Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngô Thì Nhậm và nước cờ cho 290.000 quân Thanh ngủ trọ một đêm

Bằng “Nước cờ Tam Điệp” đi vào sử sách, Ngô Thì Nhậm cho 290.000 quân Thanh ngủ trọ một đêm trước khi đuổi chúng chạy thoát thân không còn mảnh giáp.

Cuối năm 1788, lợi dụng vua Lê Chiêu Thống “rước voi về giày mả tổ”, nhà Thanh phái tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đem 290.000 quân sang xâm lược nước ta. Đội quân xâm lược đông đảo đó nhanh chóng bị vua Quang Trung đánh bại.

Trong chiến thắng lịch sử, hậu thế không thể quên “Nước cờ Tam Điệp” đi vào sử sách của Ngô Thì Nhậm cùng câu nói nổi tiếng của ông: "Cho giặc ngủ trọ một đêm rồi ta đuổi nó đi".

Nước cờ Tam Điệp quyết định cuộc chiến

"Hoàng Lê Nhất Thống Chí" chép cuối tháng 10/1788, 290.000 quân Thanh áp sát biên giới phía Bắc, vượt biên vào nước ta. Nhận được tin, quân Tây Sơn ở Thăng Long họp bàn khẩn cấp, tìm đối sách chống giặc.

Trong cuộc họp này, đa số thủ lĩnh muốn dùng quân mai phục, đánh úp quân Thanh ở dọc đường. Ngô Thì Nhậm là người duy nhất phản đối chủ trương này.

Ông nhận định khác với nghĩa quân Lam Sơn được nhân dân hết lòng ủng hộ, Tây Sơn bấy giờ rơi vào cảnh bất lợi hơn. Cựu thần nhà Lê sẵn sàng chỉ điểm cho quân xâm lược tiêu diệt quân Tây Sơn. Ngoài ra, binh pháp đã dạy: “Khéo mai phục thì thắng, lầm mai phục là thua”.

Ngo Thi Nham anh 1
Chân dung Ngô Thì Nhậm.

"Nay, ta giữ quân mà rút về chỗ hiểm Tam Điệp, không bị mất một mũi tên. Cho giặc vào Thăng Long ngủ trọ một đêm, rồi tung quân ra đánh, đuổi chúng đi, có mất gì đâu?”, Ngô Thì Nhậm nói. Nước cờ Tam Điệp được lập như thế.

Thực hiện kế sách của Ngô Thì Nhậm, quân Tây Sơn rút về phòng tuyến Tam Điệp, đợi vua Quang Trung tiến quân ra.

Về phía Quân Thanh, nghe tin Thăng Long đã bỏ trống, Lê Chiêu Thống vội đem đám tay chân nhập đô, thăm thú tình hình, rước quân Thanh tràn vào nước ta.

Trong khi đó, Tôn Sĩ Nghị chủ quan với nhận định ngông cuồng: “Năm đã gần hết, việc gì phải vội vàng? Không cần đánh gấp! Giặc còn gầy, ta nên nuôi cho nó béo, để nó tự dẫn xác đến mà làm thịt!”.

Bùi Thị Xuân chém bay đầu tướng giặc nào ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút?

Bùi Thị Xuân là một trong những phụ nữ nổi tiếng của lịch sử Việt Nam. Tên tuổi, công trạng của bà được lưu truyền trong sử sách.

Sau khi tiến quân ra Bắc Hà, chỉ trong vòng 5 ngày đêm ngắn ngủi, từ đêm 30 đến trưa mồng 5 tết Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đã đánh tan 290.000 quân Thanh. Theo ghi chép của các giáo sĩ phương Tây, chỉ còn vài trăm tên lính Thanh cùng chủ tướng Tôn Sĩ Nghị chạy thoát sang biên giới.

Đánh giá về công lao của Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung nói với tướng sĩ rằng:  “Các người đều là chiến tướng, tự nhiên gặp giặc là đánh, mà lâm cơ cần ứng biến thì không đủ tài. Mấy tháng trước, ta phải để Ngô Thì Nhậm ở lại, cộng sự với các ngươi, chính là lo sẵn cho chỗ đó”.

Nhà ngoại giao khiến vua Càn Long kính nể

Không chỉ trên lĩnh vực quân sự, Ngô Thì Nhậm đã góp công lớn vào thắng lợi bang giao của nhà Tây Sơn. Vốn là người văn chương nức tiếng bấy giờ, phần lớn các thư từ bang giao giữa nước ta và nhà Thanh đều do chính tay ông soạn thảo.

Những văn kiện ngoại giao của Ngô Thì Nhậm thể hiện rõ nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, danh dự quốc gia với các chính sách mềm dẻo, linh hoạt, cứng rắn. Ngoài ra, Ngô Thì Nhậm hai lần đi sứ sang nhà Thanh vào những dịp rất quan trọng, khoảng các năm 1790, 1792-1793.

Theo sách Nhà Tây Sơn, ngay sau khi quét sạch quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung nhận định rất sáng suốt: "Nước lớn gấp 10 lần nước ta, thua một trận ắt lấy làm nhục mà báo thù. Đến lúc ấy chỉ có người khéo đường từ lệnh mới dập tắt được lửa chiến tranh. Ngoài Ngô Thì Nhậm, không ai làm nổi".

Ngo Thi Nham anh 2
Quang Trung đại phá quân Thanh.

Sau khi nhận định tình hình, vua nói với Ngô Thì Nhậm: "Hai nước đánh nhau chỉ làm dân thống khổ. Nếu dùng lời khéo léo để tránh binh đao, việc ấy nhờ khanh chủ trương mới được".

Nhận lệnh vua, Ngô Thì Nhậm đã tận lực vì sứ mệnh lớn lao đó. Chỉ trong khoảng một năm, ông đã ba lần lên ải Nam Quan, thảo hàng chục thư biểu, công văn với lời lẽ vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, để biến cuộc đối đầu gươm súng giữa Tây Sơn và nhà Thanh thành cuộc bang giao hữu hảo.

Theo các tư liệu lịch sử để lại, trong cả hai lần đi sứ sang Trung Quốc, Ngô Thì Nhậm đều được vua Càn Long và triều thần nhà Thanh nể phục, hết lời khen ngợi, ban thưởng cho nhiều vật phẩm có giá trị.

Quang Trung đại phá quân Thanh Chiến thuật tránh nơi mạnh, đánh chỗ yếu, dương đông kích tây, bất ngờ thể hiện tài năng quân sự đỉnh cao của Quang Trung.

Ngô Thì Nhậm (1746-1803) tên tự Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên. Ông là con trai của tiến sĩ Ngô Thì Sĩ, quê ở Tả Thanh Oai (Hà Nội ngày nay). Thông minh, học giỏi từ nhỏ, năm 1768, ông đỗ giải nguyên ở kỳ thi Hương; năm 1775 thi đỗ tiến sĩ. Dưới cả thời Hậu Lê lẫn Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm luôn để lại dấu ấn sâu sắc về một trí tuệ, bản lĩnh.

Theo sách Hoàng hoa đồ phả, trong những lần đi sứ phương Bắc, ông luôn cố gắng để đến tất cả những danh thắng ở Trung Quốc mà người Việt chỉ biết qua sách vở, cũng như tìm kiếm dấu vết của lịch sử Việt Nam trên đất khách. Chính ông là người đã phát hiện miếu của Hai Bà Trưng được lập ở xứ người.

Xác chết bí ẩn ở ruộng ngô và tài xử án của Hà Tông Huân

Với tài xét xử của mình, tham tụng Hà Tông Huân đã phá được vụ án tưởng như đi vào ngõ cụt, giải oan cho dân làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây.


Nguyễn Thanh Điệp

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm