị trường như vậy ảnh hưởng gì đến việc huy động vốn đầu tư, có làm nản lòng những nhà làm phim lâu năm như chị?
- Làm phim ở thị trường Việt đã là một công việc mạo hiểm rồi, không phải với riêng tôi. Nhưng chính vì khó, mình muốn dồn hết tâm sức làm cho bằng được.
Người Mỹ có một Hollywood đầy hào quang, người Ấn có một Bollywood đậm màu sắc văn hoá, còn một đất nước với lịch sử 4.000 năm như Việt Nam lại không có nổi cho mình một thị trường điện ảnh ổn định và được bạn bè quốc tế biết đến.
Một người nản lòng thì nhiều người nản lòng, một người bỏ cuộc thì sẽ có nhiều người bỏ cuộc. Cách tốt nhất để giành lại vị thế phim Việt trong lòng công chúng là chúng tôi - những nhà sản xuất phim chân chính - hãy tiếp tục làm, làm thật có tâm, khai phá và đầu tư thật tốt cho sản phẩm của mình. Chính điều này cũng sẽ tạo nên niềm tin cho nhà đầu tư mà không e sợ họ sẽ bỏ rơi nhà sản xuất phim giữa chừng.
- Theo dự báo, năm sau sẽ có cuộc thanh lọc, giảm số lượng để tăng chất lượng vì chính nhà đầu tư cũng kiệt quệ vì thua lỗ. Chị có lạc quan về điều này?
- Nếu thực sự có sự sàng lọc như thế thì nên mừng cho khán giả hơn!
"Song Lang" được khen nhưng đại đa số khán giả không chọn
- Với chị, Song Lang là thành công hay thất bại?
- Ngay từ đầu, Song Lang đã là một tác phẩm mang tính chọn lọc. Chọn lọc nhà sản xuất đồng hành, chọn lọc khán giả ra rạp. Muốn “đánh” rộng cần hiểu nhu cầu của khán giả ra rạp nữa bởi Song Lang cũng là trường hợp mà tôi và ê-kíp học được rất nhiều thứ. Khán giả ra rạp xem phim để giải trí, chắc chắn họ sẽ không chọn Song Lang. Khán giả ra rạp ngẫu nhiên, xác suất họ chọn Song Lang cũng không cao.
Nhưng tôi không muốn nói đến chuyện thành bại sau mỗi dự án, nó thuộc về thẩm mỹ của người xem, họ có đánh giá của họ. Ở phía nhà sản xuất, tôi muốn ê-kíp của mình tiếp tục học và trải nghiệm những điều mới hơn ở thì hiện tại và tương lai từ những vấp váp của quá khứ. Nhìn mãi về quá khứ để đánh giá thành bại liệu có làm cho dự án đó “sống” lại được không?
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Leon Lê trong ngày ra mắt Song Lang. Ảnh: Studio68. |
- Nhiều độc giả chỉ ra rằng, tình trạng “nhiều phim dở” và đòi hỏi “khán giả phải có tinh thần dân tộc, ủng hộ phim Việt” là mâu thuẫn với nhau: dở thì sao phải ủng hộ, hay mới ủng hộ chứ. Chị nghĩ sao về điều này?
- Nếu thế thì Song Lang là trường hợp đáng để nói đây. Phim được hàng loạt nhà sản xuất, nhà phê bình, nhà báo cho đến nghệ sĩ, khán giả ra rạp khen nức mũi, vậy thì sao đại đa số khán giả lại không chọn Song Lang khi ra rạp? Nếu lý do là vì họ không thích cách tiếp cận của truyền thông, của tiếp thị thì phải chăng những lời khen của phía “hội đồng nghệ thuật” cũng không đủ sức nặng?
Lý do thì có muôn vàn, khán giả cũng có muôn ý mà mỗi bộ phim lại mang một màu sắc riêng. Tôi hoàn toàn đồng ý là phim hay mới nên ủng hộ, điều đó mới thúc đẩy nhà làm phim làm tiếp. Thế nhưng lựa chọn phụ thuộc vào cảm quan của khán giả, vào sở thích của mỗi người.
Tôi không ép nhưng tôi chỉ muốn khán giả công tâm hơn, nhìn phim Việt với một góc nhìn mới hơn vượt qua khỏi những định kiến cá nhân để bắt tay với nhà làm phim khẳng định giá trị của phim Việt.
"Nếu khán giả không thích Song Lang vì cách truyền thông, tiếp thị thì phải chăng những lời khen của “hội đồng nghệ thuật” cũng không đủ sức nặng?". |
- Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cũng kể tên "Về quê ăn Tết" của chị trong nhóm phim dở của năm nay. Chị có đồng tình với nhận định này?
- Về quê ăn Tết cũng là một trường hợp khác sau Ngày nảy ngày nay. Tôi còn nhớ lúc Ngày nảy ngày nay ra rạp, dù có nhiều tên tuổi nổi bật lúc đó nhưng phim vẫn bị một lượng lớn khán giả phản ứng trái chiều.
Người xem có quyền đòi hỏi nhà sản xuất phải làm ra những bộ phim đình đám với nội dung mới lạ tròn trịa, kỹ xảo bắt mắt thế nhưng lại mong muốn đề tài đó phải gần gũi nữa chứ không phải là chuyện viển vông vô nghĩa.
Rõ ràng, trong chính thị hiếu ra rạp cũng đã chia rất nhiều nhóm nhỏ rồi, tôi hay nói vui làm phim là “làm dâu trăm họ” là như thế. Chung quy lại thì “khi yêu trái ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng vuông” mà.
Khán giả quay lưng với phim có chiều sâu, sao nhà sản xuất dám đầu tư?
- "Song Lang" được khen là phát hiện ra Liên Bỉnh Phát, nhưng vấn đề là diễn viên này có thể trưởng thành về diễn xuất, hay trở thành "ngôi sao điện ảnh" hay không, khi khả năng trường sức của diễn viên Việt không cao. Chị nghĩ thế nào?
- Tôi nghĩ mỗi thế hệ diễn viên đều có đất riêng của họ. Danh xưng “ngôi sao điện ảnh” không phải 1, 2 người công nhận là được, mà phải nhìn cả một hành trình dài. Ai cũng vậy, thăng trầm là chuyện thường. Khán giả có thể đón nhận một hình ảnh chị Việt Trinh thành công trên phim truyền hình nhưng lại “thiếu duyên” với điện ảnh trong Trót yêu. Hay trường hợp của chị Diễm Hương cũng tương tự. Mỗi thế hệ đều cần một sự chín muồi nhất định.
Hiện nay, nhà sản xuất còn loay hoay với kịch bản có mô típ giống nhau thì làm sao có “bục” để diễn viên tỏa sáng, để khai phá năng lực diễn xuất? Khán giả còn quay lưng với những phim có chiều sâu nội dung, đường dây tâm lý phức tạp thì “bục” đâu cho nhà sản xuất dám đầu tư, để diễn viên có cơ hội trưởng thành trong diễn xuất?
Chúng ta có quyền đánh giá, nhưng tiêu chí nào, đánh giá ở vị trí của ai thì nên xem xét thật kỹ lưỡng.
Ngô Thanh Vân vừa công bố hợp tác với Cung Lê trong dự án phim The Target - Đặc vụ ngầm. Ảnh: Studio68. |
- Bản thân chị cũng là một nhà sản xuất nỗ lực tìm hướng đi riêng. Dự án mới nhất là hợp tác với võ sư Cung Lê được dư luận chú ý. Nhưng trước đó, Cung Lê từng hợp tác và hủy hợp tác với nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh. Đây là cuộc đối đầu giữa 2 nhà sản xuất, chị và chị Ánh, trước một cơ hội làm phim tốt?
- Anh Cung Lê từng chia sẻ với báo giới là anh ấy cần tìm một ê-kíp thoả mãn những yêu cầu về kỹ thuật cũng như quá trình sản xuất phải đảm bảo điều kiện theo phía Evoke Entertainment Group đòi hỏi. Đây là một thử thách không nhỏ cho tôi trong việc sản xuất tại thị trường Việt Nam.
Thế nhưng, tôi không quan tâm là rủi ro, khó khăn lớn đến đâu mà quan trọng là mình đã được trao tay cơ hội xứng đáng với những gì mình đã cố gắng suốt nhiều năm qua. Như vậy, tôi càng phải trân trọng và làm tốt hơn nữa. Tôi cũng muốn cảm ơn anh Cung Lê đã dành trải nghiệm này cho mình.